Chế tài xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Lực lượng chức năng thi hành lệnh bắt và tạm giam đối tượng Nguyễn Duy Tuấn. (Ảnh: công an cung cấp) |
Khởi tố những đối tượng lừa đảo
Cơ quan Cảnh sát điều tra, CA tỉnh Lào Cai vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với đối tượng Nguyễn Duy Tuấn (tên gọi khác: Nguyễn Hữu Tuấn), SN 1970, trú tại xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần điện lực vùng Duyên Hải (trụ sở ở TP Hải Phòng) để tiếp tục điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Phan Văn T, trú tại tại phường Lào Cai, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
Căn cứ vào các tài liệu trong quá trình điểu tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra, CA tỉnh Lào Cai đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Duy Tuấn để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại khoản 4 Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Qua tài liệu thu thập được, bước đầu lực lượng chức năng xác định Nguyễn Duy Tuấn đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền 38 tỷ đồng của ông Phan Văn T.
Ngày 15/10, Phòng Cảnh sát kinh tế, chức vụ, môi trường, CA tỉnh Lào Cai phối hợp cùng CA huyện Chương Mỹ, Hà Nội tiến hành khám xét nơi ở và nơi làm việc của đối tượng tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra CA tỉnh Lào Cai đang tiếp tục phối hợp với Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh để tiến hành điều tra và xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 15/10, cơ quan CSĐT CATP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Trần Thị Hội về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hồ Chí Minh tiếp nhận giải quyết đơn tố giác về tội phạm của ông V.T.V tố cáo Trần Thị Hội (SN 1975; hộ khẩu thường trú tỉnh Bạc Liêu; chỗ ở: chung cư EcoGreen, đường Nguyễn Văn Linh, phường Tân Thuận Tây, Quận 7, TP Hồ Chí Minh) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Quá trình làm việc với cơ quan công an, Trần Thị Hội quanh co, che giấu, không thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ và căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, năm 2020, quá trình quen biết ông V.T.V, Trần Thị Hội đưa ra thông tin gian dối về việc là người nhà của lãnh đạo Chính phủ, đã từng giúp nhiều trường hợp được tiếp nhận, phê duyệt các dự án, xử lý tranh chấp đất đai, thi công cầu đường, chuyển công tác…
Năm 2021, ông V.T.V nhờ Hội tác động, giúp một số Công ty được giải quyết duyệt dự án điện gió tại tỉnh Kon Tum. Bà Hội đã nhận của ông V.T.V số tiền 5 tỷ đồng rồi sử dụng toàn bộ tiền vào mục đích cá nhân.
Bằng hình thức trên, bà Hội còn nhận của bà Đ.T.T.H (Giám đốc một Công ty bất động sản tại tỉnh Bình Thuận) số tiền 400 triệu đồng, hứa hẹn tác động để giúp Công ty của bà H sớm được duyệt hồ sơ thủ tục để thực hiện dự án Khu dân cư tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, bà Hội nhận của ông N.H.T số tiền 400 triệu đồng, hứa hẹn lo xin việc cho ông N.H.T nhưng không thực hiện. Hiện, vụ việc đang được cơ quan Cảnh sát điều tra, CATP Hồ Chí Minh tiếp tục điều tra.
Nhận diện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, các tội phạm về sở hữu hiện nay xuất hiện khá phổ biến, xu hướng phát triển của kinh tế - xã hội kéo theo sự gia tăng của các tội phạm về sở hữu như trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp tài sản… và pháp luật quy định những hình phạt thích đáng cho những người thực hiện các hành vi nêu trên.
Theo đó, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; dùng thủ đoạn xảo quyệt; phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Như vậy, theo luật sư Đinh Thị Nguyên, tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có thể bị xử phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo nhờ sự nhanh trí của một cán bộ Công an phường | |
Vây bắt thành công “nữ quái’’ thay đổi nhân dạng để trốn nã suốt nhiều năm |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại