Các trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc diện cần sắp xếp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgười dân làm thủ tục hành chính tại UBND huyện Sóc Sơn. Ảnh: Công Hùng |
Các trường hợp thuộc diện sắp xếp của 2 giai đoạn
Nghị quyết quy định rõ các trường hợp thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 gồm:
Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gọi là Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính).
Đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng;
Đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính cũng thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025.
Chính phủ cho biết dự kiến sắp xếp 33 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.327 đơn vị hành chính cấp xã trong khoảng thời gian này (chưa tính số đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu). |
3 trường hợp thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2026 - 2030 gồm:
Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng;
Đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng;
Đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Các đơn vị hành chính không thuộc phạm vi quy định trên được khuyến khích thực hiện sắp xếp theo quy định tại Nghị quyết này để giảm số lượng, tăng quy mô đơn vị hành chính, giải quyết các vấn đề còn bất hợp lý về phân định địa giới đơn vị hành chính do biến động về địa chất, địa hình hoặc do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương.
Không bắt buộc sắp xếp nếu có yếu tố đặc thù
Điều 3 của Nghị quyết nêu rõ, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có một trong các yếu tố đặc thù theo quy định thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp.
Đó là đơn vị hành chính có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề; có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào.
Cạnh đó là đơn vị hành chính có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Trường hợp nữa là đơn vị hành chính nông thôn thuộc diện sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023 - 2030, có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Cũng theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong giai đoạn 2023 - 2025 không bắt buộc thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã được sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021.
Giai đoạn 2026 - 2030 không bắt buộc thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã được sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 và giai đoạn 2023 - 2025.
Tuy vậy, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 có quy định, đối với các trường hợp trên, nếu địa phương thấy cần thực hiện sắp xếp để tổ chức hợp lý đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì UBND cấp tỉnh báo cáo tại phương án tổng thể và đề án sắp xếp đơn vị hành chính của địa phương để trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Thống kê cho thấy, giai đoạn 2019 - 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 48 nghị quyết để sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã tại 45 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, qua đó cả nước đã giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã. Nghị quyết cũng quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; việc kiện toàn tổ chức bộ máy và áp dụng các chế độ, chính sách đặc thù của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp. Trong đó quy định, ngân sách Trung ương hỗ trợ một lần cho các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách với định mức 20 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp huyện giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm để hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ việc sắp xếp đơn vị hành chính. Căn cứ kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Chính phủ trình Quốc hội quyết định trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm. |
Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện các quy định về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại