Thứ sáu 03/05/2024 20:30

Cầu vượt thép làm thay đổi diện mạo giao thông Hà Nội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Những cầu vượt thép ở các nút giao đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, giúp giải quyết những "điểm đen" ùn tắc ở Hà Nội.
Cầu vượt thép làm thay đổi diện mạo giao thông Hà Nội

Cầu vượt nút giao thông Láng Hạ - Thái Hà thuộc địa phận quận Đống Đa. (Ảnh: Thanh Tuấn)

Ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội là hệ quả của quá trình đô thị hóa nhanh, nhất là vào khung giờ cao điểm, người dân có thể đứng chôn chân vài tiếng đồng hồ ở một ngã tư. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, trở thành vấn đề dân sinh nóng hổi.

Trước tình hình đó, trong những năm qua Hà Nội thử nghiệm giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông qua việc tiến hành xây dựng các cây cầu vượt nhẹ lắp ghép bằng thép tại một số ngã tư để chống ùn tắc tại chỗ. Ưu điểm của giải pháp này là giá thành rẻ, thời gian thi công ngắn, góp phần giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút trọng điểm.

Trước tình trạng ùn tắc thường xuyên ở nút giao Tây Sơn - Chùa Bộc và Láng Hạ - Thái Hà (quận Đống Đa), Hà Nội đã xây dựng 2 cầu vượt thép tại ngã tư Tây Sơn - Chùa Bộc (65,5 tỷ đồng) và Láng Hạ - Thái Hà (67 tỷ đồng) được khai thác từ tháng 4/2012, sau 100 ngày thi công.

Cả 2 công trình đều thiết kế cho cả xe máy cùng ôtô con... Khi đã có cầu vượt, người tham gia lưu thông có thêm diện tích, thêm sự lựa chọn, tình trạng chen lấn, leo xe lên vỉa hè cũng giảm bớt.

Từ hiệu quả của 2 công trình đầu tiên, từ tháng 5/2012, 3 cây cầu thép tiếp tục được Hà Nội xây tại nút giao Láng - Láng Hạ, nút giao Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, nút giao Nam Hồng với tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài với kinh phí hơn 850 tỷ đồng. Các công trình hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2012 và đã giải quyết được phần nào ùn tắc giao thông.

Tiếp đến là 2 cầu vượt thép tại các "điểm đen" ùn tắc khác được Hà Nội đồng loạt triển khai vào năm 2013 với tổng vốn hơn hơn 540 tỷ đồng, gồm cầu vượt ở nút giao Bạch Mai - Phố Huế và nút giao Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã. 2 cầu vượt hoàn thành sau 8 tháng thi công, với tổng mức đầu tư lần lượt là 181 tỷ đồng và 360 tỷ đồng.

3 năm sau, Hà Nội tiếp tục chi hơn hơn 310 tỷ đồng làm thêm 2 cầu vượt thép ở các nút giao Nguyễn Chánh - Hoàng Minh Giám và Trần Khát Chân - Nguyễn Khoái. Từ năm 2017 - 2020, lần lượt các cầu vượt thép ở nút giao An Dương - Thanh Niên, Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt, cầu vượt hồ Linh Đàm được đưa vào khai thác. 3 cầu này có tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng.

Với cầu vượt nút giao thông giữa đường Hoàng Quốc Việt và Nguyễn Văn Huyên có mức đầu tư 560 tỷ đồng, là công trình trọng điểm giảm ùn tắc giao thông nút giao này và là trục kết nối giữa các quận Tây Hồ, Cầu Giấy và Bắc Từ Liêm. Sau khi hoàn thành, cây cầu góp phần giảm tải giao thông cho đường đai 2 và 3, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch được duyệt.

Gần đây nhất, Hà Nội đã đưa vào sử dụng công trình cầu vượt chữ C nối Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch. Cầu dài hơn 300m, rộng 9m, vốn đầu tư 150 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách TP Hà Nội. Cầu vượt kết cấu thép lắp ghép, trực thông dạng chữ C theo hướng từ Chùa Bộc đến Phạm Ngọc Thạch, tổ chức giao thông hai chiều. Đây là công trình giao thông quan trọng, cấp bách giải quyết ùn tắc giao thông cho Thủ đô.

Hiện tại, TP Hà Nội đang tiến hành xây dựng hoặc mở rộng thêm một số cầu vượt tại những ngã 4 được xem là điểm đen của ùn tắc giao thông

Theo PGS.TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức - đánh giá, cầu vượt thép đã đóng góp cho việc giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội một cách đáng kể, đặc biệt là các nút giao quan trọng, những tuyến đường giao cắt có lưu lượng giao thông lớn.

Về lâu dài, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức cho rằng, cần phải có những giải pháp mang tính chiến lược và đồng bộ, trong đó có phát triển giao thông công cộng. Chỉ có phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là đường sắt đô thị và hệ thống xe buýt kết hợp với nhau mới đáp ứng được nhu cầu đi lại lớn của người dân...

TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, phương án xây cầu vượt thép là giải pháp cấp bách được TP Hà Nội lựa chọn trước thực trạng nhiều nút giao đã trở nên quá tải, trong lúc chưa đủ vốn làm hoàn chỉnh các nút giao. Đặc biệt, với giá thành thấp, thời gian thi công nhanh, chi phí thấp, ít ảnh hưởng môi trường, ít chi phí bảo dưỡng; khi cần, công trình có thể được tháo dỡ, dời qua vị trí khác.
Tăng tính liên kết giữa các loại hình vận tải Tăng tính liên kết giữa các loại hình vận tải

Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội Đỗ Việt Hải cho biết, trước mắt để nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, đặc biệt giảm ...

Giao thông Thủ đô sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính thay đổi ra sao? Giao thông Thủ đô sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính thay đổi ra sao?

Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, lĩnh vực giao thông vận tải đã ghi nhận những bước tiến quan trọng, ...

Triệu Tâm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động