Chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội khi người lao động làm việc tại nhà mùa Covid-19
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa |
Hỏi: Vừa qua, Hà Nội trải qua 4 đợt giãn cách xã hội, tôi được bố trí làm việc online tại nhà và đến cơ quan trực trong một số ngày. Vậy xin quý báo cho biết, DN có được giảm lương khi người lao động làm việc tại nhà trong thời gian dịch Covid-19? Làm việc tại nhà nhưng vừa làm vừa nghỉ thì có đóng bảo hiểm xã hội không?
(Nguyễn Hải Yến, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội)
Trả lời:
Về câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau:
Thứ nhất, DN có được giảm lương khi người lao động làm việc tại nhà trong thời gian dịch Covid-19?
Theo quy định tại Điều 95 Bộ luật Lao động 2019 về việc trả lương cho người lao động thì người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc.
Như vậy, việc trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương thỏa thuận, năng suất và chất lượng thực hiện công việc chứ không căn cứ vào địa điểm làm việc. Do đó, nếu người lao động có năng suất và chất lượng công việc bằng hoặc tốt hơn so với năng suất và chất lượng khi làm tại DN thì DN không được giảm lương của người lao động mà phải trả đầy đủ lương chongười lao động theo thỏa thuận.
Với tình hình hiện nay, nhiều người lao động vẫn đang làm việc chăm chỉ dù đã hết giờ làm việc khi làm việc tại nhà. Tuy nhiên, người lao động cần phải nắm rõ những quy định về thời gian làm thêm giờ để bảo vệ quyền lợi của mình.
Về tiền lương làm thêm giờ, theo hướng dẫn tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 thì:
Điều 98. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, Tết.
Vấn đề làm việc tại nhà nhưng vừa làm vừa nghỉ thì có đóng bảo hiểm xã hội, nhiều DN đang thực hiện chính sách giảm thời gian làm việc của người lao động. Ví dụ: Nếu người lao động đi làm với lịch làm việc là 1 tuần làm 3 ngày, nghỉ 4 ngày thì có phải đóng bảo hiểm xã hội không?
Theo quy định tại khoản 4 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14-4-2017 thì: “Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.”
Như vậy, sẽ có những trường hợp như sau:
- Trường hợp 1: Người lao động vừa làm vừa nghỉ mà số này nghỉ từ 13 ngày trở xuống trong tháng: Thì vẫn phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội tháng đó.
- Trường hợp 2: Vừa làm vừa nghỉ mà số ngày nghỉ từ 14 ngày trở lên trong tháng nhưng vẫn hưởng lương do người sử dụng lao động chi trả thì người lao động và người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.
- Trường hợp 3: Vừa làm vừa nghỉ mà số ngày nghỉ từ 14 ngày trở lên trong tháng nhưng không hưởng lương do người sử dụng lao động chi trả thì người lao độngvà người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại