Thứ bảy 20/04/2024 19:50

Cách hóa giải mâu thuẫn giữa hai gia đình nhìn thấy nhau là lời qua tiếng lại

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bà Nguyễn Thị Thu Dung, tổ trưởng tổ hòa giải địa bàn dân cư số 3 phường Ngọc Khánh cho biết, nhiều năm qua, chỉ có một vụ hòa giải phải chuyển lên phường còn các vụ việc mâu thuẫn trong địa bàn dân cư, tổ hòa giải đều hòa giải thành công.

Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Thị Thu Dung, sinh năm 1956, Tổ trưởng Tổ hòa giải địa bàn dân cư số 3 cho biết, tổ hòa giải của bà có 5 thành viên. Bà tham gia công tác hòa giải từ năm 2014 đến nay.

Từ khi tham gia công tác hòa giải bà không có gì bỡ ngỡ hay gặp khó khăn bởi trước khi về hưu bà từng làm cảnh sát khu vực, cũng từng làm công tác hòa giải, nắm bắt thông tin tại địa bàn dân cư.

Cách hóa giải mâu thuẫn giữa hai gia đình nhìn thấy nhau là lời qua tiếng lại
Bà Dung chia sẻ, muốn hòa giải thành thì người hòa giải phải luôn lắng nghe, thấu hiểu, đặt mình vào vị trí người khác.

Tại địa bàn dân cư số 3, các thành viên tổ hòa giải sẽ nắm bắt đầu tiên các mâu thuẫn trong khu vực mình sinh sống. Sau đó, các thành viên tổ hòa giải sẽ trao đổi với tổ trưởng và các thành viên khác. Khi tiếp nhận thông tin về mâu thuẫn ban đầu, tổ hòa giải sẽ chia các vấn đề cần hòa giải như hòa giải mâu thuẫn gia đình, lĩnh vực xây dựng, mâu thuẫn trong địa bàn dân cư,…

Tổ hòa giải phải phân rõ, lĩnh vực nào cấp phường giải quyết, lĩnh vực nào tổ hòa giải trong địa bàn dân cư giải quyết. Ví dụ như vụ việc tranh chấp đất đai thì tổ hòa giải đến làm việc, hướng dẫn họ viết đơn gửi lên phường để phường giải quyết, tổ hòa giải không giải quyết được tranh chấp đất đai mà chỉ hòa giải hai bên làm việc theo pháp luật, tránh mâu thuẫn xảy ra khiến mất an ninh trật tự tại địa bàn.

“Chúng tôi sẽ phân tích cho các bên sự việc căn cứ theo pháp luật, sau đó phân tích cái tình, sự thấu hiểu, chia sẻ trong địa bàn dân cư sao cho thoải mái, thấu tình đạt lý. Người hòa giải viên luôn luôn phải đặt mình vào vị trí của người khác và đặt ra câu hỏi để tìm lời đáp như vì sao có mâu thuẫn này, mình vào hoàn cảnh đó thì mình sẽ rao sao,…. Từ việc đặt mình vào vị trí của người khác thì mới tìm ra những lời giải từ đó góp ý cho các bên, lúc này họ mới nghe. Nếu chỉ vì một cá nhân, bênh vực bên này bên kia thì không bao giờ hòa giải thành”, bà Dung thông tin.

Theo bà Dung, trong những năm làm công tác hòa giải tại địa bàn dân cư, tổ hòa giải của bà đã hoàn thành nhiệm vụ, chỉ có duy nhất 1 vụ hòa giải phải chuyển lên phường, quận giải quyết là tranh chấp bán hàng ở chiếu nghỉ tại khu chung cư. Có người bán hàng nhưng người khác không cho bán hàng nên vụ việc này được chính quyền địa phương giải quyết.

Kể về câu chuyện hòa giải trên địa bàn, bà Dung cho hay, trên địa bàn dân cư số 3 có một mâu thuẫn của hai gia đình kéo dài nhiều năm, nhà đầu ngõ và nhà trong ngõ và mâu thuẫn ở đây họ cứ nhìn thấy nhau là lời qua tiếng lại, nói bóng gió gây ồn ào trong địa bàn dân cư, ảnh hưởng đến người khác. Nắm bắt tình hình vậy, tổ hòa giải đã mời hai gia đình ra nhà văn hóa địa bàn dân cư nhưng chỉ có một gia đình ra.

Tổ hòa giải ngồi chia sẻ với gia đình này về việc gây ồn ào, lời qua tiếng lại, nếu không giữ được bình tĩnh sẽ xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, nặng là vướng vào pháp luật. Do vậy, tổ hòa giải đã khuyên nhủ gia đình này không lời qua tiếng lại, mâu thuẫn nhỏ thì bỏ qua để đảm bảo tình đoàn kết, vui vẻ trong địa bàn dân cư.

Với gia đình không đến dự, tổ hòa giải đã trực tiếp đến nhà để phân tích, lập biên bản về sự việc mâu thuẫn. Sau khi nghe phân tích của tổ hòa giải, gia đình này cũng nhận ra việc làm không đúng của mình và hứa sẽ không lời qua tiếng lại. Gia đình đó đã ký cam kết về việc không tái phạm lời qua tiếng lại với gia đình trong ngõ nữa. Từ đó đến nay được hơn 1 năm rồi, hai gia đình không có lời qua tiếng lại, mọi người chăm lo làm ăn, vui vẻ và đoàn kết trong địa bàn dân cư.

Khi hòa giải mâu thuẫn giữa các bên, tổ hòa giải thường phân tích về mặt pháp luật, diễn biến vụ việc nếu cứ để kéo dài lời qua tiếng lại, vu khống, lăng mạ là vi phạm pháp luật. Ngoài ra, còn sứt mẻ tình cảm giữa hai bên, tình làng nghĩa xóm, cũng phải nên đặt mình vào người khác, không nên gây bức xúc cho người khác, bán anh em xa mua láng giềng gần...

“Quan trọng nhất của người làm công tác hòa giải là phải thấu hiểu, lắng nghe, luôn đặt mình vào vị trí người khác để phân tích, thấu hiểu. Ngoài ra, làm hòa giải phải vô tư, trong sáng thì mới hòa giải thành công được”, bà Dung nhấn mạnh.

Người hòa giải luôn phải đặt địa vị của mình vào các bên thì mới hòa giải thành

Người hòa giải luôn phải đặt địa vị của mình vào các bên thì mới hòa giải thành

Bà Phạm Thị Nhịp, hòa giải viên địa bàn dân cư số 12 phường Ngọc Khánh, Hà Nội cho biết, làm hòa giải phải làm ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động