Chủ nhật 17/11/2024 09:12

Chất lượng nguồn nhân lực của Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo UBND TP Hà Nội, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao các ngành mũi nhọn như nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch… được Hà Nội xác định là một trong những khâu đột phá theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ XVII.
Hà Nội: Chất lượng nguồn nhân lực đã có những chuyển biến tích cực

Bộ phận một cửa phường Trung Liệt (quận Đống Đa). Ảnh: Nguyên Bảo

Triển khai Đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý

Hiện nay, bộ máy hành chính Nhà nước của Hà Nội có trên 7.200 công chức với trình độ đào tạo: Trên 80 tiến sĩ (1,15%), trên 2.600 thạc sĩ (35,81%), trên 4.300 đại học (60,01%)… Trình độ chính trị: Trên 160 cử nhân (2,25%), trên 1.320 cao cấp (18,19%) trên 2.700 trung cấp (37,70%)...

UBND TP Hà Nội cho biết, trước những đòi hỏi thực tiễn của quá trình hội nhập nền kinh tế trí thức, những năm gần đây, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP đã ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu hợp lý, được bố trí, sử dụng phù hợp với chuyên ngành đào tạo, đã và đang thực sự phát huy hiệu quả trong lãnh đạo, quản lý, thực hiện nhiệm vụ.

Theo đó, Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành xong toàn bộ vị trí việc làm trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, được Trung ương đánh giá cao và triển khai nhân rộng tại Hội nghị toàn quốc (phê duyệt tháng 5/2017).

Đề án vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính thuộc TP được phê duyệt đã góp phần giúp các cơ quan, đơn vị sắp xếp, bố trí công chức, viên chức, người lao động theo đúng khung năng lực, bản mô tả vị trí việc làm (bằng cấp chuyên môn, kinh nghiệm công tác, khả năng đáp ứng công việc...). Đồng thời, từng bước phát huy được trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và sở trường công tác của công chức.

TP Hà Nội đã tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô, để nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi. Đã tiếp nhận vào làm công chức với trên 100 trường hợp, thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ 36 chỉ tiêu; tổ chức 3 đợt sát hạch tiếp nhận 87 người đủ điều kiện vào làm việc, công nhận kết quả trúng tuyển đối với 73 người. Tổ chức 2 kỳ thi tuyển công chức làm việc tại các sở, cơ quan tương đương sở, UBND quận, huyện, thị xã với trên 2.700 thí sinh tham dự, có 310 thí sinh trúng tuyển.

Trong năm 2022, để triển khai Đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 219/QĐ-UBND ngày 14/01/2022 về việc phê duyệt Đề án thí điểm thi tuyển chức danh trưởng phòng, chi cục trưởng, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và Đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND TP (Thời gian thực hiện thí điểm từ tháng 1/2022 đến hết năm 2022).

Trên cơ sở tổng hợp đăng ký của các cơ quan, đơn vị, TP ban hành Quyết định phê duyệt danh sách 86 chức danh thí điểm thi tuyển tại 49 cơ quan, đơn vị thuộc Sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã và Đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND TP. Kết quả triển khai thi tuyển 76 chức danh tại 46 đơn vị đến ngày 10/02/2023 cho thấy, có 67 chức danh hoàn thành thi tuyển, đạt tỉ lệ 88%.

Ngoài ra, TP Hà Nội chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Theo đó, tính đến ngày 31/12/2022, toàn thành phố có trên 9.100 cán bộ, công chức cấp xã; trong đó, trình độ sau đại học: 944 người; trình độ đại học: 7.388 người; trung cấp, cao đẳng: 671 người; trình độ sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo: 102 người.

Phát triển nguồn nhân lực văn hóa, du lịch

TP Hà Nội cũng xác định du lịch là một ngành có tính đặc thù cao, dòi hỏi sự chuyên nghiệp, nguồn nhân lực phải đáp ứng đầy đủ các kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin...

Một trong những yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh cũng như thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững du lịch là phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Từ đó, TP đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh đầu tư cho lực lượng lao động trong ngành du lịch, thông qua việc kết nối giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, công ty du lịch để gắn đào tạo với thực tiễn.

Thường xuyên phối hợp với các cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, dịch vụ ăn uống, mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; bồi dưỡng, kiểm tra nghiệp vụ hướng dẫn viên. Chất lượng nhân lực du lịch Hà Nội được đánh giá tương đối tốt so với các địa phương khác trong cả nước. Lao động trình độ đại học, cao đẳng và khách sạn, nhà hàng (các bộ phận bàn, buồng, bar, bếp, lễ tân) chiếm khoảng 65 - 70% tổng số lao động ngành du lịch.

Theo thống kê của ngành văn hóa thì nhân lực trực tiếp (gồm những người làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các đơn vị sự nghiệp, sự nghiệp có thu và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, gia đình, thể dục thể thao) là hơn 72.000 người và nhân lực gián tiếp ước tính khoảng 150.000 người.

Hiện nay, toàn TP có 17 nghệ sĩ nhân dân, 128 nghệ sĩ ưu tú. Tầng lớp văn, nghệ sĩ đã có những sáng tác trong các lĩnh vực văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa, kiến trúc, văn nghệ dân gian..., góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đổi mới của Thủ đô và đất nước.

TP Hà Nội đã ban hành Quyết định phê duyệt "Đề án tổ chức sắp xếp lại, nâng cao năng lực theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập thuộc TP Hà Nội". Đây là tiền đề quan trọng để các Nhà hát nâng cao chất lượng chương trình, vở diễn. Phát huy được hết năng lực của đội ngũ nghệ sĩ diễn viên; phát huy hiệu quả cơ sở vật chất tại đơn vị sau đầu tư; đồng thời tăng cường xã hội hóa nhằm thu hút tối đa nguồn lực của xã hội vào phát triển, tăng cường thực hiện tự chủ của các Nhà hát, thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của Thủ đô.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 đạt chỉ tiêu 15 bác sĩ/10.000 dân
Thị trường lao động năm 2023: Cần duy trì nguồn nhân lực có tay nghề
Hà Nội: Đẩy mạnh thu hút phát triển nhân lực trẻ
Tuyết Nhi
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động