Chú trọng đến chất lượng nguồn nhân lực để xây dựng Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPGS.TS. Bùi Thị An, rất tâm đắc về Điều 4 trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). ẢNH: VGP |
Lắng nghe góp ý của Nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học
Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS. Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho biết, giai đoạn vừa qua, bà thấy, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tổ chức rất nhiều diễn đàn để lắng nghe ý kiến của Nhân dân Thủ đô, từ cán bộ khoa học, từ các chuyên gia, từ các Sở, ban, ngành, từ các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghiệp... Đến bây giờ, bà nghĩ về cơ bản có lẽ cũng đáp ứng được một phần để Luật Thủ đô tới đây sẽ thể hiện được sự đặc thù, vượt trội...
PGS.TS. Bùi Thị An cho biết thêm, những tồn tại của Luật Thủ đô 2012 đã gây ra bất cập cho Hà Nội. Đó chính là việc không đồng bộ trong pháp luật. Bà rất tâm đắc về Điều 4 trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi. Điều này cho phép Thủ đô áp dụng Luật Thủ đô nếu như khác với những luật trước. Bà cho rằng đây là điều vô cùng quan trọng về mặt pháp luật.
Bởi lẽ, nhiều vấn đề mà nguyên nhân là do chưa có những cơ chế vượt trội để triển khai như: thu hút người tài, có chính sách trải thảm đỏ nhưng khó thu hút, không giữ được người tài; dân số Thủ đô tăng rất nhanh, nhu cầu người dân cũng tăng rất nhanh nhưng diện tích chỉ có hạn mà Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng không có được thẩm quyền quyết định để xây thêm trường ở đâu nữa vì vướng theo quy hoạch; hay việc sửa chữa, cải tạo các chung cư cũ, nhu cầu của dân đòi hỏi phải sửa ngay những chung cư cũ nát nhưng khi triển khai lại vướng rất nhiều nội dung do liên quan đến luật pháp... Đấy là những bất cập liên quan đến việc không đồng bộ của luật pháp, cho nên lần này chúng ta phải có những chính sách vượt trội.
"Tôi cho rằng, nếu như không cho Hà Nội có cơ chế đột phá thì Hà Nội cũng sẽ lại dậm chân tại chỗ, không hơn các tỉnh khác. Hà Nội hiện còn rất nhiều khó khăn chồng chất do đó lần này có cơ chế vượt trội thì tôi nghĩ là rất tốt. Riêng tôi, về cơ chế vượt trội, tôi xin đề nghị tập trung vào mấy cơ chế vượt trội về tài chính; nguồn nhân lực; đào tạo, thu hút, bồi dưỡng nhân tài; cơ chế liên quan đến cán bộ... Làm thế nào để Hà Nội bứt phá thật sự chứ không lại dàn hàng ngang thì không đạt yêu cầu..." - bà An chia sẻ.
Công tác cán bộ chính là công việc liên quan đến con người
Theo bà Bùi Thị An, một trong hai nhân tố quyết định cho phát triển bền vững đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng, đó là thể chế và nguồn nhân lực. Thể chế thì hiện nay, Chính phủ, Quốc hội... đã và đang triển khai hoàn thiện một cách rất mạnh mẽ cho phù hợp thực tế. Luật Thủ đô (sửa đổi) là một trong những câu chuyện đó.
Thứ hai, trong Luật Thủ đô phải chú trọng đến việc thu hút nhân tài và nâng cao chất lượng nguồn lực là hoàn toàn đúng. Lịch sử đã chứng minh, tất cả các nước, đặc biệt đối với nước ta thì yếu tố con người có vai trò quyết định. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do công tác cán bộ. Mà công tác cán bộ chính là công việc liên quan đến con người. Cho nên việc chú ý đến chuyện chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng của những nhân tài để xây dựng Thủ đô là rất đúng.
Bởi vì máy móc, thiết bị dù có hiện đại đến mấy thì cũng phải là do con người. Con người ban hành ra các chủ trương, chính sách để tổ chức thực hiện. Cho nên lần này trong Luật Thủ đô (sửa đổi), bà hy vọng rằng, mỗi cơ chế đặc thù về việc phát hiện, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng và quản lý cũng như đãi ngộ nhân tài sẽ là một yếu tố rất quan trọng giúp cho Thủ đô phát triển bền vững, đột phá.
Và muốn thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được quy định trong Luật Thủ đô thì phải có tổ chức chính quyền năng động, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh gọn, phải có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phải có chính sách để thu hút nhân tài để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là phải có những chính sách liên quan đến chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô.
Trong quy định của luật sửa đổi lần này thì phải nêu lên được các chính sách đối với người lao động, nhất là những chính sách về tiền lương, chính sách về bảo hiểm xã hội, chính sách an sinh xã hội và các chính sách khác...
"Tôi rất kỳ vọng sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội bấm nút thông qua, Hà Nội sẽ có đủ cơ chế mang tính đặc thù để có thể bứt phá lên được. Tức là có cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng, trao trách nhiệm nhưng phải cho nhiều quyền hơn để những người đứng đầu của TP Hà Nội, các đồng chí có quyền quyết những việc liên quan đến Hà Nội, qua đó sẽ xây dựng Thủ đô trở thành TP văn hiến, văn minh, hiện đại theo đúng như Nghị quyết 15 cũng như 30 của Bộ Chính trị..." - bà Bùi Thị An nhấn mạnh.
Xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội để phát triển Thủ đô | |
Hà Nội: mạnh mẽ áp dụng chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại