Thứ bảy 20/04/2024 10:14

Câu chuyện hòa giải: Tình cảm vợ chồng rạn nứt vì… tiền

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vợ chồng anh H, chị L lấy nhau đã được 16 năm và có hai mặt con. Nhưng rồi, cũng chỉ vì quen thói lô đề, cờ bạc mà ngay cả cuốn sổ tiết kiệm gần 300 triệu đồng đứng tên chung hai vợ chồng cũng bị chị L “nướng” vào lô đề tự khi nào không biết. Vậy là anh H nhất quyết đòi ly hôn với vợ…

Gần 300 triệu đồng “bốc hơi” theo lô đề

Đó là câu chuyện chúng tôi ghi nhận từ hòa giải viên Dương Quang Nhân, SN 1960, thành viên tổ hòa giải tổ dân phố số 15 phường Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Anh H là một công chức nhà nước và lấy vợ là chị L chỉ ở nhà làm lao động tự do. Lúc mới lấy nhau cách nay đã 15 – 16 năm, cuộc sống khi đó tuy còn khó khăn nhưng vợ chồng sống biết điều, chịu khó làm ăn và cư xử hòa đồng cùng bà con trong xóm phố. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi cuộc sống bớt khó khăn và có phần khá giả hơn, một phần vì công việc nhiều mà cả hai ít có thời gian quan tâm đến nhau hơn.

Cách đây vài tháng, ông Nhân thấy chị L sang tận nhà để trình bày việc chồng đòi ly hôn và nhờ tổ hòa giải vào khuyên can anh chồng. Ông Nhân ban đầu cũng đặt ra giải thuyết về nguyên nhân, hoặc là do kinh tế hoặc là do mâu thuẫn tình cảm. Ông liền hỏi một thành viên tổ hòa giải ở gần nhà anh H và chị L thì được biết, anh H là người hiền lành, tốt tính và cư xử đúng mực với mọi người, đời sống trong sáng nên ít có khả năng ngoại tình.

Khả năng do mâu thuẫn tình cảm bị loại bỏ, vậy nên tổ hòa giải quyết định tìm hiểu về nguyên nhân kinh tế. Khi gặp nói chuyện với người chồng, anh H mới tâm sự, cả hai vợ chồng có một cuốn sổ tiết kiệm khoảng 300 triệu đồng sau nhiều năm dành dụm, tích góp. Đợt này anh H muốn mua ô tô, hỏi vợ cuốn sổ tiết kiệm để đi ra ngân hàng thì cô vợ ấp úng nói không biết ở đâu hay tiêu vào việc gì. Anh H vô cùng bực tức khi cả một số tiền lớn như thế tự dưng “bốc hơi” một cách khó hiểu.

cau chuyen hoa giai tinh cam vo chong ran nut vi tien
Hòa giải viên Dương Quang Nhân, tổ hòa giải tổ dân phố số 15 phường Cầu Diễn. Ảnh minh họa

Nói đến đây, ông Nhân nhận định ra bản chất của vấn đề. Sau nhiều ngày tìm hiểu cùng sự phối hợp của lực lượng công an phường, ông phát hiện chị L thường xuyên qua ngồi tại một quán nước nhỏ bán ở đầu ngõ. Vào đó uống nước chỉ là phụ, ghi lô ghi đề mới là chính. Khi đã có đầy đủ thông tin, bằng chứng bằng hình ảnh, công an phường đã lập tức tiến hành dẹp bỏ quán ghi lô đề kể trên để trả lại sự bình yên cho khối phố.

Tâm sự riêng với người vợ, ông Nhân khuyên chị L nên quay đầu lại là bờ, đừng tiếp tục lún sâu vào con đường mù quáng ấy nữa, vì “cờ bạc là bác thằng bần”, dù có tiền tấn mà chơi bời thì chẳng mấy chốc cũng hết. Hơn nữa, làm vợ phải biết thương chồng thương con, bố mẹ không làm gương và sống lành mạnh thì con trẻ sao chúng học theo được. Với người chồng, ông Nhân cũng động viên “còn người là còn của”, số tiền tiết kiệm kia chị L đã tiêu mất dù tiếc nhưng cũng đừng vì nó mà đánh đổ hạnh phúc gia đình bằng lá đơn ly hôn.

Hai cháu đã một đứa 12 tuổi, một đứa 8 tuổi sẽ như thế nào nếu chúng rơi vào cảnh bố một nơi, mẹ một nẻo. Tổ hòa giải đã mời cả hai vợ chồng ra nhà văn hóa để hòa giải. Anh H đồng ý tha thứ cho vợ, nhưng chị L phải ký cam kết không được tiếp tục ghi lô đề, cờ bạc nữa mà phải kiếm tiền để bù lại số tiền mình đã tiêu mất trước đây. Cả hai đã chấp nhận quay trở lại với nhau và rút đơn ly hôn.

Đào móng làm lún nhà hàng xóm

Một câu chuyện khác xảy ra cách đây 5 năm khiến hòa giải viên Dương Quang Nhân rất nhớ đó là vụ việc mâu thuẫn giữa nhà bà Y và ông B. Nhà ông B được cấp sổ đỏ và giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, do tường nhà ông B lại dựa vào nhà bà Y nên lúc phá dỡ bằng máy xúc để đào móng nhà, đã làm lún nhà bà Y và khiến cho nhiều công trình, chi tiết liên quan của nhà bà Y bị ảnh hưởng. Cả hai đã cãi vã, to tiếng với nhau rất lớn khiến bà con chòm xóm cũng mất ngủ.

Khi rà soát các thiệt hại của ngôi nhà mình, bà Y đòi ông B đền bù khoảng 1 tỷ đồng. Nghe tới con số này, ông B lập tức không đồng ý đền bù dù rằng vẫn thừa nhận việc mình xây nhà có thể có ảnh hưởng tới nhà bà Y. Cả hai bên mâu thuẫn và bà Y nhất quyết không cho thợ xây và máy móc bên nhà B được làm. Ông B cũng đành bỏ đất không vì không thể tiếp tục thi công. Khi đó, tổ hòa giải của ông Nhân đã mất rất nhiều ngày, nhiều tháng để khuyên giải cả hai bên để đi đến thống nhất một phương án hợp lý nhất. Tuy nhiên, cứ được bên này thì bên kia lại không chấp nhận và cứ thế, giằng co đến mấy năm vẫn không có kết quả gì.

Sau khoảng 5 năm, ông B quyết định quay trở lại mạnh đất đó để xây dựng nhà mới. Đồng thời, nghe theo sự khuyên giải và hướng dẫn của tổ hòa giải, ông B đã thống nhất là sẽ chấp nhận khắc phục những thiệt hại mà nhà bà Y phải chịu do việc thi công nhà của ông B gây ra. Tổng số tiền để khắc phục khoảng 40 triệu đồng, bà Y cũng đã đồng ý với phương án đó. Với phương châm “lấy hòa làm trọng”, tổ hòa giải đã kiên trì nhiều năm liền để hòa giải cho hai gia đình. Nếu nhà ông B không xây lên, khu đất cứ để trống ở đó, nắng mưa ngập nước vừa gây mất vệ sinh lại mất an toàn cho người dân khi lưu thông qua đó. Nếu cả hai nhà cứ bình tĩnh, cùng ngồi lại với nhau để lắng nghe nguyện vọng chính đáng của nhau thì mọi mâu thuẫn lớn sẽ hóa nhỏ, nhỏ sẽ thành không có gì.

Vốn là một cựu cán bộ tư pháp của phường Cầu Diễn, ông Nhân cũng nắm bắt rất chắc tình hình dân cư cũng như đặc thù của từng địa bàn tổ dân phố, khu dân cư tại phường. Ông cho biết, phường Cầu Diễn được thành lập từ tháng 4-2014. Đến nay toàn phường có 15 tổ dân phố với khoảng 26.000 dân, thành phần dân cư đa dạng, sống lại rải rác quanh hai bờ sông Nhuệ.

Trong đời sống nhân dân vẫn xảy ra những mâu thuẫn về đất đai, hôn nhân gia đình hoặc các tranh chấp dân sự nhỏ. Tổ hòa giải phải kết hợp cả tình và lý thì mới hòa giải thành công được nhiều vụ việc mâu thuẫn. Ông kể, hai ông L và ông N nhà ở sát nhau và đều nằm trong đất hành lang công trình thủy lợi cạnh sông Nhuệ. Quận chỉ cho phép người dân tại đây được sửa chữa nhưng giữ nguyên trạng.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, nhà ông L đã phá dỡ nhà cũ thì vô tình lại làm đổ bức tường rào ngăn cách với nhà ông N. Ông N cho rằng hàng xóm của mình đã cố tình lấn chiếm ranh giới lịch sử giữa hai nhà và cả hai xảy ra tranh chấp, cự cãi. Đến hiện tại, tổ hòa giải đang tiến hành hòa giải, phân tích cho cả hai gia đình về quyền và nghĩa vụ hợp pháp của mình. Không ai có quyền được làm điều mà pháp luật không cho phép cả.

Do đó, cả hai nhà cần ngồi lại với nhau để thống nhất quan điểm rằng, ông L cần đền bù cho ông N đoạn tường rào đã làm đổ trước đây. Nhờ nắm bắt tình hình từ sớm, vào cuộc hòa giải đúng thời điểm, chọn cách làm phù hợp mà tại tổ dân phố số 15 những năm gần đây không xảy ra vụ mâu thuẫn lớn nào. Đời sống ở khu dân cư được nâng cao, sự bình yên xóm phố được đảm bảo, góp phần vào sự ổn định và đoàn kết ở khu dân cư.

Đình Tuệ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động