Chỉ cho phép Kiểm toán nhà nước truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia để thu thập thông tin trực tiếp về kiểm toán
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN).
Trình bày Báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Thường trực Ủy ban TCNS nhận thấy, căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TW và Kế hoạch số 735-KH/ĐĐQH14, Dự thảo luật đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung hướng tới mục tiêu khắc phục chồng chéo giữa cơ quan thanh tra và KTNN. Nội dung liên quan đến tổ chức, biên chế, bộ máy, KTNN đã lập, trình cấp có thẩm quyền các Đề án liên quan.
Thực tế hiện nay, cơ quan thanh tra và KTNN có vị trí, chức năng, nhiệm vụ khác nhau, được quy định tại 2 Luật khác nhau nhưng đều cần thiết để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, nếu không có sự phối hợp tốt giữa KTNN và các cơ quan thanh tra sẽ chồng chéo về đối tượng, đơn vị và nội dung thanh tra, kiểm toán, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển.
Vì vậy, Dự luật quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa KTNN với các cơ quan thanh tra và ngược lại trong quá trình lập, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm toán; giao KTNN chủ trì trong công tác phối hợp để xử lý chồng chéo, trùng lắp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo (Ảnh: Quốc hội) |
Về bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho Kiểm toán Nhà nước, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận thấy, việc đề xuất bổ sung quy định này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khi các cơ quan đề nghị KTNN thực hiện giám định đối với một số vụ việc cụ thể phục vụ quá trình xem xét, giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Tuy nhiên, nếu bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho KTNN thì lĩnh vực giám định của KTNN sẽ là tài chính công, tài sản công nên chồng chéo với nhiệm vụ giám định tư pháp của nhiều cơ quan, đơn vị đã quy định trong Luật Giám định tư pháp đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, cơ quan thẩm tra đề nghị bỏ quy định về bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho KTNN để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Việc thực hiện nhiệm vụ này của KTNN sẽ theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.
Về bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia, có ý kiến tán thành quy định của Dự thảo luật nhưng đề nghị quy định chặt chẽ để bảo đảm bí mật của đơn vị được kiểm toán.
Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm và phân quyền truy cập phù hợp. Có ý kiến đề nghị không giao quyền truy cập cho KTNN vì liên quan đến an ninh, tài liệu mật, tối mật, quyền riêng tư được pháp luật bảo hộ, quy định bảo vệ bí mật nhà nước.
Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, việc bổ sung quyền truy cập cho KTNN là cần thiết để phục vụ hoạt động kiểm toán và phù hợp với thời đại công nghệ thông tin, xu thế của cách mạng 4.0.
Tuy nhiên, đúng như ý kiến của các vị ĐBQH đã nêu, cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có nhiều loại thông tin khác nhau, có cả những thông tin mật, tối mật, tuyệt mật, có những thông tin là bí mật riêng tư, bí mật nhà nước,… nên cần phân cấp quyền truy cập phù hợp và phải quản lý, giám sát chặt chẽ.
Vì vậy, quy định rõ chỉ cho phép KTNN truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử để thu thập thông tin trực tiếp liên quan đến nội dung kiểm toán; chỉ Trưởng đoàn kiểm toán được phép truy cập dưới sự giám sát và thống nhất về phạm vi truy cập của đơn vị được kiểm toán hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán (Trưởng Đoàn kiểm toán có thể ủy quyền truy cập theo quy định của pháp luật). Đồng thời, KTNN chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật./.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại