Thứ sáu 26/04/2024 17:55

Cách tập thể thao an toàn sau khi nhiễm Covid-19

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Người nhiễm Covid-19 cơ thể chưa hồi phục nên có thể những bài tập thể thao trước đó là bình thường nhưng hậu Covid-19 lại quá sức. Việc tập không đúng, quá sức thì lại gây hại, gây khó thở, tức ngực, thiếu máu cơ tim dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thậm chí tăng huyết áp, tụt huyết áp…
Cách tập thể thao an toàn sau khi nhiễm Covid-19
Mọi người khi tập cần tuỳ theo tình trạng sức khoẻ, nếu tập nặng cường độ cao nên có sự tư vấn của bác sỹ, huấn luyện viên (Ảnh minh hoạ)

Theo PGS-TS. Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, tùy theo bệnh lý nền và tình trạng sức khỏe của từng cá nhân mà mỗi người có mức độ nhiễm virus SARS-CoV-2 khác nhau và để lại di chứng ở mức độ khác nhau. Thông thường bệnh để lại di chứng ở cơ quan hô hấp-phổi, di chứng ở tim mạch, thần kinh, thận, não, cơ xương khớp và thậm chí bộ máy hoạt động sinh dục…

Để hồi phục các triệu chứng hậu Covid-19 cần đi khám để xác định mức độ hậu quả của di chứng. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra quyết định điều trị phù hợp về phác đồ trong dùng thuốc ăn uống, tập luyện và thư giãn an thần. Điều cần lưu ý là phải căn cứ vào tình trạng thể lực, mức độ bệnh của các cơ quan, tổ chức từ đó mới chọn bài tập và lượng vận động phù hợp. Có thể là bài tập thả lỏng, bài tập thở, bài tập vận động, cũng có thể là bài tập tĩnh như thiền, yoga.

TS. Võ Tường Kha cho biết, muốn xác định lượng vận động, cường độ luyện tập, tần suất, thời gian vận động (trong một ngày là bao nhiêu lần, một tuần là bao nhiều lần, một lần tập kéo dài bao nhiêu phút, trở kháng là bao nhiêu)… thì cần có sự hỗ trợ của bác sĩ thể thao, bác sĩ phục hồi chức năng hoặc huấn luyện viên của môn tập đó trên cơ sở tình hình sức khỏe bệnh lý và mức độ di chứng để lại.

Một người khi tập chỉ được phép đạt 70-80% nhịp tim tối đa này thì mới có hiệu quả. Nếu nhịp tim tăng quá có thể gây tai biến, kiệt sức, tức ngực, khó thở, choáng, ngất, thiếu máu cơ tim… Không đạt nhịp tim dự kiến thì lượng vận động không đủ để có tác dụng cải thiện chức năng cần phục hồi. Trong quá trình tập, bạn có thể đo, đếm mạch, nếu thấy cao hơn 70-80% nhịp tim tối đa thì nên dừng lại.

Có nhiều công cụ, phương pháp để xác định lượng, cường độ, tần suất và thời gian vận động gồm: Phương pháp phổ thông ai cũng có thể làm được đó là tự kiểm tra, cần 2 thông số là nhịp tim bình thường và mạch đập (nhịp tim) tối đa. Cụ thể, một người trưởng thành khi mới ngủ dậy ở trạng thái yên tĩnh nhịp tim sẽ là khoảng 60-80 lần/phút. Cách tính nhịp tim tối đa, cách đơn giản nhất là lấy 220 - số tuổi với nam và 226 - số tuổi với nữ.

Cách thứ 2 là dùng các thiết bị cận lâm sàng, chụp X-quang tim phổi xem phổi có tổn thương, CT tim phổi, đo thông khí phổi để biết các thể tích hô hấp, hít vào-thở ra của người bệnh, điện tim, siêu âm tim để xem chức năng của tim.

Ngoài ra, một thiết bị cao cấp hơn là làm liệu pháp gắng sức tim phổi ở trạng thái vận động (70-80% của mạch tối đa), cho ta biết năng lực gắng sức của tim và phổi có đạt được như mục tiêu đặt ra. Nếu cường độ, lượng vận động quá mức, thường nhịp tim sẽ vượt 80% nhịp tim tối đa. Khi đó, cơ thể xuất hiện khó thở, đau tức ngực, tụt hay tăng huyết áp, mạch nhanh hơn… Thiết bị này chuyên dùng để kiểm tra tình trạng, trình độ thể lực cho các vận động viên thể thao.

“Tập luyện vốn tốt cho sức khỏe nhưng nếu tập không đúng, quá sức thì lại gây hại, gây khó thở, tức ngực, thiếu máu cơ tim dẫn nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thậm chí tăng huyết áp, tụt huyết áp… Có thể trước đây, bài tập như thế là bình thường, nhưng sau khi mắc Covid-19 bài tập như thế lại là quá sức. Điều này là do tim, phổi bị di chứng nhưng công năng chưa kịp hồi phục”, TS. Võ Tường Kha nhấn mạnh.

Còn theo bác sỹ Đỗ Anh, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai (người đã trực tiếp tham gia điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 16, TP Hồ Chí Minh và điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 tại Hà Nội trong thời gian qua) thì thời điểm tập luyện tối ưu và an toàn được khuyến cáo là sau 7-10 ngày hết triệu chứng Covid-19. Người bệnh không nên tập luyện lại khi vẫn còn triệu chứng Covid mà nên đợi sau khi hết triệu chứng ít nhất 7-10 ngày. Khi tập trở lại nên tập chậm và tăng dần cường độ. Đặc biệt những người có vấn đề về tim mạch, hô hấp, sốt, ho, khó thở hay đau ngực kéo dài thì càng cần phải lưu tâm.

"Chúng ta nên thực hiện các bài tập như đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu, đạp xe, chống đẩy, squat,... với cường độ vừa phải và tăng dần. Điều này giúp tăng nhịp tim và thúc đẩy lưu lượng máu, có thể giúp phổi phục hồi nhanh hơn", BS. Đỗ Anh gợi ý.

Nếu người mới khỏi Covid-19 chủ quan, vẫn giữ nguyên cường độ tập như trước khi mắc bệnh sẽ khiến cơ thể không có thời gian phục hồi tổn thương (tổn thương cơ/rối loạn chuyển hóa/dinh dưỡng). Ngoài ra việc vội vàng luyện tập trở lại và luyện tập không đúng phương pháp sẽ dẫn tới kéo dài thời gian hồi phục, thậm chí là tái phát bệnh và có thêm tổn thương (extra layer of complexity) như: hụt hơi, đau ngực, giảm khả năng vận động, co cứng cơ, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt và các vấn đề về tim mạch cũng như hô hấp khác.

Với những người thích tập fitness cường độ cao, nên trao đổi với bác sỹ/huấn luyện viên. Lộ trình được khuyến cáo là 4 tuần tập luyện để trở về trạng thái tập bình thường.

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động