Bệnh viện tuyến huyện cấp cứu kịp thời bệnh nhi mắc bệnh bẩm sinh hiếm gặp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChị H chăm sóc con trai tại BV Thạch Thất, Hà Nội. |
Trao đổi với PV, bác sĩ Nguyễn Đức Thảo, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất, Hà Nội cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu và phẫu thuật thành công bệnh nhi V.H.M (9 tuổi, ở Sơn Tây) bị tắc ruột do dây chằng LaDD rất hiếm gặp.
Cụ thể, bệnh nhi V.H.M nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng từng cơn, kèm theo nôn ra dịch vàng. Trước đó, bệnh nhi đã được đưa đi khám ở một số bệnh viện nhưng không tìm ra nguyên nhân.
Tại bệnh viện, các bác sĩ đã tiến hành thăm khám lâm sàng, chụp X-quang , siêu âm và làm các xét nghiệm cần thiết. Ngay trong đêm, bác sĩ Thảo đã hội chẩn cùng BSCK II Vương Trung Kiên – Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thạch Thất và quyết định mổ cấp cứu cho bệnh nhi. Tại phòng mổ gây mê, bác sĩ Kiên cùng ê kíp đã thực hiện ca phẫu thuật trong vòng 3 giờ đồng hồ.
Bác sĩ Vương Trung Kiên cho biết, khi vào ổ bụng các bác sĩ phát hiện tình trạng tắc ruột do dây chằng LaDD trên dị tật ruột quay bất toàn, đây là một trường hợp rất hiếm gặp (tỷ lệ ước tính < 1/6000 và 85% biểu hiện trước 1 năm tuổi). Do bệnh nhi vào viện trong tình trạng cấp cứu nên rất khó trong việc chẩn đoán nguyên nhân trước mổ.
Trường hợp này nếu không quyết đoán mổ cấp cứu, để muộn thêm sẽ gây hoại tử ruột mức độ rộng , việc phẫu thuật sẽ khó khăn hơn nhiều và nguy hiểm đến tính mạng.
Cùng thực hiện ca phẫu thuật, bác sĩ Nguyễn Đức Thảo cho biết, khi phát hiện bệnh nhân bị tắc ruột do dây chằng LaDD việc đầu tiên là phải tháo xoắn trung tràng (midgut volvolus) cho bệnh nhân.
Tiếp theo đó là cắt bỏ dây chằng trước tá tràng (dây chằng LaDD). Thứ ba là đưa ruột non và đại tràng về vị trí thích hợp và cố định vào thành bụng, đồng thời cắt ruột thừa dự phòng vì lúc này ruột thừa nằm sai vị trí thông thường.
“Điều may mắn cho bệnh nhi là đã đến và được mổ kịp thời, ruột chưa hoại tử lớn nên hạn chế được rất nhiều tai biến kèm theo”, bác sĩ Thảo thông tin.
Chị H cho rằng, gia đình rất may mắn khi bác sĩ phát hiện kịp thời, cứu cháu bé. |
Cùng chia sẻ về tình trạng của cháu, chị Nguyễn Thị H (mẹ bệnh nhi) cho biết, cách đây 2 tuần cháu có kêu đau bụng, gia đình lo lắng nên đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực gần nhà để thăm khám và điều trị tại đây 3 ngày với chẩn đoán rối loạn tiêu hóa.
Khi về nhà cháu uống thuốc bệnh viện kê nhưng vẫn kêu đau bụng âm ỉ. Cuối tuần trước, cháu đau bụng dữ dội, đi lại hay cúi gập bụng càng đau hơn. Gia đình lo lắng nên đưa cháu ra một bệnh viện chuyên khoa tuyến Trung ương khám.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị rối loạn tiêu hóa nên đã kê thuốc cho về điều trị tại nhà vì đang dịch bệnh. Tại nhà, cháu uống thuốc lúc đầu thấy có đỡ, rồi ngủ thiếp đi.
Sau đó một ngày, cơn đau bụng xuất hiện, gia đình lo lắng nên đã đưa thẳng tới Bệnh viện Thạch Thất. Các bác sĩ sau khi hội chẩn đã quyết định mổ cấp cứu trong đêm cho con chị
Chị H. cho rằng, hiện con đã tỉnh, không còn đau là điều rất may mắn với gia đình. Nếu chậm trễ trong việc đưa con đi cấp cứu, ruột bị hoại tử thì mọi chuyện sẽ rất khó khăn, thậm chí nguy kịch đến tính mạng.
Được biết, ca phẫu thuật này là trường hợp trẻ lớn bị tắc ruột do dây chằng LaDD hiếm gặp được thực hiện phẫu thuật thành công ở một bệnh viện tuyến huyện . Sau ca phẫu thuật 72h bệnh nhân đã phục hồi lưu thông ruột , có thể dậy đi lại được, dự kiến sau 7 ngày bệnh nhân sẽ được ra viện.
Từ trường hợp bệnh nhi trên, bác sĩ Thảo khuyến cáo, nếu trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, phụ huynh nên đưa đến các cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện để theo dõi chặt chẽ, chẩn đoán và điều trị sớm nhất.
Bỗng dưng gầy tọp, tưởng giảm cân thành công hóa ra mắc bệnh… mãn tính Đang có cân nặng 67kg, anh Hải, 36 tuổi ở Hà Nội giảm nhanh chóng xuống còn gần 60kg chỉ trong vòng chưa đầy 2 ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại