Cặp vợ chồng giấu gia đình xung phong vào tâm dịch
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgay sau khi khi nhận được lời hiệu triệu chi viện cho TP Hồ Chí Minh của Bộ Y tế và Đảng uỷ-Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, 2 vợ chồng điều dưỡng Tạ Văn Thành (sinh năm 1989) và Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 2016) không ai bảo ai đã nhắn tin rủ nhau xong phong vào tâm dịch để hỗ trợ miền Nam ruột thịt.
Biết rằng tình hình dịch bệnh phức tạp, xung phong vào tâm dịch sẽ không tránh khỏi những áp lực cũng như nguy cơ nhưng cả 2 đều mong muốn được góp sức để sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Cảm giác tự hào nhưng cũng hồi hộp, lo lắng, chị Nguyễn Thị Huệ, điều dưỡng tại Trung tâm Thần Kinh-BV Bạch Mai chia sẻ: 2 vợ chồng mới cưới được chưa lâu, bản thân chị Huệ mới trải qua phẫu thuật được 2 tháng; bố anh Thành thì bị mổ khớp háng, đi lại rất khó khăn... Hoàn cảnh gia đình như vậy nên anh chị đã âm thầm đăng ký xung phong đi chống dịch chứ không thông báo với gia đình vì sợ bố mẹ không đồng ý.
Và họ cứ lẳng lặng thu xếp đồ đạc cùng đoàn công tác của BV lên đường chi viện cho TP Hồ Chí Minh. Đến khi vào đến nơi cả 2 mới gọi điện về thông báo thì mọi sự "đã rồi". "Nhận điện thoại của chúng tôi, ông bà, bố mẹ 2 bên đều bất ngờ. Nhìn con qua điện thoại bố mẹ đều khóc vì thương. Nhưng ông là lại là người động viên chúng tôi nhiều nhất. Ông dặn dò các cháu cẩn thận, giữ sức khoẻ, còn giao cho chúng tôi trách nhiệm công tác tốt. Cả đời ông cũng gắn liền với bộ đội, chiến tranh nên ông tự hào lắm vì cháu mình cũng đi đánh "giặc vô hình" trong thời bình", chị Huệ tâm sự.
Còn với anh Thành, điều dưỡng khoa khoa Nhi, Trung tâm Thần kinh, mặc dù bản thân đã trải qua nhiều chuyến công tác xa nhà nhưng đây là lần đầu tiên cả 2 vợ chồng cùng tham gia một chuyến công tác khó khăn nhất, một trận chiến lịch sử mà cả thế giới đang phải đối mặt. Khi xác định lên đường, hai vợ chồng cũng biết những nguy hiểm, khó khăn vất vả sẽ phải trải qua nhưng với tinh thần “tất cả vì Miền Nam ruột thịt”, 2 anh chị vẫn quyết tâm cùng nhau xông vào tâm dịch.
Trước áp lực khối lượng công việc quá lớn, phải mặc đồ bảo hộ suốt 8 tiếng giữa thời tiết nắng nóng 36, 37 độ, mồ hôi ướt sũng toàn cơ thể, các vết hằn khẩu trang trên mặt, đôi bàn tay nhăn nhúm, bàn chân trợt loét vì ngâm trong mồ hôi của chính mình. Hàng ngày anh chị phải chăm sóc người bệnh, vệ sinh răng miệng, cho bệnh nhân ăn, thực hiện thuốc, theo dõi và phát hiện các biến chứng để xử trí cấp cứu kịp thời những ca thở máy.
Vợ chồng anh Thành, chị Huệ đều mong muốn góp sức của mình để sớm đẩy lùi dịch bệnh (ảnh Dương Tú) |
Số lượng bệnh nhân thì không ngừng gia tăng, gánh nặng tâm lý bị đè nặng, đã có lúc anh chị tưởng chừng không chịu nổi. Nhưng mang trên mình sứ mệnh của ngành y, phải chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho mọi người, anh chị đã vượt lên tất cả. Cứ nghĩ đến biết bao nhiêu bệnh nhân trên giường bệnh, không còn tự chủ được, nằm bất động còn đang chờ mình cứu giúp, các đồng nghiệp cũng đang vắt kiệt sức mình để cứu giúp bệnh nhân, anh Thành chị Huệ lại tự nhủ bản thân không thể gục ngã vào lúc này được nên anh chị đã vực dậy tinh thần, tiếp tục công việc.
Ở nơi không còn biết hôm nay là ngày nào, tháng nào, nơi tất cả các nhân viên y tế đang nỗ lực cao nhất để giành lại sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần thì niềm vui của anh chị là khi người bệnh được hồi phục và xuất viện. Chị Huệ chia sẻ: “Khi thấy mỗi bệnh nhân khỏe lên từng ngày, chị mừng lắm, cứ như người thân của mình vừa thoát khỏi cửa tử vậy”.
Sau một ngày làm việc vất vả với nhiều áp lực, thời gian nghỉ ngơi gọi điện hỏi thăm những người thân trong gia đình là giây phút khiến chị được thư giãn, thoải mái và lấy lại động lực cho một ngày làm việc tiếp theo theo. Lời nhắn của chị với người thân và mọi người: "Mong ước có nhiều sức khỏe hơn, để được chăm sóc cho nhiều người bệnh; mong muốn dịch bệnh sớm được đẩy lùi, không phải chứng kiến những người bị bệnh chết vì đại dịch nữa, mọi người sớm trở lại cuộc sống thường ngày và gia đình sớm được đoàn tụ"!.
Đã có khoảng 500 cán bộ, nhân viên của BV Bạch Mai hỗ trợ chống dịch tại TP Hồ Chí Minh Tính đến ngày 26-8 đã có tổng số gần 500 cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai đang chung tay cùng đồng bào Miền Nam chiến đấu với dịch Covid-19. Đoàn của Bệnh viện Bạch Mai được phân công phụ trách tại Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19, BV Dã chiến số 16. TS-BS. Đỗ Ngọc Sơn - Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 Tại TP Hồ Chí Minh thông tin: Hiện Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 Bệnh viện Bạch Mai tại TP Hồ Chí Minh đang điều trị cho gần 250 bệnh Covid, trong đó 110 bệnh nhân thở máy xâm lấn, 100 bệnh nhân thở thiết bị hỗ trợ oxy lưu lượng cao. Đây là những bệnh nhân nặng nhất, có thể tiếp tục tiến triển nặng, phải hỗ trợ hô hấp bằng các máy xâm nhập trong thời gian tới. Các bệnh nhân chuyển từ các tuyến đến Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 Bệnh viện Bạch Mai tại TP Hồ Chí Minh đa phần là những bệnh nhân rất nặng, nguy kịch, cần hỗ trợ hô hấp ngay và luôn để cứu sống tính mạng của bệnh nhân. 80% số bệnh nhân chuyển đến cần các thiết bị hỗ trợ hô hấp như HFNC hay thở máy xâm nhập. Ngày 24-8, Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục đã quyết định cử 2 chuyên gia đầu ngành về hồi sức và cấp cứu là PGS-TS. Nguyễn Văn Chi-Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9 và PGS-TS. Đặng Quốc Tuấn - Phụ trách Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai vào trực tiếp đi buồng, điều hành chuyên môn tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid -19 tại BV dã chiến 16, TP Hồ Chí Minh. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại