Thứ hai 29/04/2024 05:52
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

Bổ sung quy định về chế tài đủ mạnh để khắc phục tình trạng xâm hại môi trường

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Điều 28 về quy định bảo vệ môi trường, đại biểu cho rằng, cần bổ sung quy định cho phép HĐND TP Hà Nội có thể ra quy định, chế tài đủ mạnh để khắc phục tình trạng xâm hại môi trường…
Bổ sung quy định về chế tài đủ mạnh để khắc phục tình trạng xâm hại môi trường
Đại biểu Trần Văn Khải, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam. Ảnh: quochoi

Cho ý kiến góp ý về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu quan tâm đến quy định bảo vệ môi trường của dự thảo.

Theo đó, tại Điều 28 dự luật quy định quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử của Thủ đô; bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch.

Trên địa bàn thành phố, nghiêm cấm lấn, chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, ao, đầm, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh trái phép; xả chất thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép ra môi trường.

Việc san, lấp, cải tạo, phục hồi sông, hồ, ao, suối, đầm bị suy thoái, ô nhiễm môi trường phải phù hợp với quy hoạch đô thị, các quy định về kiến trúc, cảnh quan, môi trường của Thủ đô…

Di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường kéo dài, sử dụng quá tải hoặc thâm dụng lao động; cơ sở y tế có nguy cơ truyền nhiễm, lây nhiễm cao ra khỏi đô thị trung tâm.

Thẩm quyền quyết định việc di dời: a. Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở y tế có nguy cơ truyền nhiễm, lây nhiễm cao thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức Trung ương; b. HĐND TP Hà Nội quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở không thuộc quy định tại điểm a khoản này.

Đại biểu Trần Văn Khải, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cho rằng, một vấn nổi cộm trong chính sách đặc thù hiện nay là chưa có chế tài đủ mạnh, xử phạt nghiêm khắc hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường và những vi phạm từ đạo luật khác tác động đến môi trường như quy hoạch, giao thông, chất thải… phát triển khu dân cư, cơ sở sản xuất... gây ô nhiêm môi trường sống hay vấn đề vệ sinh môi trường kém, ý thức tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, môi sinh còn thấp, nhiều nơi tình trạng ô nhiêm nặng, nhếch nhác.

“Vì vậy, tôi đề nghị cần bổ sung quy định cho phép HĐND TP Hà Nội có thể ra quy định về chế tài đủ mạnh để khắc phục tình trang xâm hại môi trường mọi nơi, mọi lúc, kéo dài và thiếu ý thức xem nhẹ vấn đề môi trường nhất là ở Thủ đô”. – ông cho biết.

Bởi theo ông, nếu không có chế tài nghiêm khắc, kịp thời thì khó thực hiện được những việc khó như dịch chuyển cơ sơ sản xuất lớn, nhỏ gây ô nhiễm môi trường ra ngoại vi trung tâm thành phố.

Bổ sung quy định về chế tài đủ mạnh để khắc phục tình trạng xâm hại môi trường
Đại biểu Đinh Ngọc Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau. Ảnh: quochoi

Cùng quan điểm, đại biểu Đinh Ngọc Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng, vấn đề của Thủ đô hiện nay là ô nhiễm môi trường, không khí, ùn tắc giao thông đang gây khó khăn cho người dân Thủ đô và người dân cả nước đến học tập công tác.

“Việc sửa đổi Luật Thủ đô có giải quyết được vấn đề này không” – đại biểu nêu vấn đề.

Theo đại biểu Đinh Ngọc Minh, Nghị quyết của Bộ Chính trị xác định tới năm 2030 có tỷ lệ đất dành cho giao thông từ 16 - 25%, diện tích cho cây xanh đạt khoảng 10m2/người. Vậy tỷ lệ này ở Hà Nội hiện là bao nhiêu, tỷ lệ này hướng đặt ra như thế nào khi áp dụng Luật Thủ đô (sửa đổi)? Do đó dự thảo Luật cần bổ sung thêm cơ chế xử lý các vấn đề này, nhất là với các quận nội thành.

“Một trong những nội dung quan trọng khi sửa đổi luật là để Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước. Hà Nội hiện là nơi tập trung của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan đầu não, những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành của cả nước. Vấn đề là đề tài thì nhiều nhưng áp dụng thì ít, hồ sơ thanh toán dày hơn hồ sơ nghiên cứu. Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia trên địa bàn Thủ đô đang thiếu cơ chế linh hoạt để hoạt động đổi mới sáng tạo như chế độ sử dụng tài sản công khi được trao, tặng, thí điểm công nghệ mới, cơ chế mua sắm thiết bị đặc thù. Do đó, phải có cơ chế chính sách để Hà Nội bứt phá nghiên cứu đổi mới. Mô hình đổi mới sáng tạo quốc gia là mô hình có thể nhân rộng trong tương lai” - ông Minh kiến nghị.

Ứng dụng chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn Ứng dụng chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn
Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động