Thứ ba 23/04/2024 13:20

Chưa có phán quyết cuối cùng vụ làm giả giấy khám sức khỏe

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
TAND cấp cao tại Hà Nội vừa mở phiên phúc thẩm xử bị cáo Nguyễn Kim Phượng, SN 1982, trú tại, quận Ba Đình, Hà Nội, về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đây là vụ án liên quan đường dây làm giả hàng trăm giấy khám sức khỏe tại BVĐK Thăng Long, Hà Nội, do Phòng An ninh điều tra, CA Hà Nội triệt phá vào tháng 10/2020.

Trước đó, ngày 12/10/2020, tại khu vực ngõ 76 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Tổ công tác thuộc Phòng An ninh điều tra phát hiện Vũ Thị Chiến đang giao giấy tờ, tài liệu cho Nguyễn Thị Hương, thu giữ 115 bộ hồ sơ giấy khám sức khỏe đã có kết luận của bác sĩ và ký đóng dấu BVĐK Thăng Long, trong đó có 15 bộ hồ sơ giấy khám sức khỏe cho người xin cấp đổi bằng lái xe đã dán ảnh và ghi đầy đủ thông tin, 100 bộ chưa có ảnh và thông tin người khám.

Quá trình điều tra xác định, tháng 12/2019, Chiến (Xuyến, SN 1972, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) mua các con dấu tròn và dấu tên, dấu chức danh bác sĩ đặt trên mạng xã hội để làm giả nhiều giấy chứng nhận sức khỏe và phiếu xét nghiệm của khách đăng ký thi lái xe máy và ô tô rồi bán với giá trung bình 30 ngàn đồng/bộ gồm 2 giấy tờ giả trên.

Chiến đã tự làm giấy chứng nhận sức khỏe giả, phiếu xét nghiệm giả hoặc thuê Phượng đánh máy thông tin vào phiếu xét nghiệm giả rồi tự đóng dấu tròn, dấu chức danh bác sĩ vào các giấy tờ trên. Sau đó, Chiến thuê Trần Đông Bình, SN 1961, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội, vận chuyển các giấy tờ giả trên giao cho người mua.

Các khách mua giấy chứng nhận sức khỏe và phiếu xét nghiệm giả của Chiến gồm: Nguyễn Thị Hương, SN 1990, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội; Phạm Thị Thắm, SN 1968, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội; Lại Phú Lộc, SN 1971, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội và một số đối tượng khác…

Trong vụ án này, Vũ Thị Chiến đã làm giả 1 con dấu, 332 giấy khám sức khỏe và 168 phiếu xét nghiệm, hưởng lợi 7,5 triệu đồng. Chiến đã tự nguyện nộp 20 triệu đồng khắc phục hậu quả.

Ngày 29/10/2021, TAND Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm, tuyên án Chiến 6 năm tù; Phượng 3 năm 6 tháng; Bình 3 năm; Hương 3 năm; Lộc 2 năm; Nguyễn Thị Hồng, SN 1982, trú tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội, 24 tháng tù treo; Thắm 24 tháng tù treo; Nguyễn Văn Thi, SN 1968, trú tại huyện Sóc Sơn, 20 tháng tù treo.

Sau phiên sơ thẩm, bị cáo Phượng có đơn kháng cáo, cho rằng công việc chính của mình là hoạt động kinh doanh photocopy, đánh máy tại nhà và không nhận thức về việc photocopy giấy khám sức khỏe từ 1 tờ giấy không có dấu đỏ là sai pháp luật.

Bị cáo cũng cho rằng không có bất cứ liên hệ hay nhận được hưởng lợi từ đối tượng chủ mưu. Số tiền mà bị cáo được các đối tượng trả theo chi phí 700 đồng + 300 đồng/1 tờ photocopy có giá trị không khác gì với giá photocopy thông thường nên không thể đánh giá bị cáo được hưởng lợi từ sai phạm của cả đường dây làm giả giấy tờ. Tại phiên sơ thẩm, bị cáo Chiến cũng khẳng định không trao đổi gì với bị cáo Phượng về mục đích sử dụng những giấy tờ này.

Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội đã hoãn phiên phúc thẩm vụ án do vắng mặt kiểm sát viên.

Giấy khám bệnh hay giấy khám sức khỏe là các loại giấy tờ thông dụng được dùng trong nhiều trường hợp khác nhau với mục đích khác nhau. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân việc làm và sử dụng các loại giấy này giả vẫn diễn ra một cách khá thường xuyên trong thực tế. Vậy, làm giấy khám bệnh giả bị xử phạt như thế nào?

Thứ nhất, xử phạt hành chính

Căn cứ quy định tại khoản 1 – Điều 46 – Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, cụ thể: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cung cấp giấy khám sức khỏe khi không thực hiện việc khám đầy đủ các nội dung theo yêu cầu; Phân loại sức khỏe không đúng với tình trạng sức khỏe của người yêu cầu khám sức khỏe…

Do đó, nếu cá nhân, cơ sở khám chữa bệnh có hành vi cung cấp giấy khám sức khỏe cho người khác mà không thực hiện việc khám bệnh theo đầy đủ những nội dung được yêu cầu thì có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng.

Thứ hai, truy cứu trách nhiệm hình sự

Căn cứ quy định tại Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”...

Hải Phòng: Khởi tố nhiều đối tượng làm giả giấy khám sức khỏe
Chồng rủ vợ làm giả giấy khám sức khỏe bán kiếm tiền
Triệt phá ổ nhóm làm giả giấy khám sức khỏe ở quận Đồ Sơn
Bảo Lâm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động