Thứ bảy 05/10/2024 17:11

Cần có quy định bảo vệ những người giúp đỡ người bị tai nạn giao thông

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đại biểu cho rằng, thực tế, những người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn giao thông giúp đỡ chở người bị thương đi cấp cứu rất dễ bị người thân của người bị tai nạn giao thông hiểu nhầm. Vì vậy đề xuất có những quy định để bảo vệ những người này…
Cần có quy định bảo vệ những người giúp đỡ người bị tai nạn giao thông
Góp ý vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu cho rằng cần có những quy định bảo vệ những người giúp đỡ người bị tai nạn giao thông. Ảnh: Quốc hội

Cần có quy định bảo vệ những người giúp đỡ người bị tai nạn giao thông

Góp ý vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, cần lưu ý quy định về trách nhiệm của người điều khiển phương tiện giao thông và người liên quan có mặt tại hiện trường vụ tai nạn giao thông quy định.

Theo đó, tại Điều 80, khoản 2 có quy định: trách nhiệm của người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông nhưng chưa có quy định hậu quả pháp lý của họ nếu họ không thực hiện trách nhiệm đó.

“Tôi nghĩ cũng nên quy định trách nhiệm này, tức là chúng ta quy định trách nhiệm của họ khi có mặt ở đó. Nhưng nếu họ không thực hiện trách nhiệm thì xử lý thế nào thì lại không có quy định, cho nên có thể họ không thực hiện. Mặt khác, những người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn giao thông và người điều khiển phương tiện khác khi đi qua điểm xảy ra tai nạn giao thông và chở người bị thương đi cấp cứu, rất dễ bị người thân của người bị tai nạn giao thông hiểu nhầm. Trên thực tế đã có những hành vi hành hung những người này hoặc có thể gặp phải những phiền phức khác. Bởi vậy, tôi nghĩ cần có những quy định bảo vệ những người này trong luật” - đại biểu Tô Văn Tám nêu quan điểm.

Cần có quy định bảo vệ những người giúp đỡ người bị tai nạn giao thông
Đại biểu Tô Văn Tám, đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum. Ảnh: Quốc hội

Cũng có ý kiến về vấn đề này, theo đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, quy định hành vi cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông đường bộ khi có điều kiện cũng được chế định trong pháp luật dân sự. Đây là quy định mang tính nhân văn, trách nhiệm xã hội của mọi người.

Tuy nhiên, theo đại biểu, pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trước đây và dự thảo luật này chưa thể chế rõ các nội dung liên quan để bảo đảm cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để thực hiện cũng như bảo đảm việc bảo vệ người đã chấp hành đúng quy định pháp luật cứu người bị tai nạn kịp thời.

“Thực tiễn cho thấy, có nhiều trường hợp người tham gia giúp đỡ người bị tai nạn giao thông bị liên lụy, làm ơn mắc oán hoặc mất nhiều thời gian để thực hiện các trình tự, thủ tục điều tra, xử lý tai nạn giao thông của cơ quan chức năng nên dẫn đến tâm lý e ngại không tham gia cứu nạn, giúp đỡ người bị nạn theo quy định. Do vậy, đề nghị cần chế định rõ trong luật các biện pháp bảo vệ người tham gia giúp đỡ người bị tai nạn giao thông để người dân an tâm thực hiện việc giúp đỡ người bị tai nạn” - đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương nói.

Giữ lại nội dung trẻ em dưới 10 tuổi không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, dự thảo lần này đã chỉnh lý nhiều quy định về bảo đảm an toàn cho trẻ em, đại biểu đánh giá cao và cơ bản nhất trí với các nội dung đã chỉnh lý về bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông cả đối với trường hợp ngồi trên xe ô tô, xe gắn máy và xe đạp. Đề nghị Chính phủ và các bộ liên quan trong quá trình quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật tiếp tục cụ thể hóa các nguyên tắc này để bảo vệ tốt nhất cho trẻ em.

Cần có quy định bảo vệ những người giúp đỡ người bị tai nạn giao thông
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. Ảnh: Quốc hội

“Bên cạnh đó, tôi nhận thấy tại Điều 11 về quy tắc chung trong dự thảo luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ 6 có nội dung là trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35m được chở trên xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi thì không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ, nhưng nội dung này thì không còn trong dự thảo trình Quốc hội lần này. Tôi cho rằng đây là nội dung quan trọng và cần thiết, đề nghị cân nhắc giữ nội dung này trong dự thảo luật và nếu còn băn khoăn về một số loại xe chỉ có 2 cửa và một hàng ghế như trong báo cáo giải trình thì tôi đề nghị có thể loại trừ trường hợp này” - đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đóng góp ý kiến.

Quan tâm đến vấn đề an toàn của trẻ em khi tham gia giao thông, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, khoản 3, Điều 11 chưa đủ, chưa rõ và dễ gây ra hiểu nhầm.

Theo ông, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo tất cả trẻ em, bất kỳ độ tuổi hay chiều cao nên được ngồi ở ghế sau của xe ô tô khi tham gia giao thông. Vì vị trí ngồi sau là vị trí an toàn nhất cho trẻ em, giảm nguy cơ bị thương so với để trẻ ngồi ở vị trí cùng hàng ghế với người lái xe, khi dùng thiết bị an toàn nguy cơ chấn thương trẻ ngồi ghế sau thì giảm được 14% so với trẻ ngồi ghế trước.

Hơn nữa, vị trí ngồi cùng hàng với người lái là vị trí nguy hiểm nhất trên xe ô tô, đặc biệt ngay khi túi khí bung ra cũng có thể gây thương tích nghiêm trọng ở đầu và cổ cho trẻ em, kể cả khi trẻ em ngồi trong thiết bị an toàn quay mặt về phía sau.

Cũng theo ông, cần bỏ nội dung “không có người lớn ngồi cùng với trẻ em được chở trên xe ô tô và trên xe máy”. Ông lý giải, cách viết này sẽ gây hiểu lầm rằng dây đai an toàn, thiết bị an toàn sẽ không cần dùng nếu đã có người lớn ngồi cùng với trẻ em, nghĩa là đã có ít nhất người lái xe, tức là người lớn ở cùng trên xe.

“Luật không nên dùng từ mập mờ, cách hiểu khác nhau. Người lớn ngồi cùng không thể thay thế thiết bị an toàn cho trẻ trên xe ô tô vì dây đai an toàn chỉ phù hợp với kích thước của người lớn và trẻ em từ 10 tuổi và cao 1,35m trở lên, khi xảy ra va chạm lực quán tính và tình huống bất ngờ có thể khiến người lớn không thể giữ chặt trẻ dẫn tới việc trẻ bị văng khỏi ghế, va đập và bị thương nghiêm trọng” – ông phân tích.

Bởi vậy, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung không được để trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ xe chỉ có một hạng ghế và bỏ nội dung mà "không có người lớn ngồi cùng".

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ điều hành hoạt động của Bộ Công an Thượng tướng Trần Quốc Tỏ điều hành hoạt động của Bộ Công an
Bổ sung nội dung về đấu giá biển số xe vào luật Bổ sung nội dung về đấu giá biển số xe vào luật
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động