Thứ sáu 26/04/2024 03:12

Chiêu thức lừa đảo qua các cuộc điện thoại: Không khó để nhận diện

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, các đối tượng giả danh Công an, Kiểm sát viên… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thế nhưng liên tục vẫn có người dân dính bẫy của các đối tượng.
Chiêu thức lừa đảo qua các cuộc điện thoại: Không khó để nhận diện
Cảnh giác với cuộc gọi từ các đối tượng lừa đảo. Ảnh minh hoạ

Gọi điện thoại giả danh cán bộ để lừa đảo

Vừa qua, thông tin từ Công an quận Đống Đa, cơ quan này đang điều tra vụ việc một cụ bà trên địa bàn bị lừa đảo chiếm đoạt 1,2 tỉ đồng sau khi nhận cuộc gọi điện thoại lạ.

Theo đó, vào ngày 3/7, Công an phường Thổ Quan tiếp nhận đơn trình báo của bà H (82 tuổi) về việc nhận được một cuộc gọi điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an. Đối tượng thông báo bà H có liên quan đến một vụ án ma tuý và yêu cầu bà chuyển tiền để chứng minh mình không liên quan. Sau đó, bà H đã chuyển 1,2 tỉ đồng vào tài khoản của đối tượng. Nghi ngờ mình bị lừa, bà H đã đến Cơ quan Công an trình báo.

Ngày 20/4, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đang xác minh làm rõ việc một người đàn ông sống trên địa bàn trình báo bị một đối tượng tự xưng là công an lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 1,5 tỉ đồng.

Cụ thể, nạn nhân là ông Đ nhận được cuộc gọi của đối tượng tự xưng là cán bộ Công an TP Đà Nẵng, thông báo ông có liên quan đến đường dây mua bán ma tuý và có lệnh tạm giam 6 tháng.

Đối tượng gửi cho ông Đ một đường link giả mạo cơ quan công an để đăng nhập và kê khai tài sản phục vụ điều tra nguồn gốc số tiền. Sau khi làm theo lời đối tượng, ông Đ phát hiện tài khoản bị mất gần 1,5 tỉ đồng và đến trình báo Cơ quan Công an.

May mắn hơn bà H., đầu tháng 7 anh L.X.T (trú TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) liên tục nhận 3 cuộc gọi từ các số máy khác nhau tự xưng là người của Bộ Y tế. “Họ nói tôi cung cấp thuốc cho 1 bệnh viện và thuốc có vấn đề nên bị 1 số người dân phản ánh”, anh T. nói.

Tuy nhiên, anh T. không kinh doanh các mặt hàng liên quan đến y tế nên không có chuyện cung cấp thuốc cho bệnh viện. Anh cũng từng nhận được số điện thoại gọi tự động của kẻ xấu tự xưng người của Bộ công an. Do đó, anh T. rất cảnh giác với chiêu trò lừa đảo này.

Trước đó không lâu, anh T.M.T, ở huyện Đông Anh, Hà Nội, đã nhận được cuộc gọi từ số máy lạ. Người gọi điện tự xưng là cán bộ của Tòa án TP Hà Nội, gọi điện đến thông báo anh có liên quan đến một vụ án lừa đảo đã khởi tố, tuy nhiên Tòa đã gửi giấy triệu tập mà chưa thấy anh lên.

“Tôi thực sự hoang mang vì đối phương đọc rất chính xác số chứng minh thư, địa chỉ thường trú cũng như biết rõ số điện thoại của tôi. Tôi nhất định cho rằng có nhầm lẫn, nên đối phương đã cho một số tổng đài và hướng dẫn thao tác để liên hệ trực tiếp với “Tòa án” để giải quyết khúc mắc …” - anh T kể.

Vẫn cho rằng có sự nhầm lẫn ở đây, anh T đã điện cho một người bạn là CA huyện xin tư vấn. Lúc này sau khi được bạn anh phân tích và dẫn chứng một vài vụ lừa đảo, anh mới biết mình xém chút thì trở thành một nạn nhân của thủ đoạn không mới này.

Không chỉ với những chiêu trò giả làm nhân viên Tòa án, cán bộ điều tra, các đối tượng này còn giả làm nhân viên gọi điện đến người dân với chiêu trò thông báo phạt nguội. Anh N.V.P, ở quận Long Biên cho biết, ngay đợt đầu giãn cách, anh đã nhận được một cuộc gọi từ số máy lạ. Đối tượng tự xưng là tổng đài viên của lực lượng Cảnh sát Giao thông, gọi điện đến cho anh thông báo hành vi vi phạm giao thông ở Hà Đông vào cuối tháng 2/2021.

Anh P cho rằng, việc dễ dàng khiến người ta tin vào các cuộc điện thoại đó là bởi các đối tượng thường nắm tương đối đầy đủ và chính xác số chứng minh thư, số điện thoại cũng như nơi lưu trú của nạn nhân. Việc quá đột ngột khi nghe một người lạ biết rõ mình như thế, kèm theo những tội trạng “tày đình” thường khiến bị hại tạm thời lo sợ, thiếu sáng suốt để đánh giá tình huống.

“Chứng tỏ, các đối tượng này cũng có nghiên cứu nhất định về tâm lý con người nên vận dụng khá tốt việc khơi lên những nỗi sợ hãi của người dân, mặc dù trong đời sống thực họ luôn minh bạch” – anh P nhận định.

Chiêu thức lừa đảo qua các cuộc điện thoại: Không khó để nhận diện
Không khó để nhận diện các cuộc gọi lừa đảo

Không khó để nhận diện các cuộc gọi lừa đảo

Ngoài ra, còn thêm một hình thức lừa đảo nữa, theo anh N.Đ.T, ở Gia Lâm, nhân viên của VNPT, người sử dụng điện thoại cũng nên cảnh giác với các cuộc gọi nhỡ quốc tế. Nhận diện các số gọi này, theo anh T, các cuộc gọi, tin nhắn quốc tế sẽ hiển thị dấu cộng (+) hoặc số 00 ở đầu. “Mọi người đều biết, +84 là mã vùng Việt Nam, còn những dãy số sau dấu + như +373, +261, +240, +226… đều là những đầu số nước ngoài. Các cuộc gọi nhỡ với mục đích để các thuê bao trong nước gọi lại, phát sinh cước viễn thông. Thường những cuộc gọi này sẽ bị trừ phí rất cao…” – anh T nói.

Theo Công an TP Hà Nội, trong thời gian qua, cơ quan này đã xử lý rất nhiều những vụ việc lừa đảo từ các cuộc điện thoại giả mạo.

Phương thức và thủ đoạt hoạt động của tội phạm lừa đảo dạng này không quá khó để nhận biết. Đối tượng thường sử dụng công nghệ cao, sử dụng những số điện thoại giống hệt với số điện thoại công khai của CQCA, Viện kiểm sát… để gọi điện.

Nội dung thường là thông báo cho nạn nhân họ đang bị kiện vì bị nợ tiền bạc hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà CQCA đang điều tra. Các đối tượng này còn in giả lệnh bắt, lệnh khám nhà của các cơ quan chức năng để chụp gửi cho nạn nhân, đồng thời yêu cầu kê khai tài sản, số tiền mặt có trong ngân hàng để “phục vụ xác minh, điều tra”.

Để khiến cho nạn nhân thêm sợ hãi và hoang mang, nhất thời mất đi sự phán đoán, các đối tượng này thường yêu cầu nạn nhân không nói chuyện, hoặc kể cho ai để “phục vụ công tác điều tra”. Và việc lừa đảo, yêu cầu chuyển tiền hay gửi số tài khoản cũng như mã OTP cũng sẽ diễn ra ngay sau đó không lâu.

Mặc dù đã ra rất nhiều cảnh báo, nhưng Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, vẫn còn có người sập bẫy của các đối tượng. Theo đó, đa phần đó thường là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí. Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân lo sợ bị mất uy tín nên có trường hợp không trình báo với cơ quan công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Cơ quan công an khuyến cáo, người dân cần cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo. Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương và tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

Dùng CCCD giả xin làm bảo vệ ở nhiều nơi để chiếm đoạt xe máy
Thêm một nạn nhân bị lừa gần 500 triệu đồng vẫn với chiêu trò tuyển cộng tác viên
Nghe cuộc điện thoại của người lạ mạo danh Công an, người đàn ông bị lừa 160 triệu đồng
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động