Thứ bảy 23/11/2024 01:51

Các tội danh liên quan gián tiếp đến hành vi tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu là một trong số nhóm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp có liên quan đến hành vi tra tấn.
Để xác định hành vi bắt, giữ, giam người có trái pháp luật hay không trước hết phải so sánh, đối chiếu với pháp luật hiện hành về các trường hợp bắt, giữ, giam người hợp pháp. Ảnh minh họa
Để xác định hành vi bắt, giữ, giam người có trái pháp luật hay không trước hết phải so sánh, đối chiếu với pháp luật hiện hành về các trường hợp bắt, giữ, giam người hợp pháp. Ảnh minh họa

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật

Điều 377 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật- cũng là một tội danh liên quan tới tra tấn trong hoạt động tư pháp. Điều luật quy định cụ thể các nhóm hành vi cấu thành tội phạm bao gồm: i) không ra quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật; ii) ra lệnh, quyết định bắt, giữ, giam người không có căn cứ theo quy định của luật; iii) không chấp hành quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật; iv) thực hiện việc bắt, giữ, giam người không có lệnh, quyết định theo quy định của luật hoặc tuy có lệnh, quyết định nhưng chưa có hiệu lực thi hành; v) không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ quá hạn.

Chủ thể của tội phạm này là người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để thực hiện một trong các hành vi nêu trên, xâm phạm quyền tự do thân thể của người khác, đồng thời xâm phạm tính đúng đắn của hoạt động tố tụng.

Hình phạt áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội 06 tháng tù đến 12 năm tùy trường hợp cụ thể và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu

Tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu là một trong số nhóm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp có liên quan đến hành vi tra tấn, theo đó, Điều 384 của Bộ luật quy định người nào mua chuộc hoặc cưỡng ép người làm chứng, người bị hại, đương sự trong các vụ án hình sự, hành chính, dân sự để những người này khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc không khai báo, không cung cấp tài liệu; mua chuộc, cưỡng ép người giám định, người định giá tài sản kết luận gian dối hoặc người phiên dịch, người dịch thuật dịch xuyên tạc thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Trường hợp người phạm tội dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn nguy hiểm khác để cưỡng ép người khác khai báo, cung cấp tài liệu là tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều luật.

Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là người từ đủ 16 tuổi trở lên đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp là người có chức vụ, quyền hạn mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mua chuộc, cưỡng ép khai báo, cung cấp tài liệu thì là tình tiết tăng nặng định khung tại khoản 2 Điều luật. Hành vi được thực hiện với lỗi cố ý.

Hình phạt áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù t6 tháng tù đến 07 năm tùy trường hợp cụ thể.

Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội bắt, giữ, giam người trái pháp luật. Đây là hành vi xâm phạm quyền tự do về thân thể, tự do đi lại của người khác đã được Hiến pháp ghi nhận và bảo vệ, theo đó, “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm;...không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang”.

Điều luật quy định hành vi cụ thể; chủ thể của tội phạm có thể thực hiện một trong ba hành vi hoặc hai trong ba hành vi hoặc cả ba hành vi này: bắt người trái pháp luật; giữ người trái pháp luật hoặc/và giam người trái pháp luật. Tính chất trái pháp luật của các này hành vi nêu trên được hiểu là việc bắt, giữ, giam người không đúng về thẩm quyền, không có căn cứ,...

Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội bắt, giữ hoặc giam người trái phép là người nào từ đủ 16 tuổi trở lên đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự . Người thực hiện tội phạm với lỗi cố ý, mặc dù biết hành vi bắt, giữ, giam người khác của mình là trái pháp luật nhưng người phạm tội vẫn thực hiện.

Hình phạt áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 12 năm tùy từng trường hợp cụ thể. Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; đối với người đang thi hành công vụ; phạm tội 2 lần trở lên; đối với 2 người trở lên; đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn; gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

Khung hình phạt cao nhất với mức phạt tù từ 5 đến 12 năm được áp dụng đối với một trong các trường hợp: làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát; tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam; gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

Ngoài các hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 đến 5 năm.

So với quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 123), điểm mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 tại Điều luật này tập trung vào một số nội dung: i) bổ sung các trường hợp loại trừ việc xử lý hình sự theo quy định tại Điều luật này để bảo đảm áp dụng đúng, thống nhất pháp luật; ii) bổ sung một số tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm tại khoản 2, khoản 3 và cụ thể hóa tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” tại khoản 3 bằng các hậu quả cụ thể. Đặc biệt, Bộ luật đã bổ sung tình tiết “tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân” tại điểm b khoản 3 Điều 157 để bảo đảm phù hợp hơn với Công ước Chống tra tấn. Đồng thời, chính sách xử lý đối với người thực hiện hành vi cũng theo hướng tăng nặng hơn.
Cấm tra tấn và các biện pháp đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo
Trừng phạt hành vi tra tấn, đối xử vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người
Bảo vệ người làm chứng, người bị hại, người tố giác
Các tội danh liên quan trực tiếp đến hành vi tra tấn
Quang Trung
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động