Chuyển biến tích cực từ mô hình “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMô hình “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” phường Trúc Bạch nhân rộng tại 8 tổ dân phố, phát huy hiệu quả |
Thí điểm triển khai từ ngày 23/6, mô hình “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” đầu tiên trên địa bàn TP Hà Nội tại phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) đã đạt được hiệu quả thiết thực.
Theo cán bộ tư pháp Đào Lan Phương, tỉ lệ người dân đăng ký trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến tăng cao. Nhu cầu người dân gọi điện thoại đến nhà hỗ trợ hạn chế hơn do đã được đội cơ động “cầm tay chỉ việc” thời gian trước đó.
Từ 2 “Đội cơ động” được UBND phường Trúc Bạch triển khai, với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, tiếp cận từng hộ dân”, mô hình đã giúp người dân trên địa bàn phường Trúc Bạch dễ dàng tiếp cận với cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính của chính quyền địa phương thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin,…
Đến nay, mô hình “Đội cơ động” đã nhân rộng tới 8 tổ dân phố. Trong đó, mỗi đội cơ động tại 8 tổ dân phố sẽ gồm có cán bộ phường theo dõi và các tình nguyện viên Tổ trưởng Tổ dân phố, đoàn thanh niên.
Ông Trương Hữu Thanh, Tổ trưởng Tổ dân phố số 6, phường Trúc Bạch, phụ trách “Đội cơ động” cơ sở số 6 cho hay, trên thực tế, nhu cầu thực hiện các dịch vụ công như: Đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký cơ sở kinh doanh… đang ngày càng phát sinh nhu cầu của người dân và trở nên thiết yếu trong đời sống xã hội.
Thế nhưng, việc sử dụng rộng rãi trong cộng đồng dịch vụ công trực tuyến vẫn chưa nhiều. Thậm chí, nhiều người dân còn chưa biết sử dụng cũng như một số gia đình khó khăn không có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin.
Chính vì vậy, việc triển khai đội cơ động tại các tổ dân phố phát huy hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Đồng chí Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch cho biết, việc phát huy tốt mô hình “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” với quy trình nghiệp vụ rõ ràng, sau thời gian thí điểm đã nhân rộng mô hình tới 8 tổ dân phố. Mô hình không chỉ hỗ trợ người dân được tiếp cận với công nghệ thông tin mà còn giúp tối giản thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.
Từ đó, cụ thể hóa “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ và đẩy mạnh tỉ lệ người dân thực hiện dịch vụ công bằng hình thức trực tuyến.
Điểm sáng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật quận Ba Đình | |
Bài 1: Đi từng ngõ, gõ từng nhà, tiếp cận từng hộ dân |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại