Thứ bảy 23/11/2024 01:53

Bộ Y tế đề xuất sửa 5K thành V2K

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết Bộ Y tế đã lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 và trình Chính phủ về đề xuất V2K gồm vắc-xin-khẩu trang-khử khuẩn.
Bộ Y tế đề xuất sửa 5K thành V2K
Tiêm vắc-xin đúng lịch, đủ liều là rất quan trọng để đảm bảo phòng bệnh Covid-19 (ảnh T.A)

Trả lời tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết từ khi bùng phát dịch Covid-19, thông điệp 5K đã được sử dụng rất hiệu quả, góp phần rất lớn trong công tác phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, hiện nay Bộ Y tế đã tham mưu tạm dừng việc khai báo y tế, không bắt buộc hạn chế tập trung đông người và giữ khoảng cách. Như vậy, thực chất chỉ còn thực hiện khẩu trang-khử khuẩn. Việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đúng lịch, đủ liều là rất quan trọng để đảm bảo phòng bệnh. Vì thế, Bộ Y tế đã đề xuất V2K (vắc-xin-khẩu trang-khử khuẩn).

Bộ đã lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 và trình Chính phủ. Tuy nhiên trong dự thảo, Bộ Y tế cũng nêu rõ thông điệp 5K vẫn sẽ được sử dụng nếu xuất hiện biến chủng mới gây ảnh hưởng đến sức khoẻ Nhân dân.

Trước đó, PGS-TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cũng cho biết, trước hết, cần phải hiểu bản chất của 5K là những biện pháp dự phòng không đặc hiệu phòng chống Covid-19 cũng như các bệnh truyền nhiễm khác. Trước khi Covid-19 xuất hiện, chúng ta vẫn thường xuyên áp dụng các biện pháp có trong quy định 5K để phòng ngừa các bệnh bệnh truyền nhiễm khác đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tiêu hóa.

Ví dụ, chúng ta vẫn đeo khẩu trang để phòng chống các bệnh lây qua đường hô hấp. Rửa tay bằng xà phòng-chính là khử khuẩn, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) giảm hơn 40% nguy cơ bệnh truyền nhiễm do hô hấp và tiêu hóa. Trong thời gian áp dụng 5K dự phòng Covid-19, các bệnh truyền nhiễm khác như cúm, chân tay miệng, ngộ độc thức ăn… cũng đã giảm rõ rệt. Do đó, dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát, việc duy trì các biện pháp phòng bệnh trên, trừ việc bỏ khai báo y tế, là vẫn cần thiết và có giá trị.

TS. Trần Đắc Phu cho rằng, cần áp dụng một cách linh hoạt, phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh. Thay vì ép buộc, cần khuyến cáo người dân thực hiện, hình thành các thói quen tốt để không những phòng ngừa Covid-19 mà còn có rất nhiều bệnh truyền nhiễm khác đang lưu hành.

Thời gian gần đây, số ca mắc và tử vong trong nước liên tục giảm. Số ca mắc mới trong ngày duy trì quanh con số 1.000 ca, có những ngày xuống dưới 900. Đặc biệt, nhiều ngày nước ta không ghi nhận các ca tử vong. WHO vẫn nhấn mạnh đại dịch Covid-19 chưa kết thúc. Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn đang xuất hiện và lây lan.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 16g ngày 3/6 đến 16h ngày 4/6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 881 ca nhiễm mới (giảm 158 ca so với ngày trước đó) tại 36 tỉnh, thành phố (có 755 ca trong cộng đồng).

Trong ngày có 9.601 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.496.407 ca.

Hiện còn 41 bệnh nhân đang thở ô-xy. Trong 7 ngày qua Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do Covid-19.

Việt Nam vẫn đang đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho người dân. Trong ngày 3/6 có 226.430 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 221.884.464 liều, trong đó:

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 199.697.221 liều: Mũi 1 là 71.480.043 liều; Mũi 2 là 68.794.299 liều; Mũi 3 là 1.507.118 liều; Mũi bổ sung là 15.055.471 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 42.479.592 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 380.698 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.480.125 liều: Mũi 1 là 8.939.527 liều; Mũi 2 là 8.540.598 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 4.707.118 liều: Mũi 1 là 4.175.664 liều; Mũi 2 là 531.454 liều.

Một số địa phương đề nghị không nhận vắc-xin Covid-19
Thêm 7,2 triệu liều vắc-xin Covid-19 cho trẻ em được chia sẻ
T. An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động