Thứ bảy 04/05/2024 05:10

Cái giá của cuộc nội chiến tại Yemen

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sự bất ổn, xung đột triền miên là những điều mà cộng đồng quốc tế thường dùng để nhắc tới Yemen, quốc gia từng được thống nhất vào năm 1990. Thế nhưng, vào thời điểm hiện tại tình hình nội chiến tại đất nước này vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Cái giá của cuộc nội chiến  tại Yemen
Lực lượng Houthi tại Yemen

Căn nguyên khởi phát

Khởi đầu bùng phát xung đột vũ trang ở Yemen vào cuối 2014 khi phiến quân Houthi theo dòng Hồi giáo Shia và lực lượng ủng hộ cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh-người đã nắm quyền trong suốt 34 năm ở Yemen-giao tranh với lực lượng ủng hộ chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi-người được quốc tế công nhận.

Phiến quân Houthi đã đánh chiếm thủ đô Sana’a và chiếm giữ phần lớn khu vực phía Tây Bắc Yemen, buộc lực lượng chính phủ của Tổng thống Hadi phải chuyến tới TP Aden-TP cảng lớn thứ hai của Yemen-còn bản thân Tổng thống đương nhiệm Hadi phải lưu vong tại Ả-rập Xê-út.

Xung đột leo thang vào tháng 3-2015 khi Liên minh quân sự các quốc gia Ả-rập do Ả-rập Xê-út đứng đầu đã can thiện vào Yemen để hỗ trợ chính phủ Tổng thống Hadi khôi phục quyền lực. Ả-rập Xê-út và các quốc gia Ả-rập khác gồm Ai Cập, Jordan và Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đã tiến hành hàng loạt chiến dịch không kích nhằm vào các địa điểm của phiến quân Houthi tại Yemen.

Cuộc xung đột nội bộ ban đầu giữa các phe phái ở Yemen đã bị biến thành cuộc chiến tranh ủy nhiệm với sự tham gia của nhiều quốc gia, giữa Ả-rập Xê-út, quốc gia đứng đầu Liên minh quân sự các quốc gia Ả rập ủng hộ chính phủ của Tổng thống Hadi và Iran-quốc gia Hồi giáo Shia ủng hộ phiến quân Houthi….

Mặc dù cộng đồng quốc tế nỗ lực nhiều để tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột ở Yemen, song xung đột và bạo lực ở quốc gia Nam bán đảo Ả-rập lại trở nên khốc liệt hơn vào cuối năm 2017, khi lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Saleh và phiến quân Houthi không đạt được thỏa thuận hòa giải chính trị, trong đó phiến quân Houthi đã cáo buộc cựu Tổng thống Saleh tiến hành “lật đổ” chính phủ liên minh giữa hai bên khi ông Saleh mong muốn đàm quán với Liên quân quân sự các quốc gia Ả-rập và tuyên bố chấm dứt liên minh giữa lực lượng của ông với phiến quân Houthi. Giao tranh ác liệt đã nổ ra tại thủ đô Sana’a vào đầu tháng 12-2017, nhiều vụ nổ đã làm rung chuyển TP này.

Kết quả, cựu Tổng thống Saleh đã bị phiến quân Houthi sát hại vào ngày 4-12-2017 khi đang tìm cách chạy trốn cùng gia đình tới tỉnh Marib do quân chính phủ kiểm soát. Trong khi đó, lợi dụng sự hỗ loạn và bất ổn về an ninh tại Yemen, lực lượng Al-Qaeda ở bán đảo Ả-rập (AQAP) tấn công và thắt chặt sự kiểm soát của lực lượng này ở các khu vực phía Nam và Đông Nam của quốc gia Ả-rập này.

Tính phức tạp của cuộc xung đột ngày càng gia tăng khiến đất nước Yemen chìm sâu trong bất ổn, khi nhóm phiến quân ly khai lớn nhất ở miền Nam Yemen gọi là Hội đồng chuyển tiếp miền Nam (STC)-một bộ phận tham gia chính phủ lâm thời của Yemen do LHQ bảo trợ-đã nổi dậy chống lại chính phủ Yemen, đánh chiếm Aden làm thủ phủ và lập khu “tự trị” ở miền Nam Yemen với sự hậu thuẫn của UAE vào tháng 8-2019. Giao tranh dữ dội lại một lần nữa xảy ra giữa STC và các lực lượng của Tống thống Hadi trong nhiều ngày tại địa bàn chiến lược Aden. Xung đột giữa Houthi và lực lượng thân Tổng thống Hadi chưa tìm được lời giải thì xung đột giữa lực lượng chính phủ với Lực lượng ly khai STC lại xảy ra, xung đột đan xen xung đột khiến đất nước Yemen chìm sâu trong bất ổn và rơi vào cuộc khủng hoảng kéo dài không có hồi kết.

Những hệ lụy

Từ một đất nước vốn được coi là tươi đẹp và hạnh phúc nay Yemen đã bị tàn phá nghiêm trọng, “chia năm xẻ bảy” bởi xung đột và nội chiến. Trong 6 năm qua, từ 2015 đến nay, xung đột và nội chiến kéo dài tại Yemen đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường, và châm ngòi cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

Theo LHQ, các cuộc xung đột vừa qua tại Yemen đã làm khoảng 3,3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và khoảng 24,1 triệu người (80% dân số) cần hỗ trợ nhân đạo, trong đó 10 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói bởi những cuộc giao tranh tại đây đã cản trở công việc vận chuyển và phân phát đồ cứu trợ. Trẻ em Yemen là đối tượng phải gánh chịu hậu quả nặng nề bởi chiến tranh và khủng hoảng nhân đạo. Theo số liệu thống kê của UNICEF, trung bình mỗi ngày có 8 trẻ em thiệt mạng hoặc bị thương tại 31 khu vực có xung đột ở Yemen và mỗi năm có khoảng 30.000 trẻ em tử vong vì suy dinh dưỡng nặng tại Yemen.

Theo dự báo của Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách công tác nhân đạo Mark Lowcock, nửa triệu người sẽ bỏ mạng nếu nội chiến vẫn tiếp diễn tại quốc gia này, trong đó, hơn 300.000 người sẽ chết do thiếu đói, không được chăm sóc y tế và dịch bệnh. Khoảng 25% trẻ em sẽ bị suy dinh dưỡng, gần 40% trẻ em không được đến trường.

Theo Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), Yemen cần khoảng 89,4 triệu USD trong thời gian tới nhằm duy trì các chương trình viện trợ cứu sinh. Sự thiếu hụt tài chính đang đe dọa sự hỗ trợ quan trọng đối với người dân Yemen. Báo cáo mới đây của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) nhận định, những năm xung đột vừa qua đã kéo lùi sự phát triển của Yemen tới 20 năm và hơn thế nữa, cuộc chiến kéo dài ở Yemen là nguy cơ, mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh ở khu vực Trung Đông nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.

Ngày 4-11 lực lượng Houthi ở Yemen đã chiếm một căn cứ quân sự chủ chốt của lực lượng ủng hộ chính phủ ở Marib, tỉnh giàu dầu mỏ chiến lược của quốc gia này. Một quan chức quân sự của chính phủ cho biết: “Lực lượng nổi dậy (Houthi) đã phát động cuộc tấn công lớn ở huyện Al Jubah của Marib và chiếm được căn cứ Um Reesh sau nhiều giờ giao tranh với lực lượng chính phủ”. Lực lượng Houthi đã đột kích vào căn cứ này từ nhiều hướng khác nhau và buộc các binh sĩ chính phủ phải rút khỏi khu vực này.
Thủy Liên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động