Chính phủ trả lời về việc “mức chiết khấu với sách giáo khoa” quá cao
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất chú trọng ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá SGK, định giá tối đa SGK, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu để giảm giá SGK. Ảnh: Dương Quyên |
Đề nghị tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu để giảm giá SGK
Đoàn giám sát cho rằng, việc tổ chức triển khai biên soạn SGK để cụ thể hóa và đáp ứng các yêu cầu đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được Chính phủ quan tâm chỉ đạo Bộ GD&ĐT thực hiện; đã xây dựng được các bộ SGK để triển khai theo lộ trình quy định tại Nghị quyết 51 của Quốc hội.
Về cơ bản, các bộ SGK đã đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông, hỗ trợ việc đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá học sinh theo năng lực, phẩm chất.
Tuy nhiên, báo cáo của Đoàn giám sát nêu rằng, việc biên soạn, thẩm định SGK còn nhiều bất cập. Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn được một bộ SGK theo quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13, ảnh hưởng tới trách nhiệm Nhà nước trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong đó, đoàn nhấn mạnh tới công tác quản lý, phát triển nội dung SGK; quản lý giá SGK; thực hiện chính sách xã hội với học sinh dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật, trang bị sách tại thư viện trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo.
Quy định về lựa chọn SGK chưa chặt chẽ, thống nhất. Đoàn giám sát cho rằng, mức chiết khấu đối với SGK, sách tham khảo hiện nay quá cao.
Cùng với đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác tổng hợp, đánh giá hiệu quả các nguồn kinh phí còn hạn chế, chưa rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong phối hợp triển khai thực hiện; việc huy động kinh phí từ xã hội chưa đạt yêu cầu.
Đoàn cũng kiến nghị cần quản lý các rủi ro trong trường hợp không có SGK hoặc SGK không bảo đảm chất lượng, yêu cầu; quản lý giá SGK.
Thư viện các trường cần được trang bị sách; cần biên soạn sách chữ nổi cho người khiếm thị; cung cấp SGK cho học sinh và thư viện các trường thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo.
Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ đánh giá về việc triển khai thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều SGK; có thể thực hiện việc áp dụng cùng lúc nhiều bộ SGK cho từng môn học ở cùng một cơ sở giáo dục hay không.
Một số vấn đề khác cần được đánh giá như: Sự cần thiết sửa đổi định để thực hiện thống nhất việc lựa chọn SGK và giao cơ sở giáo dục có quyền chủ động trong việc lựa chọn SGK, hướng tới để quyền lựa chọn SGK là của học sinh, giáo viên, phụ huynh.
Vấn đề khác là tìm nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong việc tổ chức in và phát hành tài liệu giáo dục địa phương.
Đoàn đề xuất chú trọng ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá SGK, định giá tối đa SGK, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu để giảm giá SGK. Cùng với đó, cần tăng cường công tác thanh tra việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là trong lĩnh vực mua sắm trang thiết bị, tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông; quản lý chặt chẽ việc biên soạn, in ấn, phát hành, lựa chọn SGK, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch; tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc; xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm.
Chính phủ nhận định mức chiết khấu cao có tác động đáng kể đến giá SGK
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giải trình một số vấn đề cần lưu ý qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK phổ thông.
Chính phủ cho biết Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) là cơ quan chủ trì tiếp nhận, rà soát văn bản kê khai giá SGK để phục vụ công tác bình ổn giá, quản lý Nhà nước về giá cũng như công tác kiểm tra, thanh tra.
Các Nhà xuất bản tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá SGK đã kê khai với Bộ Tài chính.
Với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, theo văn bản kê khai giá của đơn vị này với Bộ Tài chính, mức chiết khấu phát hành SGK từ năm 2020 là: 23% cho SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6; 22,5% cho SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Còn SGK lớp 4, 8 và 11 có mức chiết khấu 21%.
Chính phủ nhận định mức chiết khấu này có tác động đáng kể đến giá SGK. Vì vậy, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng mức giá trần để tăng cường quản lý của Nhà nước đối với giá SGK.
Đây sẽ là giải pháp quản lý giá SGK, giảm mức chiết khấu phát hành SGK.
Nêu ý kiến giải trình cho rằng việc Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn được một bộ SGK theo quy định của Nghị quyết số 88 của Quốc hội, đã ảnh hưởng tới trách nhiệm Nhà nước trong triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Chính phủ cho rằng việc Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK sẽ làm hạn chế xã hội hóa, gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng, gây sự tốn kém cho xã hội.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong 4 năm thực hiện xã hội hóa, cả nước có 6 nhà xuất bản và 3 tổ chức có đủ điều kiện tham gia tổ chức biên soạn SGK, góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước.
Để hỗ trợ SGK với học sinh thuộc các hộ nghèo, các vùng sâu xa, miền núi, hải đảo, Chính phủ cho biết, đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu xem xét đề xuất chính sách giảm giá, không thu tiền SGK.
Về ý kiến đề nghị đánh giá chủ trương một chương trình, nhiều SGK; có thể thực hiện việc áp dụng cùng lúc nhiều bộ SGK cho từng môn học ở cùng một cơ sở giáo dục hay không? Chính phủ nêu quan điểm chương trình là thống nhất, SGK là học liệu. Nhiều SGK góp phần làm phong phú nguồn học liệu để giáo viên và học sinh được tiếp cận.
Chính phủ cho rằng mỗi môn học, giáo viên và học sinh có thể sử dụng cùng lúc nhiều bộ SGK. Tuy nhiên, cùng một yêu cầu cần đạt quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông, các SGK có cách tiếp cận khác nhau, sử dụng học liệu khác nhau, để hướng dẫn học sinh học tập cùng một thời điểm với nội dung trên nhiều nguồn học liệu khác nhau là việc rất khó.
Điều này, đòi hỏi giáo viên có nghiệp vụ sư phạm cao, học sinh tự giác học tập và sĩ số lớp không quá đông. Trong hoàn cảnh hiện nay, Chính phủ thừa nhận nhiều cơ sở giáo dục phổ thông chưa đáp ứng được điều kiện này.
Về việc trao quyền lựa chọn SGK cho giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh, Chính phủ nhìn nhận việc này là thực hiện nguyên tắc dân chủ tốt nhất và phù hợp nhất với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.
Vì vậy, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GD&ĐT nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 25 về lựa chọn SGK theo hướng tăng cường vai trò tự chủ lựa chọn SGK của nhà trường.
Khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó, khó khăn ở cấp nào thì cấp đó giải quyết |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại