Thứ tư 27/11/2024 12:46

“Chống lại ô nhiễm chất thải nhựa”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đó là chủ đề của Ngày Môi trường Thế Giới năm nay (ngày 5- 6). Sau hơn 1 tháng triển khai, đã có những chuyển biến từ suy nghĩ đến hành động của các doanh nghiệp, cộng đồng và cá nhân hướng đến một môi trường xanh- sạch- đẹp...

Dần thay đổi thói quen

Từ những tiện lợi của việc dùng túi nilon hay các vật liệu nhựa trong đời sống hàng ngày như nhẹ nhàng, gọn và tiện dụng... khiến nó trở thành thói quen của nhiều người người dân. Do đó, việc làm thế nào để người dân hạn chế sử dụng không phải dễ. Trước mắt, cơ quan chức năng khuyến khích hỗ trợ trong việc sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường; xây dựng hệ thống thu gom tái chế túi nilon, khuyến khích các nhà phân phối, nhà bán lẻ tham gia chương trình giảm phân phát túi nilon…

chuyen bien tu chu de chong lai o nhiem chat thai nhua
Việc sử dụng túi nilon đựng thức ăn vừa nguy cơ bệnh tật lại khó xử lý.

Đồng thời với đó là những biện pháp mang tính bền vững, như tuyên truyền sâu rộng trong dân chúng về những tác hại của việc sử dụng túi nilon và những nguy cơ mắc phải... từ đó, giúp người dân hiểu ra vấn đề và tự ý thức được việc hạn chế sử dụng túi nilon và vật phẩm nhựa chính là họ đang bảo vệ bản thân mình, gia đình và người thân khỏi những mối nguy hiểm tiềm ẩn.

Nhờ việc kết hợp giữa các biện pháp tức thời và việc làm mang tính lâu dài mà người dân đã từng bước ý thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân. Chị Nguyễn Thị Mai, một người dân sinh sống trên địa bàn phường Ô Chợ Dừa chia sẻ "Sức khỏe là vốn quý nhất, do đó bản thân mình và gia đình luôn trang bị cho mỗi người ý thức trách nhiệm với chính mình. Đúng là việc sử dụng các chế phẩm từ nhựa và túi nilon có tiện dụng hơn thật, nhưng nhận thức được mối nguy hại do chúng gây ra, bản thân tôi mỗi lần đi chợ hay siêu thị đều chỉ dùng 1 đến 2 túi để đựng đồ thay cho dùng đến cả chục túi như trước đây...!".

Cùng suy nghĩ tích cực như chị Mai, chị Hoa, hiện đang làm việc tại một Công ty đóng trên địa bàn quận Cầu Giấy cũng cho biết: "Trước đây do công việc bận rộn, nên mình thường có thói quen mua đồ vào cuối tuần để dùng cho cả tuần, nên đi chợ cứ mỗi món đồ lại đựng trong 1 túi nilon. Nhưng, nay thì tôi mua cái làn, sau đó đi chợ thì thường xếp chúng lần lượt theo thứ tự rồi về chia ra vào các hộp thủy tinh để bảo quản trong tủ lạnh. Thức ăn cũng vì thế mà tươi hơn và luôn giữ được chất tự nhiên !"

Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa được tăng cường

Qua khảo sát của phóng viên tại một số điểm tập trung đông dân cư trên địa bàn TP. Hà Nội như tại Phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm là một phường có mật độ dân cư sinh sống đông, cùng với đó là quá trình đô thị hóa tăng nhanh. Đặc biệt địa bàn có một số lượng lớn người lao động sinh sống, có nguy cơ cao về vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải, đặc biệt là túi nilon và các đồ dùng nhựa, tuy nhiên đến nay lại đang có xu hướng giảm dần.

“Thời gian vừa qua trên địa bàn phường đã liên tục tuyên truyền cho công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, đặc biệt đưa nội dung về tác hại của việc sử dụng túi nilon và rác thải nhựa trong cuộc sống. Từ đó, người dân cũng ý thức rõ được trách nhiệm và vai trò của bản thân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường và sức khỏe bản thân. Đồng thời với việc tuyên truyền trong dân, việc kiểm soát thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa, túi nilon cũng được tăng cường…!” -ông Nguyễn Khắc Vững, phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì cho biết.

chuyen bien tu chu de chong lai o nhiem chat thai nhua
Việc hạn chế sử dụng túi nilon và nhựa sẽ giúp người dân hạn chế được nguy cơ bệnh tật và ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Văn Khang, chủ tịch UBND phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng cho rằng: Việc hướng dẫn người dân hạn chế sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường, thay cho thói quen cũ và một số biện pháp đưa ra vào thời điểm hiện nay là rất đúng đắn và thiết thực. Đồng thời với những giải pháp được đưa ra là tuyên truyền để người dân hiểu được tầm quan trọng của chủ đề “Chống lại ô nhiễm chất thải nhựa”, thực hiện theo chủ đề này trong hơn một tháng qua trên địa bàn phường có bước chuyển biến rõ rệt…

“Lượng rác thải nhựa và túi nilon giảm hẳn, người dân hạn chế tình trạng bỏ rác bừa bãi mà để vào nơi tập kết, đặc biệt là nơi công cộng. Để làm tốt được điều này, việc trước tiên là thực hiện một cách nghiêm túc trong đội ngũ cán bộ địa phương, sau đó lan tỏa đến các tổ dân phố và đến người dân trên địa bàn…” - ông Khang cho biết thêm.

Túi nilon với đủ các kích cỡ, màu sắc nằm xen lẫn trong các loại rác thải, phế thải khác. Nhiều hố chôn rác, các loại phế thải khác đã phân huỷ hết từ lâu, nhưng túi nilon vẫn không phân hủy. Túi nilon rất khó tái sử dụng và người dân thường dùng một lần là bỏ đi nên lượng thải ra môi trường là không hề nhỏ. Theo thống kê chưa đầy đủ, tại Việt Nam mỗi hộ gia đình thường sử dụng 5 - 7 túi nilon/một ngày. Chỉ riêng 2 thành phố lớn là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trung bình một ngày, thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Mỗi ngày, Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó, rác thải nilon chiếm đến 7 - 8%.

Đáng chú ý là lượng túi nilon này tăng theo từng năm. Theo công bố mới nhất của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm, chúng ta thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh Trái đất 4 lần, có khoảng 500 tỷ túi nilon được tiêu thụ trên thế giới, song, phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp.

Theo ước tính, với nhịp độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó, sẽ nằm trong các đại dương và tồn tại trong nhiều thế kỷ. Cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác chất thải nhựa đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người.

Hoàng Giáp
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động