Chủ động chuẩn bị kỹ, chương trình mới, sách mới đang được triển khai tốt
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh hưởng của dịch bệnh do Covid-19 gây ra đã khiến học sinh các trường trên địa bàn Thủ đô phải tạm dừng việc học gần 3 tháng. Việc nhanh chóng triển khai các hình thức dạy và học trực tuyến giúp cho hoạt động dạy học của giáo viên và học sinh không bị gián đoạn, học sinh các cấp học đã được tiếp cận với kiến thức, với thầy cô qua môi trường internet.
Năm học 2020, Hà Nội cùng cả nước bước vào năm đầu tiên thực hiện chương trình mới (chương trình GDPT 2018), SGK lớp 1 mới. Với quy mô học sinh đông nhất cả nước, TP huy động tối đa mọi nguồn lực về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, lựa chọn những giáo viên tốt nhất để đảm nhận việc dạy học lớp 1 năm học 2020-2021 là chủ trương của ngành giáo dục Hà Nội nhằm quyết tâm thực hiện tốt chương trình mới.
Ông Phạm Xuân Tiến- PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Công tác chuẩn bị, triển khai Chương trình GDPT 2018 năm học 2020-2021 tại Hà Nội được thực hiện nghiêm túc. Các địa phương, nhà trường đã trang bị cơ bản đủ trang thiết bị dạy học cho học sinh lớp 1.
![]() |
Giáo viên và học sinh Thủ đô đáp ứng tốt chương trình mới và sách mới. Ảnh: T.F |
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhận định, học sinh Hà Nội đã đáp ứng tốt với chương trình, SGK mới. Trong quá trình triển khai, những ngày đầu dù có những địa phương còn gặp khó khăn, có những băn khoăn còn hiện hữu về sách mới, nhưng nhờ chuẩn bị tốt về đội ngũ, về phương pháp, về tâm thế đổi mới đã giúp thầy và trò Hà Nội nhanh chóng bắt nhịp với chương trình mới và có điều chỉnh nếu cần.
Kết quả này minh chứng cho sự quan tâm ủng hộ của TP và sự vào cuộc quyết liệt của toàn ngành. Trong đó, có sự quan tâm đầu tư cho cơ sở vật chất. GĐ Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng cho biết: Từ nhiều năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tích cực chủ động tham mưu với UBND, HĐND TP Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện ưu tiên dành quỹ đất xây dựng cơ sở vật chất trường học đáp ứng theo yêu cầu. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp, tập trung xóa các phòng học cấp 4 ở tất cả cấp học; xây dựng, nâng cấp nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn…
Trong năm 2020, TP đã cấp tổng kinh phí mua sắm tại các đơn vị là 69,3 tỷ đồng, đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học cho 79 trường công lập trực thuộc; ngoài ra, mua sắm thiết bị giáo dục thể chất cho trường mầm non công lập các huyện, thị xã, với kinh phí 8,7 tỷ đồng; đối với khối quận, huyện, thị xã kinh phí mua sắm trang thiết bị tối thiểu là khoảng 745 tỷ đồng.
Nhờ đẩy mạnh huy động các nguồn lực, Hà Nội hiện có 102 dự án xã hội hóa với tổng mức đầu tư đăng ký trên 14.825 tỷ đồng, sử dụng 1.826.350 m2 đất; có 68 dự án đã triển khai đầu tư xây dựng, trong đó 38 dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động. Trung bình hàng năm, huy động nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách khoảng 2.500 tỷ đồng xây dựng trường lớp học ngoài công lập.
Song song với đó, lựa chọn những giáo viên tốt nhất để đảm nhận việc dạy học lớp 1 năm học 2020-2021 là chủ trương của ngành giáo dục Hà Nội nhằm quyết tâm thực hiện tốt chương trình mới. 100% giáo viên dạy lớp 1 đã được bồi dưỡng nghiệp vụ cho chương trình mới. Ở thời điểm hiện tại, mặc dù sách giáo khoa lớp 1 vẫn còn có những điểm cần điều chỉnh, các giáo viên của Hà Nội đã chủ động trong quá trình dạy để không khiến phụ huynh và học sinh hoang mang.
Đổi mới trong cách đánh giá học sinh cũng được các trường áp dụng hiệu quả. Thời điểm này, nhiều trường theo kế hoạch năm học đã có bài đánh giá cuối kỳ 1, trên tinh thần không gây áp lực điểm số, học sinh của Hà Nội vẫn đang thực hiện đúng kế hoạch của chương trình mới.

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại