Thứ sáu 22/11/2024 21:04
Hà Nội – Lào

Chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý trong công tác hòa giải

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Qua trao đổi, chia sẻ, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp Lào cho biết, công tác hòa giải của hai nước Việt Nam – Lào có nhiều điểm tương đồng. Theo đó, hòa giải cơ sở đều là truyền thống văn hóa tốt đẹp của cả hai nước.

Tiếp tục chương trình thăm và làm việc tại Hà Nội, ngày 24-7, đoàn công tác của Vụ khuyến khích hệ thống Tư pháp, Bộ Tư pháp Lào do Phó Vụ trưởng Vụ Khuyến khích hệ thống Tư pháp Lào Vị Kon Bun Vi Lay làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND quận Hoàn Kiếm và UBND huyện Gia Lâm. Đây là hai đơn vị có nhiều kết quả tích cực trong việc triển khai công tác hòa giải của thành phố Hà Nội. Tại buổi làm việc, nhiều kinh nghiệm quý đã được hai bên chia sẻ.

Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng hòa giải viên

Theo Phó Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Khuyến khích hệ thống Tư pháp Lào Vị Kon Bun Vi Lay, từ năm 1997, Chính phủ Lào đã giao cho Bộ Tư pháp Lào xây dựng văn bản hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở. Đến nay, phía Lào muốn nâng văn bản hướng dẫn công tác hòa giải lên tầm Nghị định. Quá trình xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Nghị định, Lào đã tổ chức các đoàn đi tham khảo, học tập kinh nghiệm triển khai công tác hòa giải ở các nước, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt là kinh nghiệm triển khai công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội - địa phương được đánh giá là luôn đi đầu, có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải cơ sở.

chia se nhieu kinh nghiem quy trong cong tac hoa giai
Đoàn công tác của Vụ Khuyến khích hệ thống Tư pháp Lào tham khảo kinh nghiệm triển khai công tác hòa giải của quận Hoàn Kiếm

Nhấn mạnh Hoàn Kiếm là một trong những đơn vị có thành tích tốt trong triển khai công tác hòa giải ở cơ sở, đồng chí Vũ Thị Thanh Tú - Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp Hà Nội cho biết): Hoàn Kiếm là quận có đặc thù là dân cư đông, diện tích chật hẹp, địa bàn phức tạp, công tác hòa giải đòi hỏi phải đầu tư nhiều công sức, thời gian. Tuy nhiên với sự quan tâm của lãnh đạo quận và các phường trên địa bàn quận, công tác hòa giải của quận đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hòa giải thành của quận luôn đạt trên 85%, đặc biệt việc triển khai mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” của Hoàn Kiếm đạt 100%.

chia se nhieu kinh nghiem quy trong cong tac hoa giai
Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp Hà Nội Vũ Thị Thanh Tú: "Quận Hoàn Kiếm, huyện Gia Lâm là những đơn vị có nhiều kết quả tích cực trong triển khai công tác hòa giải ở cơ sở"

Chia sẻ về những kinh nghiệm trong triển khai công tác hòa giải trên địa bàn quận, Trưởng phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm Ngô Thị Hồng Thủy cho biết, quận Hoàn Kiếm có nhiều khu phổ cổ, phố cũ. Các mâu thuẫn trong nội dung nhân dân chủ yếu về sinh hoạt, nội bộ gia đình; mâu thuẫn về sử dụng diện tích đất, xây dựng, cơi nới cải tạo nhà ở giữa các hộ liền kề, trong cùng biển số nhà; về địa điểm kinh doanh đều có liên quan trực tiếp đến lợi ích của cá nhân. Các vụ việc hòa giải đòi hỏi rất nhiều công sức, thời gian của các hòa giải viên.

Nhận thức được vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở, UBND quận Hoàn Kiếm đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo triển khai công tác này, đặc biệt là quan tâm đến việc bố trí kinh phí cho công tác hòa giải cơ sở, tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở. Hàng năm, phòng Tư pháp quận phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận đã tham mưu, giúp UBND quận tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Hướng dẫn UBND các phường xây dựng dự toán kinh phí chi cho hòa giải như chi thù lao cho hòa giải viên (đối với các hòa giải viên trực tiếp tham gia vụ, việc hòa giải), chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải. Nhờ đó chất lượng các vụ hòa giải ở cơ sở ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hòa giải thành đều cao qua các năm.

Hiện Hoàn Kiếm có 163 tổ hòa giải tổ hòa giải với 797 hòa giải viên, 100% tổ đạt tổ hòa giải 5 tốt. Đa số hòa giải viên đều là cán bộ đã về hưu, rất tâm huyết, nhiệt tình và có trách nhiệm với công tác hòa giải.

“Công tác hòa giải đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, hạn chế xích mích trong cộng đồng dân cư, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ của quận, của phường”, đồng chí Ngô Thị Hồng Thủy cho biết.

chia se nhieu kinh nghiem quy trong cong tac hoa giai
Hòa giải viên Đỗ Doãn Hưng (ngoài cùng bên phải) chia sẻ: "Để hòa giải các mâu thuẫn, hòa giải viên cần có kỹ năng, kỹ thuật, kiến thức pháp luật..."

Đánh giá cao vai trò của công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho hòa giải viên, ông Đỗ Doãn Hưng- hòa giải viên phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm chia sẻ, hòa giải là công tác trong dân, người làm công tác hòa giải theo đó cần có kỹ năng, kỹ thuật, kiến thức pháp luật mới có thể hòa giải thành công. “Kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm hòa giải này một mặt được tích lũy, bồi đắp qua thực tiễn tham gia công tác hòa giải của hòa giải viên. Mặt khác có được từ các lớp tập huấn, bồi dưỡng do quận, do phường tổ chức”. “Người Việt Nam có câu “Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình” nhưng mặt khác thì “thấu tình” nhưng cũng phải “đạt lý”, mà muốn “đạt lý” thì phải biết luật, hiểu luật mới hòa giải được”, Hòa giải viên Đỗ Doãn Hưng nói.

Góp kinh nghiệm từ cơ sở, bà Vũ Thị Chi, Hòa giải viên của phường Trần Hưng Đạo cho biết, công tác hòa giải vẫn được ví như việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” vì vậy, trong các tiêu chí của hòa giải viên, thì điều cần thiết trước hết là phải rất tâm huyết. Cùng với đó là am hiểu tâm lý, phong tục tập quán, kiến thức pháp luật, đặc biệt là có được sự tín nhiệm với nhân dân trên địa bàn. “Hàng quý, phường Trần Hưng Đạo đều tổ chức giao ban công tác hòa giải cơ sở, tổ hòa giải nào, hòa giải viên nào làm tốt thì biểu dương, làm chưa tốt thì kịp thời rút kinh nghiệm”, bà Vũ Thị Chi chia sẻ.

Hiệu quả từ mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”

Cùng với Hoàn Kiếm, nhiều kinh nghiệm trong triển khai công tác hòa giải cơ sở cũng đã được huyện Gia Lâm chia sẻ. Trưởng phòng Tư pháp huyện Gia Lâm Nguyễn Đình Quang thông tin, Gia Lâm đang trong quá trình đô thi hóa mạnh mẽ. Đi cùng với đó là nhiều trường hợp phải tiến hành thu hồi đất giải phóng mặt bằng với diện tích lớn để triển khai các dự án, công trình. Đơn cử như năm 2018 để xây dựng khu đô thị Vincity, huyện Gia Lâm đã tiến hành thu hồi hơn 400 ha đất. Tuy nhiên nhờ có sự góp sức, tuyên truyền, vận động nhân dân của các tổ hòa giải, hòa giải viên, công tác giải phóng mặt bằng thực hiện rất thuận lợi.

chia se nhieu kinh nghiem quy trong cong tac hoa giai
Cùng với Hoàn Kiếm, nhiều kinh nghiệm trong triển khai công tác hòa giải cơ sở cũng đã được huyện Gia Lâm chia sẻ

Nhằm nâng cao chất lượng, phát huy hơn nữa hiệu quả công tác hòa giải, hàng năm huyện Gia Lâm đều có các văn bản hướng dãn thực hiện các nội dung công tác hòa giải ở cơ sở, quan tâm hỗ trợ kinh phí, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho hòa giải viên cơ sở. Huyện cũng chỉ đạo các xã phường thị trấn thường xuyên kiện toàn tổ hòa giải. Hiện trên địa bàn huyện có tổng số 193 thôn, tổ dân phố; đã kiện toàn 196 tổ hòa giải với 13.18 hòa giải viên. Năm 2018, huyện có 99/196 tổ hòa giải đạt tiêu chí “Tổ hòa giải 5 tốt”.

Việc triển khai mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong việc hỗ trợ kinh phí bảo đảm đúng, kịp thời theo quy định; tăng cường sự phối kết hợp của Ban công tác Mặt trận và các ngành, đoàn thể ở cơ sở trong công tác hòa giải; tạo động lực trong phong trào thi đua giữa các thôn, tổ dân phố trong xây dựng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” và là động lực cho các hòa giải viên tích cực tham gia hòa giải nhằm đạt được các tiêu chí “Tổ hòa giải 5 tốt”, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở, bảo đảm tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thôn, tổ dân phố, thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình

“Tỷ lệ hòa giải thành hàng năm khoảng hơn 86% - chưa phải là địa phương có tỷ lệ hòa giải thành cao nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhưng công tác hòa giải đảm bảo tính thực chất, tỷ lệ đơn thư khiếu nại tố cáo giảm dần qua các năm, thể hiện tình hình an ninh chính trị ở địa phường rất ổn định”, ông Nguyễn Đình Quang chia sẻ.

Đại diện lãnh đạo các xã, thị trấn cũng như các hòa giải viên của huyện Gia Lâm cũng đã cùng chia sẻ với đoàn công tác của nước bạn về cách thức phát hiện sớm các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp để kịp thời hòa giải cũng như những yếu tố cần thiết để hòa giải thành công các vụ việc.

chia se nhieu kinh nghiem quy trong cong tac hoa giai
Đoàn công tác của Vụ Khuyến khích hệ thống Tư pháp Lào chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện phòng PBGDPL Sở Tư pháp Hà Nội cùng đại diện phòng Tư pháp, hòa giải viên huyện Gia Lâm

Phát biểu tại buổi làm việc Phó Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Khuyến khích hệ thống Tư pháp Lào Vị Kon Bun Vi Lay trân trọng cám ơn sự tiếp đón cùng những chia sẻ của Sở Tư pháp Hà Nội và đại diện các quận huyện về kinh nghiệm triển khai công tác hòa giải ở cơ sở. “Từ những chia sẻ này đã giúp Đoàn công tác có được cái nhìn khai phát về cách thức tổ chức, vận hành của hệ thống hòa giải ở cơ sở. Đồng thời có những kinh nghiệm thiết thực, hiệu quả có thể nghiên cứu, áp dụng triển khai tại Lào”, Phó Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Khuyến khích hệ thống Tư pháp Lào Vị Kon Bun Vi Lay nói.

Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động