Chưa tổ chức đấu giá đã có người mua được tài sản?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNguy cơ mất trắng nhà đất vì dính “cạm bẫy” tín dụng? |
Bị phát mại tài sản
Trong bài “Nguy cơ mất trắng nhà đất vì dính “cạm bẫy” tính dụng?”, báo PL&XH đã phản ánh, ông Phạm Hà Nam, trú tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội đã vi phạm cam kết khi mang “sổ đỏ” thửa đất có diện tích 70m2 ở thôn Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì (đã được UBND huyện Thanh Trì cấp cho vợ chồng ông Trương Văn Nuôi vào năm 2005) đi thế chấp ngân hàng để vay tiền.
Do ông Nam không thực hiện nghĩa vụ trả nợ nên Ngân hàng TMCP Đông Nam Á đã yêu cầu phát mại tài sản trên. Căn cứ Quyết định công nhận sự thoả thuận thành của đương sự số 06/2017/QĐST-DS ngày 28-6-2017 của TAND huyện Thanh Trì giữa Ngân hàng TMCP Đông Nam Á và ông Nam, Chi cục THADS huyện Thanh Trì đã ra Quyết định thi hành án theo yêu cầu số 209/QĐ-CCTHADS ngày 2-11-2017 và Quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 18/QĐ-CCTHADS ngày 3-4-2019.
Lãnh đạo Chi cục THADS huyện Thanh Trì từ chối làm việc và không tiếp nhận nội dung đặt lịch làm việc của PV |
Ngày 25-10-2019, Chi cục THADS huyện Thanh Trì đã tiến hành cưỡng chế kê biên tài sản đối với người phải thi hành án là ông Phạm Hà Nam. Chi cục THADS huyện Thanh Trì cũng xác định người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan gồm anh Trương Văn Lợi (con trai ông Nuôi) và vợ là chị Bùi Thị Chuyên, là người hiện đang ở trên thửa đất này. Đầu năm 2020, tài sản trên được đưa ra bán đấu giá và ông Nguyễn Mạnh Cường là người mua được tài sản.
Điều kỳ lạ là trong suốt quá trình TAND huyện Thanh Trì giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa ông Phạm Hà Nam và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á vào năm 2017, vợ chồng anh Lợi và chị Chuyên là những người trực tiếp đang quản lý sử dụng thửa đất từ năm 2015 lại không được tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Theo chị Chuyên, kể từ thời điểm hai vợ chồng được bố mẹ cho thửa đất trên để quản lý, sử dụng, sinh sống, hai vợ chồng đã thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại một số công trình trên đất, mua sắm thêm nhiều tài sản trong nhà.
Xác định nhầm người
Đến ngày 27-2, ông Khổng Trường An, chấp hành viên Chi cục THADS huyện Thanh Trì ban hành thông báo số 436/TB-THADS về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án. Ông An cho rằng, anh Lợi và chị Chuyên đã nhận được thông báo việc giao tài sản cho người trúng đấu giá số 375/TB-THADS ngày 4-2; tại buổi làm việc ngày 12-2, chị Chuyên đã cam kết chậm nhất đến sáng 21-2, vợ chồng chị Chuyên sẽ chuyển dọn toàn bộ tài sản và người ra khỏi thửa đất để Chi cục THADS huyện Thanh Trì bàn giao cho người mua được tài sản.
Thông báo về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án của Chi cục THADS huyện Thanh Trì đang bị công dân khiếu nại |
Tuy nhiên, trong đơn kêu cứu gửi Báo PL&XH, chị Chuyên cho rằng, chị không nhận được Thông báo số 375/TB-THADS; ngày 12-2, chị Chuyên không làm việc hay ký bất kỳ văn bản nào với Chi cục THADS huyện Thanh Trì và cũng không cam kết tự nguyện bàn giao tài sản như văn bản của Chấp hành viên Khổng Trường An nêu. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chị Chuyên đã gửi đơn khiếu nại và tố cáo đến Chi cục THADS huyện Thanh Trì những đến nay vẫn chưa nhận được văn bản trả lời.
Trao đổi với PV báo PL&XH, chị Chuyên khẳng định, chấp hành viên Khổng Trường An đã xác định nhầm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, tưởng chị Trương Thị Thắng, con gái ông Nuôi là chị Bùi Thị Chuyên. Bởi lẽ, trong suốt quá trình thi hành án từ cưỡng chế kê biên tài sản đến bán đấu giá tài sản, chị Chuyên không được làm việc với Chi cục THADS huyện Thanh Trì và cũng không cam kết hay ký nhận các văn bản liên quan.
Chị Bùi Thị Chuyên gửi đơn kêu cứu tới báo PL&XH cho rằng, Chấp hành viên Khổng Trường An có nhiều vi phạm |
Còn chị Thắng cũng thừa nhận, chị này là người thay chị Chuyên làm việc với Chi cục THADS huyện Thanh Trì và Chấp hành viên trong suốt quá trình thi hành án. “Do tôi là người vay tiền và hai vợ chồng em trai tôi thường xuyên vắng nhà nên tôi đã gặp ông An khi ông này đến dán thông báo. Ông An tưởng tôi là Chuyên nên đã mời tôi lên trụ sở làm việc nhiều lần. Tôi là người ký và ghi Bùi Thị Chuyên trong các văn bản của Chi cục THADS huyện Thanh Trì”, chị Thắng trình bày.
Tổ chức bán đấu giá trước thời gian thông báo?
Được biết, ngày 4-12-2019, Cty đấu giá hợp danh Hưng Phát Hà Nội có Thông báo số 42.1/2019/TB về việc bán đấu giá tài sản trên với giá khởi điểm là 520 triệu đồng, dự kiến phiên đấu giá sẽ được diễn vào ngày 26-12-2019. Tuy nhiên, do hết thời hạn đăng ký mà không có người đăng ký tham gia đấu giá nên ngày 25-12-2019, Chấp hành viên Khổng Trường An đã ký thông báo số 282/TB-THADS về việc bán đấu giá không thành.
Tiếp đến, ngày 7-1, Cty đấu giá hợp danh Hưng Phát Hà Nội tiếp tục có thông báo số 42.2/2020/TB về việc bán đấu giá tài sản này lần 2. Lúc này, giá khởi điểm của tài sản được giảm xuống còn 509,6 triệu đồng; thời gian bán hồ sơ và đăng ký tham gia đấu giá từ ngày niêm yết đến 16g ngày 4-2; thời gian nộp tiền đặt trước từ ngày 4-2 đến 10g ngày 6-2 và thời gian tổ chức bán đấu giá được ấn định vào 9h30 ngày 7-2.
Tuy nhiên, khi chưa đến thời gian diễn ra phiên đấu giá theo Thông báo số 42.2/2020/TB thì ngày 4-2, Cty đấu giá hợp danh Hưng Phát Hà Nội đã ra thông báo bán đấu giá thành số 42.1/2020/TB, đồng thời các bên ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 42/2020/HĐMB-BĐG. Cùng trong ngày 4-2, chấp hành viên Khổng Trường An ký Thông báo số 375/TB-THADS về việc bàn giao tài sản bán đấu giá cho người mua được tài sản là ông Nguyễn Mạnh Cường. Ông Cường mua được tài sản trên với giá 513,6 triệu đồng.
Chị Chuyên cho biết, ngoài Thông báo số 42.2/2020/TB được dán ở trên cổng, chị không được tống đạt hay thấy bất kỳ thông báo nào khác về việc bán đấu giá tài sản lần 2 này. Để làm rõ nguyên nhân Chấp hành viên Khổng Trường An xác định nhầm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và việc công nhận người trúng đấu giá trước thời gian diễn ra phiên đấu giá theo thông báo số 42.2/2020/TB, ngày 20-3, PV đã đến trụ sở Chi cục THADS huyện Thanh Trì đặt lịch làm việc. Tuy nhiên, bà Hạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Thanh Trì từ chối làm việc với PV với lý do… không đủ thẩm quyền trả lời.
Luật sư Phạm Quang Xá cho rằng, nếu xác định việc tổ chức bán đấu giá có sai phạm thì phải huỷ kết quả bán đấu giá |
Luật sư Phạm Quang Xá, Đoàn Luật sư Hà Nội đánh giá, theo điểm c khoản 2 Điều 24, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định về nghĩa vụ của tổ chức bán đấu giá phải “Tổ chức cuộc đấu giá liên tục theo đúng thời gian, địa điểm đã thông báo, trừ trường hợp bất khả kháng”; nếu không có thông báo nào khác về việc thay đổi thời gian bán đấu giá tài sản lần 2 thì việc tổ chức buổi đấu giá tài sản vào ngày 4-2, trước thời gian đã niêm yết thì có dấu hiệu vi phạm Luật đấu giá tài sản.
Luật sư Phạm Quang Xá cho rằng, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự trong vụ việc này, các cơ quan chức năng liên quan cần vào cuộc thanh kiểm tra quá trình thi hành án và bán đấu giá tài sản trên. Nếu xác định việc tổ chức bán đấu giá tài sản trước thời gian niêm yết là chính xác thì đơn vị tổ chức bán đấu giá tài sản sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm b khoản 3 Điều 21, Nghị định 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ với mức phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng, đồng thời phải chịu hình phạt bổ sung là huỷ kết quả bán đấu giá.
Nguy cơ mất trắng nhà đất vì dính “cạm bẫy” tín dụng? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại