Chế tài xử lý đối với hành vi buôn bán động vật quý hiếm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhạm Văn Quảng và tang vật thu giữ. Ảnh: CACC |
Ngày 24/12, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàn Kiếm đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Văn Quảng (SN 1990, HKTT tại xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) về hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm.
Trước đó, vào hồi 8h30 ngày 15/12, tổ công tác Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và Chức vụ, Công an quận Hoàn Kiếm trong quá trình làm nhiệm vụ tại tuyến phố Phủ Doãn đã phát hiện một người điều khiển xe máy chở theo 1 thùng xốp, đang dừng đỗ có biểu hiện nghi vấn. Tiến hành kiểm tra, tổ công tác phát hiện bên trong thùng xốp có 2 cá thể động vật nghi là tê tê. Tổ công tác đã lập biên bản, đồng thời đưa lái xe và tang vật về trụ sở để xác minh làm rõ. Tại cơ quan Công an, lái xe khai nhận 2 cá thể động vật nhận tại khu vực gần Bến xe Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội để đi giao cho khách.
Mở rộng điều tra, Công an quận Hoàn Kiếm đã bắt giữ đối tượng Phạm Văn Quảng là người đã thuê chở 2 cá thể động vật trên cho khách có nhu cầu mua. Qua giám định 2 cá thể động vật trên là loài tê tê java. Đây là loài động vật có tên trong Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ. Hiện Công an quận Hoàn Kiếm đang tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến sự việc trên, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, động vật hoang dã là các loài động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp; quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng; động vật rừng nguy cấp; quý; hiếm theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo các Điều ước quốc tế. Tùy thuộc tính chất, mức độ hành vi vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo, kinh doanh mua, bán động vật hoang dã và các sản phẩm của động vật hoang dã trên môi trường mạng thì căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, có thể bị xử lý vi phạm như sau:
Hành vi quảng cáo để kinh doanh thực vật rừng, động vật rừng và sản phẩm của chúng trái quy định của pháp luật thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 16, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Cụ thể, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi trên.
Hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định của pháp luật nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 21, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP. Tùy theo mức độ vi phạm sẽ phạt tiền từ 5.000.000 đồng lên đến 400.000.000 đồng, kèm theo hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả.
Trường hợp vi phạm vượt mức xử lý hành chính nêu trên sẽ bị xem xét xử lý hình sự theo quy định tại Điều 244, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Tùy từng trường hợp và mức độ vi phạm, người bị xử phạt sẽ bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, mức phạt tù cao nhất từ 10 năm đến 15 năm.
Như vậy, hành vi buôn bán động vật hoang dã là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Hành vi này cần phải được xử lý triệt để. Cá nhân, tổ chức phát hiện đối tượng nào có hành vi này thì cần tố giác với cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn.
Bí mật trong hai thùng bìa các tông trên xe khách tuyến Nội Bài - Lào Cai | |
Bắt nhóm đối tượng buôn bán trái phép tê tê | |
Phú Quốc: Ba đối tượng săn bắn động vật quý hiếm bị bắt |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại