Là một người con đến nhận lại kỷ vật cuối cùng của cha, Anh Minh Đức (quận 10) nghẹn ngào chia sẻ: Bản thân tôi cũng là một tình nguyện viên F0, cũng đang hỗ trợ cho các bệnh viện khác. Trong thời buổi dịch giã như vậy, mọi người trong gia đình đều nghĩ sẽ không nhận lại được kỷ vật của cha. Nhưng đến khi được Trung tâm Hồi sức tích cực thông báo đến nhận lại kỷ vật, từ tận đáy lòng, tôi xin cám ơn Bệnh viện, cám ơn các thầy thuốc, nhân viên y tế của Trung tâm.
Anh Minh Đức bật khóc khi nhận lại kỷ vật từ người cha đã qua đời do Covid-19 (ảnh: Thành Dương) |
Đại diện cho gia đình nhận lại kỷ vật của người anh trai, Anh K, xúc động chia sẻ: Người thân là anh lớn trong gia đình không may qua khỏi là nỗi đau buồn mất mát rất lớn. Nhưng thời gian vừa qua, khi gia đình cần tìm thông tin thì các nhân viên y tế tại Trung tâm đã rất nhiệt tình hỗ trợ gia đình. Chuyện đau buồn thì đã xảy ra. Gia đình tôi xin gửi lời cám ơn chân thành nhất tới đội ngũ y bác sĩ bệnh viện, chúc các y bác sĩ có thật nhiều sức khỏe, để làm tốt công tác chống dịch cho thành phố cũng như cho đất nước.
Tham gia buổi lễ trao trả kỷ vật cho thân nhân người bệnh Covid-19 tử vong, ThS.Trần Thái Sơn - Chánh Văn phòng Trung tâm Hồi sức tích cực trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Dưới sự chỉ đạo sát sao của GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, ngoài công tác chuyên môn, Trung tâm đã cứu chữa được rất nhiều bệnh nhân khỏi bệnh và được trở về với gia đình. Tuy nhiên hết sức đáng tiếc là có những trường hợp, mặc dù các y bác sĩ đã hết sức cố gắng, nhưng chúng tôi cũng không cứu chữa được. Đây là một điều hết sức trăn trở của toàn thể cán bộ viên chức Trung tâm Hồi sức tích cực.
Chị H chia sẻ khi nhận lại kỷ vật về sẽ đưa cho ba làm kỷ niệm, trước khi đi ba còn dặn lên lấy đồ của mẹ về cẩn thận" (ảnh: T.D) |
Phải làm gì để vơi bớt cho gia đình người bệnh, chia sẻ với gia đình người bệnh? Hàng ngày, chúng tôi đã chủ động gọi cho toàn bộ gia đình người bệnh đang điều trị ở đây, chủ động thông báo tình trạng, diễn biến bệnh cho người thân. Có những ngày, chúng tôi đã gọi hơn 300 cuộc gọi, ngoài ra cũng tiếp nhận vài trăm cuộc điện thoại người nhà gọi đến hỏi thông tin.
Tất cả người bệnh vào điều trị tại đây đều không có người nhà, do vậy những đồ đạc của người bệnh, chúng tôi phải trông nom, bảo quản, để khi người bệnh được ra viện chúng tôi sẽ trao trả lại, còn với những người bệnh không may tử vong thì Trung tâm cũng sẽ tổ chức những đợt để mời người nhà đến trao trả lại những kỷ vật của người đã mất.
Tuy nhiên, cũng có một số khó khăn là TP Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn giãn cách, nên có những người đến được người chưa đến được, chúng tôi sẽ tiếp tục kiên trì, bảo quản những tài sản đó cho những người đã mất và sẽ cố gắng bàn giao lại cho phía gia đình sớm nhất. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm công việc này để góp phần vơi đi những nỗi đau của những gia đình có người thân không may mất vì đại dịch Covid-19, ThS. Trần Thái Sơn chia sẻ.