Chủ nhật 17/11/2024 11:19

Hà Nội: Đẩy mạnh thu hút phát triển nhân lực trẻ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
TP Hà Nội luôn có chính sách thu hút người tài, tạo môi trường làm việc thuận lợi để lực lượng lao động trẻ phát huy khả năng, cống hiến cho Thủ đô và đất nước. Do đó, những năm qua, Hà Nội luôn được đánh giá cao với nguồn nhân lực trẻ, có chất lượng cao, hứa hẹn tạo ra được những đột phá...
Hà Nội: Đẩy mạnh thu hút phát triển nhân lực trẻ
Hà Nội thường xuyên tổ chức các hoạt động hướng nghiệp dành cho học sinh THCS, THPT.

Hà Nội là TP tập trung hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) lớn, trong đó có nhiều trường đào tạo ngành nghề công nghệ cao, chủ lực... Đây chính là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc mọi thành phần kinh tế cho Thủ đô.

Giai đoạn 2023 - 2025, nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo được gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp được TP Hà Nội xác định là một trong những khâu đột phá quan trọng để phát triển Thủ đô nhanh và bền vững thời gian tới.

Theo số liệu thống kê, tính đến năm 2022, trên địa bàn thành phố có 360 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó 310/360 đơn vị có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (gồm 69 trường cao đẳng, 59 trường trung cấp, 54 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, dạy nghề và 128 doanh nghiệp, loại hình khác).

Cùng với sự phát triển của hệ thống cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, số lượng lao động tham gia đào tạo cũng được tăng lên, đáp ứng ngay được nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất.

Cũng trong năm 2022, kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm góp phần đưa tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,23%, vượt 0,03% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tăng 1,13% so với năm 2021. Trong đó, tỉ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 52,5%, vượt 1,3% so với kế hoạch đề ra năm 2022, tăng 2,3% so với năm 2022.

Tỉ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 - 80%. Nhiều ngành nghề có học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100% như: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ sơn ô tô; Công nghệ ô tô; Tự động hóa.

Số lao động qua đào tạo nghề tăng dần và chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao với chuyển biến tích cực ở cơ cấu ngành nghề đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động; Giúp người học nghề dễ dàng có việc làm sau khi tốt nghiệp với mức thu nhập ổn định.

Những năm qua, TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác đào tạo nghề, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh trong tình hình mới.

Một trong các giải pháp đó chính là đào tạo gắn với doanh nghiệp và thị trường lao động. Đến thời điểm hiện tại, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký thỏa thuận hợp tác với 1.150 doanh nghiệp nhằm mục đích tăng cường kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đặt hàng đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực phù hợp với lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố ban hành kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ tích cực hơn nữa trong công tác tham mưu, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2025 thực hiện đào tạo cho 1.150.000 lượt người; Bình quân mỗi năm đạt khoảng 230.000 lượt người. Tỷ lệ lao động qua đào đạt từ 75 - 80%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 55 - 60%.

TP Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề, đổi mới nội dung chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Đồng thời, TP cũng khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo sự liên kết giữa người lao động, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp.

Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo (đa ngành, chuyên ngành), chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng.

Bên cạnh đó, các trường đào tạo nghề cần đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyển sinh, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, xây dựng kế hoạch tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp hàng năm; tư vấn tuyển sinh trực tuyến trên website, fanpage, các kênh liên kết tuyển sinh online; tổ chức ngày hội tư vấn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp; tổ chức hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động…

Hà Nội: Thu hút lao động chất lượng cao vào làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp
Hà Nội: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo chuẩn khu vực, quốc tế
Thị trường lao động năm 2023: Cần duy trì nguồn nhân lực có tay nghề
Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động