Thứ bảy 20/04/2024 01:51

Cẩn thận khi trả chậm hoặc không trả tiền khi mua hàng trả góp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Những năm gần đây, với sự xuất hiện của nhiều tổ chức tín dụng tư nhân thì việc mua – bán trả góp được nhiều nhà phân phối, siêu thị, chuỗi cửa hàng áp dụng trong việc thanh khoản sản phẩm. Hình thức này cũng giúp khách hàng có thêm cơ hội sở hữu những món đồ mình muốn có mà tài chính chưa cho phép.
Cẩn thận khi trả chậm hoặc không trả tiền khi mua hàng trả góp
Cẩn thận khi trả chậm hoặc không trả tiền khi mua hàng trả góp

Tuy nhiên, với nhiều khách hàng, sau thời gian ban đầu trả gốc – lãi đúng hạn, do có nhiều lý do nên nhiều người đã chậm, thậm chí có người còn không có khả năng trả tiếp. Trong suy nghĩ của nhiều người, chây ì được thì cứ chây ì, thậm chí có nhiều người tính chuyện “xù” nợ. Câu chuyện vay chậm trả hoặc vay không trả tưởng chừng đơn giản bởi những món vay trả góp thường không lớn, nhưng thực tế, những người tham gia hình thức này nếu không thực hiện theo đúng thỏa thuận ban đầu rất dễ vi phạm hợp đồng với những mức phạt tương đối cao. Thậm chí, còn có nguy cơ đối diện với án hình sự về tội chiếm đoạt tài sản.

Vốn là người luôn muốn sở hữu những phương tiện cá nhân thời thượng nhất, anh N.V.A (Cầu Giấy) tự biến mình là tín đồ của những chiếc điện thoại "quả táo cắn dở". Anh cho biết, với bất cứ phiên bản mới nào mới ra mắt, không phải sớm nhất thì anh cũng phải là một trong những người đầu tiên trong nhóm bạn sở hữu sản phẩm thời thường ấy. Nhưng với mức thu nhập không phải quá cao, nên anh thường xuyên sử dụng hình thức mua trả góp những món đồ mình thích.

“Ở Việt Nam mình tôi thấy nhiều người kỳ thị, chứ hình thức dùng trước trả tiền sau xuất hiện từ lâu ở nước ngoài. Đó là một hình thức giúp người ta sở hữu được những món đồ mình thích, đồng thời cũng kích thích tiêu dùng. Hình thức vay này nhiều ngân hàng cũng có chính sách, tuy nhiên chỉ áp dụng với những người đã mở thẻ tín dụng hoặc nếu có cũng rất khó khăn trong việc thẩm định khách vay, thế nên tôi thường hay chọn những công ty tín dụng tư nhân.” – anh V.A quan niệm.

Anh V.A thường chọn thời điểm giữa tháng để thanh toán món nợ gốc – lãi cho món tiền mình đã vay. Thế nhưng trong đợt dịch vừa qua, việc làm bấp bênh khiến thu nhập của anh cũng giảm nhiều. Có đôi lần anh không còn đủ khả năng chi trả cho món nợ của mình nữa. “Cũng có lần chậm đến vài ba hôm, có lần chậm đến hàng tuần… Tôi cũng cố gắng vay mượn bạn bè để chi trả, cũng thấy lãi suất tăng lên nhưng cũng không quá nhiều. Để giữ uy tín nên tôi nghĩ mình sẽ cố gắng trả hết món nợ để lần sau còn vay tiếp.” – V.A nói. Anh cũng cho biết, anh còn đỡ chứ thực tế nhiều người bạn anh đã xác định “xù” luôn món nợ đã vay để mua trả góp…

Về câu chuyện này, chị Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc một Công ty TNHH Công nghệ Tầm Nhìn cho biết, công ty của chị cũng có lần bán những thiết bị điện tử như điện thoại Iphone, Ipad. “Khi mới đưa các sản phẩm ấy lên kệ, có mấy công ty tín dụng đến đề cập với chúng tôi về vấn đề họ sẽ hỗ trợ tài chính cho các khách hàng muốn mua hàng theo hình thức trả góp. Có nghĩa thay vì khách hàng trả hết 100% giá tiền của sản phẩm thì công ty sẽ là đơn vị đứng ra thanh khoản cho khách hàng. Các vấn đề còn lại là do khách hàng và công ty tự xử lý chứ công ty tôi không liên quan. Tôi đã tham gia, nhưng sau một vài tháng thấy không ổn. Không ổn về phía khách hàng, thực ra không có miếng pho mát nào miễn phí cả…” – chị Nguyệt cho biết.

Theo chị Nguyệt, kể cả các gói vay trả góp 0 đồng thì khách hàng vẫn phải trả một mức phí nhất định, chênh vài ba trăm nghìn so với giá gốc của sản phẩm. Còn nếu tính lãi suất thì các lãi suất của các công ty tín dụng thường rất cao, và nếu chậm trả lãi thì lãi suất tính lại càng khủng khiếp. “Có công ty tính luôn một số tiền cố tình thường dao động từ 250 – 400 nghìn cho 3 đến 5 ngày trả chậm, nếu chậm hàng tuần thì con số lại cao hơn… tùy theo món đồ khách mua là gì. Và nếu không may khách hàng bị công ty tín dụng đưa vào nợ xấu thì có nghĩa sau này, khách hàng đó sẽ rất khó vay tiếp ở công ty tín dụng, thậm chí cả các ngân hàng nữa…” – chị Nguyệt cho biết.

Còn theo Luật sư Nguyễn Phương Tuyến – Đoàn Luật sư Hà Nội, trường hợp người mua quá hạn thanh toán trả góp sẽ phải nộp lãi chậm trả; bị phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại; bị cho vào nhóm nợ xấu và tương lai sẽ khó vay vốn; Bị công ty tài chính giục nợ. Ngoài ra, nếu người mua không trả thì còn phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Theo đó, theo điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144 năm 2021, nếu người vay đến hạn trả góp cho công ty tài chính, có đủ điều kiện nhưng cố tình không trả thì sẽ bị phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng. Đặc biệt, nếu nặng hơn, người vay trả góp có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175, Bộ Luật hình sự 2015.

Cụ thể, nếu một người vay trả góp nhưng dùng thủ đoạn gian dối/bỏ trốn để chiếm đoạt số tiền từ 04 - dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 04 triệu đồng nhưng bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm… đến thời hạn trả nợ, dù có điều kiện nhưng cố tình không trả thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm.

Nếu có các tình tiết tăng nặng hơn thì mức phạt tù cao nhất của người vay sẽ là phạt tù đến 20 năm.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động