Chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, người lao động bị “mắc kẹt”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBắt đầu từ cuối tháng 4-2021 đến nay, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 ở Việt Nam được đánh giá là khốc liệt hơn gấp nhiều lần so với 3 đợt dịch trước. Nguyên nhân là do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh, mạnh và đã xuất hiện tại nhiều nơi.
Để đảm bảo các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
"Giải cứu mắc kẹt"
Cùng với đó, TP Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 21-7 đến nay, theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh,...
Nhóm thiện nguyện Tuyết Phong trao suất quà giúp người lao động vượt qua khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội. |
Việc thực hiện giãn cách xã hội khiến nhiều hộ gia đình nghèo, công nhân, sinh viên gặp một số khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm, hỗ trợ vật chất của chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể cũng như các mạnh thường quân, thiện nguyện đã giúp họ giảm bớt khó khăn, đồng lòng cùng chính quyền phòng chống dịch Covid-19.
Trao đổi với PV, chị Cao Thị Ánh Tuyết, SN 1971, trú tại đường Lê Duẩn phường Trung Phụng, quận Đống Đa, TP Hà Nội cho biết, chị bắt đầu làm thiện nguyện từ năm 2003, khởi đầu từ những nồi cháo thiện nguyện do chị nấu và phát tận tay các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Thái Bình. Dần dần, những suất cháo, suất cơm ấm tình người được lan tỏa rộng rãi hơn tại các bệnh viện lớn trên địa bàn TP Hà Nội như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Thanh Nhàn…
Đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam ảnh hưởng đến mọi ngành nghề, tầng lớp trong xã hội. Chị Tuyết cũng gặp không ít khó khăn và để có tiền giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, chị Tuyết đã bàn với gia đình bán đi 5 cây vàng là số tiền dành dụm để tiếp tục giúp đỡ những người nghèo và vô gia cư cũng như bệnh nhân khó khăn tại các bệnh viện ở TP Hà Nội.
Cùng với chị Tuyết, nhiều anh chị em cũng góp sức, góp lương thực, thực phẩm hay kinh phí để nhóm thiện nguyện Tuyết Phong gửi những suất quà đến các hộ dân nghèo, những người bán hàng rong, người vô gia cư hay những người đang mắc kẹt tại Hà Nội trong thời gian giãn cách.
“Trước khi giãn cách xã hội, chúng tôi thường xuyên liên lạc với các phường để xem trên địa bàn phường có bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn rồi lên chương trình ủng hộ. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, khi đi hỗ trợ các phường, chúng tôi nhận thấy có nhiều hoàn cảnh khó khăn, bị mắc kẹt như thợ xây, lao động tự do, họ không có thu nhập, không có giấy ra đường,...
Ủng hộ quà cho các hộ gia đình trong ngõ Trung Tả. |
Nhận thấy nhóm người gặp khó khăn thực sự nên nhóm thiện nguyện chúng tôi đã bắt tay vào chiến dịch “giải cứu mắc kẹt”. Tất cả những hoàn cảnh khó khăn, không có lương thực thực phẩm được giới thiệu, liên hệ đến nhóm thiện nguyện thì đều được chúng tôi bố trí gạo, mì tôm, nhu yếu phẩm khác và những hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, chúng tôi cho họ thêm tiền”, chị Tuyết nói.
Theo chị Tuyết, trong quá trình đi giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, cũng có những người được hỗ trợ rồi lại muốn hỗ trợ thêm nhưng cũng có những người rất biết và chỉ xin phần nào đủ dùng còn lại nhường cho người khác. Có nhiều nhóm thợ xây, gia đình sẵn sàng gửi đồ xuống tiếp tế nhưng lại không tìm được xe gửi rồi nếu gửi xuống Hà Nội thì nhóm người này cũng không có giấy để đi ra đường, đón xe lấy thực phẩm được nên họ gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian giãn cách.
Chị Tuyết cho biết thêm, cách đây mấy hôm, nhóm của chị đến ngõ 107 Lĩnh Nam để phát quà cho người dân gặp khó khăn tại đây, lúc đầu, nhóm chị chỉ tính trao 1 xe ô tô để còn nhường cho chỗ khác nhưng người dân ra nhiều nên nhóm chị đã phát gần 3 xe ô tô quà.
“Khi về, tôi nhận được điện thoại của một cô, cô trình bày chồng cô 6 lần mổ bàng quang, cô đến Lĩnh Nam cho tôi ít gạo nhưng tôi đói quá. Ngày hôm sau cô ấy lại gọi lại nói: “Cô ơi cô mang đến cho tôi đi, tôi đói quá”.
Cùng lúc đó, một cô gái ở phòng trọ bên cạnh đã cầm điện thoại nói, bà này bình thường đi nhặt rác, rửa bát thuê ở bệnh viện để chăm chồng nhưng giãn cách cô không đi lại được nên phải ở nhà. Họ đói thực sự và hôm nay em cho là bữa gạo thứ 2 rồi. Nghe thấy vậy, buổi chiều hôm đó, chúng tôi đã xuống cho bà gần 2 triệu với gạo, mì tôm, hộp yến, sữa để hai vợ chồng cô vượt qua khó khăn”, chị Tuyết tâm sự.
Nhường phần quà cho người khó khăn hơn
Trao đổi với PV, chị Lê Thu Hiền, quê Phú Thọ cho biết, chị cùng bạn đang trọ tại ngõ 140 đường Hữu Hưng, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Vào cuối tháng 8 vừa qua, phường đi phát quà hỗ trợ người dân trên địa bàn. Phòng trọ có 2 chị em nên được phường phát cho 2 suất quà, mỗi suất gồm 10 cân gạo và một thùng mỳ tôm.
Suất gạo và mì tôm chị Hiền và bạn cho lại những hoàn cảnh khó khăn hơn. |
Sau khi nhận quà hỗ trợ, chị và người bạn cùng phòng cảm thấy mình vẫn đang có công việc làm tại nhà và có thu nhập để trang trải cuộc sống, không có nhu cầu dùng đến quà hỗ trợ. Trong khi đó, dịch bệnh kéo dài khiến nhiều công nhân bị mất việc, không có thu nhập nên muốn nhượng lại hai suất quà này cho ai đó thực sự cần.
Hai chị em đã bàn nhau và đăng thông tin nhường lại hai suất quà cho ai thực sự khó khăn lên trên nhóm facebook cư dân Đại Mỗ với mong muốn ai thực sự khó khăn sẽ liên hệ để lấy phần quà hỗ trợ này.
“Chúng tôi nghĩ mình vẫn đang có công việc, vẫn làm ra tiền để trang trải cuộc sống nên muốn nhường phần quà cho người khác bởi tôi biết, ngoài xã hội còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn và họ cần được giúp đỡ thực sự. Do đó, chúng tôi đã đăng lên facebook thông tin nhường lại hai suất quà đó”, chị Hiền thông tin.
Theo chị Hiền, sau khi đăng lên facebook không lâu, có một số người vào chát và hỏi thông tin để sang lấy hai phần quà đó. Trong số người chát, có một chị gái chia sẻ, chị đang trọ ở làng Miêu Nha, chị làm công nhân và đang mất việc. Một mình chị nuôi con nhỏ và đang ở cùng một chị gái nữa. Đồng thời, chị gái này cũng ngỏ ý muốn xin một suất quà và xin cho chị gái cùng phòng một suất.
Nhận thấy hoàn cảnh của chị gái trên khó khăn nên hai chị em đã quyết định nhường hai suất quà cho hai chị em gái đó và cho địa chỉ để chị gái sang lấy gạo và mỳ.
“Hôm đấy trời lại mưa, chị gái với dáng vẻ gầy gò ốm yếu, đạp chiếc xe đạp cũ sang lấy gạo và mỳ tôm. Nhìn chị, chúng tôi thấy việc nhường lại phần quà của mình mới thật ý nghĩa. Tôi không khá giả để đi làm từ thiện cho nhiều người nhưng với những sự việc trong khả năng tôi có thể, tôi sẵn sàng giúp người khác khó khăn hơn tôi”, chị Hiền chia sẻ.
Vận dụng kinh nghiệm hòa giải trong tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 Ông Phạm Xuân Khánh, tổ trưởng tổ hòa giải khu dân cư thuốc lá Thăng Long cho biết, với kinh nghiệm nhiều năm làm công ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại