Các tình huống pháp lý có thể diễn ra
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChị N.A.L là nhân viên phục vụ sân golf BRG Đà Nẵng phải nhập viện sau khi bị đập cây gậy golf vào người |
Ngày 13/12, ông Nguyễn Công Thanh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết, HĐND tỉnh Quảng Nam quyết định dừng cuộc họp báo vì chưa đủ thông tin cụ thể về việc đại biểu HĐND Nguyễn Viết Dũng, Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn Đất Quảng đánh người tại sân golf BRG. Tuy nhiên, lãnh đạo HĐND tỉnh đã nắm thông tin, yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc, yêu cầu ông Nguyễn Viết Dũng báo cáo cụ thể, trung thực về vụ việc.
Ngoài cung cấp thông cáo báo chí về vụ việc này đến cơ quan truyền thông, ông Nguyễn Công Thanh cũng đề nghị báo chí tham khảo tường trình và lời xin lỗi của ông Nguyễn Viết Dũng đăng công khai trên báo Quảng Nam. Đồng thời, ông Dũng cũng đã có báo cáo tường trình vụ việc gửi HĐND tỉnh Quảng Nam, gửi báo chí vào chiều 13/12.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi xảy ra vụ đánh nữ nhân viên phục vụ (caddie) tại sân golf BRG Đà Nẵng hôm 6/12, ông Nguyễn Viết Dũng - Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn Đất Quảng, đồng thời là Đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam chính thức lên tiếng thừa nhận hành vi đánh người của mình tại sân golf BRG.
Ông Dũng cho biết: "Ngày 6/12, tôi và một số đối tác có đến sân golf BRG Đà Nẵng để chơi golf và chị N.A.L là nhân viên phục vụ, hướng dẫn nhóm người chơi chúng tôi. Tuy nhiên, do bất đồng với cách tính số gậy trong một hố khi đánh golf, trong lúc cự cãi, do bức xúc, thiếu kiềm chế, nóng giận nhất thời nên tôi đã xử lý vấn đề chưa đúng.
Trong lúc cự cãi, do bức xúc, tôi đã đập cây gậy golf phát bóng sượt qua nón của chị L, hướng xuống dưới đất khiến cây gậy golf bị gãy làm đôi và bật lại, dẫn đến chị L bị thương nhẹ phần mềm ở vùng mặt.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, người thân của tôi và những người có mặt đã đưa chị N.A.L đi kiểm tra, thăm khám sức khỏe tại BV ĐK Đà Nẵng. Tôi cũng dặn người nhà tạo điều kiện tối đa để chị N.A.L chụp chiếu, kiểm tra sức khỏe trong điều kiện tốt nhất và lo toàn bộ viện phí cho chị L. Tới đêm cùng ngày, chị N.A.L đã xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Sau đó, tôi và người thân đã liên hệ để xin lỗi và hỗ trợ thiệt hại về tinh thần cho chị L. Đến hôm nay, sức khỏe của chị L là hoàn toàn bình thường, tâm lý tốt và đã quay trở lại làm việc từ ngày 13/12/2022.
Tôi thật sự hối tiếc vì hành động của mình đã gây ra cho chị N.A.L cũng như làm ảnh hưởng đến uy tín của HĐND tỉnh Quảng Nam. Tôi xin thành thật xin lỗi chị N.A.L, gia đình chị, HĐND tỉnh Quảng Nam. Chỉ một chút nóng giận, không kiềm chế được bản thân mà tôi đã có hành động đáng trách. Tôi thành thật xin lỗi...".
Trong báo cáo của mình, ông Dũng cũng cho biết, sẵn sàng làm việc, phối hợp, hợp tác với các cơ quan chức năng để làm sáng tỏ vụ việc nêu trên và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Liên quan đến việc này, CA phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) cho biết, đã vào cuộc xác minh. Lực lượng chức năng đang liên hệ với phía nữ nhân viên bị đánh để làm rõ vụ việc thêm.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong vụ việc này nếu nạn nhân có đơn trình báo tố giác tội phạm, CQĐT sẽ vào cuộc xác minh làm rõ. Trường hợp CQĐT vào cuộc, khi có kết quả giám định thương tích, nếu nạn nhân có thương tích, dù tỷ lệ thương tích vài phần trăm, CQĐT cũng có thể tiến hành khởi tố vụ án hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134 BLHS để tiến hành điều tra theo quy định. Tội “Cố ý gây thương tích” là tội danh khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại nếu thương tích ở mức độ ít nghiêm trọng, xử lý theo khoản 1, Điều 134.
Vị chuyên gia pháp lý cho biết, pháp luật quy định tội “Cố ý gây thương tích” là tội danh khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại nếu thương tích ở mức độ ít nghiêm trọng xử lý theo khoản 1, Điều 134 BLHS. Còn trường hợp thương tích nghiêm trọng đến mức xử lý theo khoản 2 Điều 134 BHLS thì sẽ không phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại. Khi đó, dù người bị hại không có yêu cầu hoặc có rút đơn yêu cầu thì CQĐT vẫn xử lý hình sự với người đã gây thương tích cho nạn nhân theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, về trách nhiệm dân sự, người thực hiện hành vi gây tổn hại đến sức khỏe của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi xâm phạm đến sức khỏe của người khác. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút của nạn nhân và một khoản tiền tổn thất về tinh thần khoảng 50 tháng lương cơ bản. Hai bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được thì có thể đề nghị cơ quan chức năng giải quyết.
“Bên cạnh đó, trong trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên hoặc người của cơ quan tổ chức mà thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm đạo đức công vụ thì ngoài việc phải bị xử lý theo quy định của pháp luật còn bị xem xét xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật về mặt chính quyền, kỷ luật nghề nghiệp”, luật sư Thái phân tích thêm.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại