Thứ sáu 22/11/2024 11:37
Livestream bán hàng giả, hàng kém chất lượng

Cần những quy định chặt chẽ về kinh doanh online

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việc những hotgirl, những tài khoản với nhiều người theo dõi, thậm chí cả những người nổi tiếng livestream bán hàng trên mạng xã hội những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ không phải việc mới. Thế nhưng, bởi do chế tài xử lý chưa đủ mạnh, nên hình thức bán hàng này luôn được tận dụng để mua – bán hàng kém chất lượng cũng như hàng giả, hàng nhái…
Các nhân viên đóng hàng với các đơn đã chốt trong phiên livestream của tài khoản Mailystyle. Ảnh: QLTT
Các nhân viên đóng hàng với các đơn đã chốt trong phiên livestream của tài khoản Mailystyle. Ảnh: QLTT

Đơn hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đến tay người tiêu dùng

Mới đây, cơ quan chức năng đã “đột kích” kho hàng khủng của một “hotgirl” chuyên livestream bán hàng trên mạng xã hội. Điều đáng nói, phần lớn kho hàng chứa đầy 1 căn biệt thự 5 tầng của hotgirl này đều không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo đó, chiều 25/12, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hà Nội hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Cục Thương mại điện tử và kinh tế số và Ban chỉ đạo 389 Quốc gia bất ngờ kiểm tra kho hàng nằm trong Khu đô thị Đô Nghĩa thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội.

Bước đầu lực lượng chức năng xác định, đây là kho hàng của một "hot girl" thường xuyên livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, với tên gọi "Mailystyle.com", mặt hàng được bán phần lớn là mỹ phẩm. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng xác định kho hàng là một căn biệt thự 5 tầng, mỗi tầng rộng trên 100m2. Toàn bộ diện tích bên trong căn biệt thự đều được chủ cơ sở tận dụng để làm nơi chứa hàng hóa. Tại kho hàng, trên 50 nhân viên có mặt ở các tầng đang thực hiện đóng gói, dán đơn lên các sản phẩm vừa được chốt đơn trong phiên livestream trước đó. Các đơn hàng được đóng gói chất thành đống nằm la liệt, ngổn ngang trên các mặt sàn.

Thông tin trên các đơn hàng thể hiện lượng khách hàng lớn nằm rải rác khắp mọi miền Tổ quốc từ vùng sâu vùng xa đến những TP lớn. Mỗi đơn hàng có giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/sản phẩm. Lực lượng QLTT cho biết, hàng hóa tại đây đa phần là sản phẩm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng, tiêu dùng, trên vỏ hộp thể hiện xuất xứ từ Hàn Quốc, Mỹ, Canada... Phần lớn sản phẩm không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, chưa rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không có mặt. Làm việc với lực lượng chức năng, quản lý kho hàng chưa xuất trình được các giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Cũng theo cơ quan chức năng, trên nền tảng Facebook, tài khoản Mailystyle.com có trên 520.000 lượt theo dõi, đăng tải công khai số tài khoản ngân hàng mang tên "Nguyễn Hoàng Mai Ly", cùng với nhiều số điện thoại chốt đơn, tư vấn khách hàng. Bước đầu lực lượng QLTT xác định trong phiên livestream ngày 23/12, tài khoản Mailystyle.com đã thực hiện phiên live kéo dài 12 tiếng với 647.000 lượt xem và 4.100 lượt bình luận chốt đơn sản phẩm. Tham dự cùng phiên livestream trên tài khoản Mailystyle.com còn có sự xuất hiện của một số tiktoker khá nổi tiếng khác. Hiện lực lượng chức năng đang tiến hành kiểm đếm, phân loại sản phẩm và liên hệ với chủ cơ sở để kiểm tra tính hợp pháp của hàng hóa tại kho hàng.

Cần hành lang pháp lý chặt chẽ

Tại Trung Quốc, Hàn Quốc - những thị trường thương mại điện tử lâu đời, hình thức bán hàng livestream mang lại những nguồn thu khổng lồ, sản sinh ra một thế hệ KOLs (người có sức ảnh hưởng) bán hàng chuyên nghiệp với tất cả các sản phẩm từ quần áo, đồ dùng gia đình giá rẻ cho đến những mặt hàng giá trị cao như ôtô. Sở dĩ hình thức này ngày càng thịnh hành bởi người dùng được cảm nhận sản phẩm một cách chân thật, không cách biệt, màu mè như các đoạn phim quảng cáo, tạo độ tin cậy cao và thao tác mua sắm đơn giản. Nhưng tại Việt Nam, phần những người livestream bán hàng đánh vào tâm lý thích mua đồ tốt với giá rẻ. Ở các phiên livestream, người mua gặp rất nhiều trường hợp, người bán giới thiệu hàng của những thương hiệu nổi tiếng thế giới nhưng có giá rẻ bất ngờ, trong khi hàng thật từ vài triệu cho đến hàng trăm triệu đồng.

Đơn cử như tài khoản facebook L.Q - chuyên cung cấp nguồn túi hiệu sỉ lẻ online ở Hà Nội. Trên trang Facebook cá nhân, tài khoản này liên tục livestream theo giờ, rao bán hàng loạt sản phẩm túi hàng hiệu như Dior, Chanel, YSL... với mức giá chỉ dao động từ 45.000 - 99.000 đồng nếu khách hàng nhập với số lượng lớn. Hay như Facebook H.K, một shop ở TP Hồ Chí Minh quảng cáo mình chuyên hàng Mỹ. Mặt hàng đăng tải trên tài khoản này rất phong phú với đủ các loại collagen, vitamin, kẹo dinh dưỡng, nước hoa, sữa tắm… của nhiều các thương hiệu nổi tiếng, nhưng giá rẻ hơn thị trường tới 50%.

Dĩ nhiên, việc được sở hữu một sản phẩm chất lượng nhưng giá thành rẻ là điều mong muốn của bất kỳ ai. Thế nhưng, rõ ràng việc mua hàng tại các phiên livestream của các hotgirl, tài khoản nổi tiếng, thậm chí cả trên các sàn thương mại là trả tiền thật, nhưng hàng có đúng là hàng thật không thì… trông chờ vào vận may. Trả tiền thật nhưng mua hàng giả là điều không có bất kỳ ai mong muốn. Ngoài những người chấp nhận mua hàng giả tại các phiên livestream trên mạng xã hội, thì không ít người tiêu dùng do tin tưởng vào người bán mà mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Khác với cách mua hàng truyền thống, mua bán online tại các phiên livestream thường là mua đứt bán đoạn, vậy nên khi mua phải hàng giả, nhiều người chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt mà ít có chuyện khiếu nại.

Theo Ủy ban Cạnh tranh (Bộ Công Thương), mỗi năm có khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến giao dịch mua bán trên các nền tảng trực tuyến khi mua nhầm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, và mua bán không có hóa đơn chứng từ. Việc bán hàng giả, hàng nhái ở các hình thức buôn bán online hay buôn bán truyền thống đều chịu các chế tài xử lý theo quy định của pháp luật như nhau. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, việc xử lý đối với những cá nhân livestream bán hàng giả nhái trên mạng xã hội không đơn giản. Ngoài các mặt hàng thường là đồ gia dụng, thời trang, mỹ phẩm… các kho hàng thường là ở tại nhà riêng của người bán nên việc kiểm tra của lực lượng chức năng gặp nhiều trở ngại. Ngoài ra, với bán hàng online, lực lượng chức năng khó xác định địa điểm mua bán, thời điểm giao kết hợp đồng và chứng cứ cũng dễ dàng bị thay đổi. Mặt khác, thương mại điện tử không cố định một nơi, mà ở nhiều quốc gia, xuyên biên giới; hàng hóa phân tán…

Tại hội thảo về nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong TMĐT diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, Thượng tá Phạm Công Hải, Phó trưởng phòng 4 Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cảnh báo, hình thức livestream bán hàng trên các ứng dụng, mạng xã hội, website, sàn TMĐT đang bị triệt để lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Trong khi đó, làm sao để xử lý triệt để câu chuyện này lại là một vấn đề nan giải. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, TMĐT phát triển bùng nổ đang tạo ra thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Hơn nữa, mạng xã hội xuyên biên giới nên các hành vi vi phạm đã vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam…

Hà Nội: Tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả quy mô lớn
Tập trung các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động