Cho vay tín dụng lãi suất ưu đãi với người lao động để hạn chế rút bảo hiểm xã hội 1 lần
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: Quốc hội |
2 phương án về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần
Báo cáo tại Phiên họp về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án:
+ Phương án 1:người lao động được chia làm hai nhóm:
Nhóm 1, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 01/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm.
Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
+ Phương án 2: người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành Phương án 1 của Chính phủ đề xuất và cũng là ý kiến của đa số người lao động tại một số địa phương được cơ quan chủ trì thẩm tra lấy ý kiến. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ sớm có đề án hỗ trợ và ban hành quy định phù hợp, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng thay vì lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là vấn đề khó, còn nhiều ý kiến khác nhau và liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người lao động trong thời điểm hiện tại và khi hết tuổi lao động. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến thêm về vấn đề này cũng như các phương án cụ thể để tạo sự đồng thuận khi trình Quốc hội thông qua” – Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.
Cho vay tín dụng lãi suất ưu đãi với người lao động
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hải Dương nhất trí với quan điểm cho rằng cả 2 phương án này vẫn chưa phải là phương án tối ưu.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, trong bối cảnh, điều kiện của nước ta hiện nay, nhiều người rất cần một khoản chi phí để trang trải, vượt qua những khó khăn trước mắt. Mà nếu không trang trải nổi những điều trước mắt, sao có thể nghĩ tới những cái lâu dài. Chính vì lẽ đó, nếu hạn chế hẳn việc rút bảo hiểm xã hội một lần đối với những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội sau khi luật này có hiệu lực như Phương án 1, chắc chắn sẽ gặp rất nhiều phản ứng trái chiều, thậm chí khiến nhiều người dân cảm giác như bị đẩy vào thế khó, đôi khi có thể dẫn đến mất niềm tin vào hệ thống bảo hiểm xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. Ảnh: Quốc hội |
Còn nếu chỉ áp dụng Phương án 2, nhiều người đang tham gia bảo hiểm xã hội sẽ cảm thấy bị hạn chế quyền lợi, bị mất công bằng, có tâm lý so sánh và ồ ạt rút bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực.
Theo đại biểu, đây là nội dung lớn, rất cần có một lộ trình, vừa để người dần dần làm quen tiếp cận, và lộ trình đó cũng là thời gian để chúng ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ kinh tế xã hội, ổn định cuộc sống người dân. Mà cuộc sống có ổn định, kinh tế có khá giả, thì tự khắc, người dân sẽ không có nhu cầu phải rút bảo hiểm xã hội một lần. Đó mới thực sự là gốc rễ, là giải pháp căn cơ đối với vấn đề này.
“Vì vậy, tôi đề nghị vẫn tiếp tục cân nhắc, theo tôi, nên tích hợp cả 2 phương án này. Đối với Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì áp dụng Phương án 1; đối với người tham gia bảo hiểm xã hội sau khi Luật này có hiệu lực thì áp dụng Phương án 2” - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu rõ.
Còn theo đại biểu Phan Thái Bình, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, hai phương án Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề xuất đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai phương án này là thời điểm tham gia đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là trước hoặc sau khi luật có hiệu lực. Nếu đóng bảo hiểm trước ngày 01/7/2025 thì được hưởng bảo hiểm xã hội rút một lần, sau ngày này thì không được hưởng.
Đại biểu nhấn mạnh, nhu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần là nhu cầu cấp thiết, hợp pháp và hợp lý của người lao động, không phụ thuộc vào thời điểm đóng bảo hiểm xã hội trước hay sau khi luật này có hiệu lực.
Do đó, để phát huy tối đa ưu điểm cũng như hạn chế tối đa những hạn chế của hai phương án, đại biểu đề xuất tích hợp hai phương án trên. Từ đó giải quyết được vấn đề trước mắt theo yêu cầu của người lao động. Về lâu dài sẽ giải quyết được vấn đề đảm bảo an sinh xã hội.
Đại biểu Phan Thái Bình, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Quốc hội |
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho rằng hai phương án quy định tại dự thảo Luật đều có những hạn chế, chưa phải là những phương án tối ưu nhất.
Đại biểu phân tích, không nên chọn Phương án 2 vì chúng ta giữ chân người lao động bằng sự ưu việt và lợi ích của BHXH chứ không phải bằng cách giữa 50% số tiền ít ỏi của người lao động. Tuy nhiên, Phương án 1 thì cũng vẫn còn có những băn khoăn, bởi vì những người đóng BHXH sau ngày Luật này có hiệu lực sẽ không còn được lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cả hai phương án Chính phủ trình đều chưa phải là phương án tối ưu, do đó, nếu chưa có phương án tối ưu thì đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, tránh sự xáo trộn xã hội và cho người lao động được lựa chọn, kể cả việc tham gia bảo hiểm xã hội trước hay sau khi Luật này có hiệu lực.
Đồng thời đại biểu cũng đề xuất chính sách để có thể hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, đó là giao cho bảo hiểm xã hội phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội cho người lao động vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp; mức vay tối đa bằng số tiền người lao động được hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội một lần.
Khi người lao động không mất việc thì sẽ không cần rút bảo hiểm xã hội một lần
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, hiện tại Điều 74 của dự thảo Luật đang trình hai phương án. Mỗi phương án đều nhắm hướng tới mục tiêu, chủ trương của Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, đảm bảo tốt hơn quyền lợi lâu dài về an sinh xã hội cho người lao động theo mức độ và cách thức khác nhau.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Tuy nhiên, so sánh giữa hai phương án thì Phương án một có ưu điểm đảm bảo kế thừa quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, không tạo ra sự xáo trộn trong xã hội, tránh được những phản ứng tập thể.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, cần có các nhóm giải pháp đồng bộ đảm bảo có những chính sách về tín dụng, ưu đãi dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp… để phát triển thị trường lao động cũng như giảm thiểu thấp nhất tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, để người lao động có thể được hưởng chế độ hưu trí.
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Quốc hội |
Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phản ánh thực trạng nghỉ việc nhiều của người lao động ở độ tuổi từ 35 đến 40, mà nguyên nhân có phần xuất phát từ các doanh nghiệp “suy dinh dưỡng”, ngưng hoạt động. Cùng với đó các doanh nghiệp ngoài nhà nước có xu hướng cho nghỉ việc nhiều đối với những người lao động ở độ tuổi này. Trong hoàn cảnh đó, người lao động buộc phải rút bảo hiểm xã hội một lần.
Từ thực trạng trên, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động, duy trì hoạt động để người lao động có việc làm. Khi người lao động không mất việc thì sẽ không cần rút bảo hiểm xã hội một lần.
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng tán thành với cách quy định theo phương án 1, đồng thời đề nghị bổ sung quy định Ngân hàng chính sách xã hội phải cho vay đối với những đối tượng không rút bảo hiểm xã hội một lần, để khi nghỉ việc người lao động được vay tiền trang trải cuộc sống.
Để thuận lợi và phát huy dân chủ, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị tổ chức lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An, đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng đề nghị lựa chọn phương án 1 để đảm bảo hướng đến thực hiện đúng nguyên lý của bảo hiểm xã hội, tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, hưởng quyền lợi lâu dài và đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện. Trong quá trình lấy ý kiến, phương án này cũng đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ và đây là phương án an toàn hơn.
Theo đại biểu Đoàn Thị Lê An, về lâu dài cũng cần có định hướng truyền thông tham gia bảo hiểm xã hội để hướng đến có chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, lương hưu khi về già. Việc khuyến khích tham gia và không hưởng bảo hiểm xã hội một lần còn phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế xã hội, lao động việc làm; đồng thời cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng lãi suất ưu đãi với người lao động mất việc làm, bệnh tật để vượt qua khó khăn.
Trước mắt, đại biểu Đoàn Thị Lê An đề nghị giao Chính phủ hoặc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc xác định về thời hạn 12 tháng không tham gia bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội đã ban hành quyết định hưởng, sau đó người lao động mới giao kết hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội cả tháng đó. Ví dụ như người lao động có quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần vào ngày 05/5/2024. Ngày 10/5/2024, người lao động ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ tháng 5/2024 để xác định rõ ranh giới giữa vi phạm và không vi phạm điều kiện hưởng 12 tháng không tham gia bảo hiểm xã hội khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Sắp có gói vay ưu đãi 10.000 tỷ đồng dành cho cán bộ, đoàn viên, lao động ngành Y tế | |
Lãi suất cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội là 4,8%/năm |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại