Bệnh nhân cũ lừa bán nhà trên giấy cho vợ của bác sỹ điều trị
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVới hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tháng 5-2016, Tùng bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt bản án tù chung thân. Tuy nhiên, thời điểm đó Tùng đang nuôi con nhỏ nên được tạm hoãn thi hành án. Đến tháng 6-2017, TAND TP Hà Nội đã có Quyết định thi hành án (số 62/2017/QĐ-CA) đối với Trần Thị Tùng.
Song, lợi dụng việc được hoãn thi hành án, Tùng đã bỏ trốn biệt tích. Cuối năm 2017, TAND TP Hà Nội đã yêu cầu truy nã Tùng. Ngày 30-3-2018, cơ quan thi hành án hình sự đã ra quyết định truy nã đặc biệt đối với Trần Thị Tùng. Ngay sau đó, Ban giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm lập kế hoạch tổ chức lực lượng, quyết tâm bắt đối tượng trong thời gian sớm nhất.
Được biết, Tùng là đối tượng rất ranh mãnh, quá trình thực hiện hành vi lừa đảo, cô ả thường thuê những căn hộ ở các khu đô thị cao cấp tại Hà Nội để ở và liên tục thay đổi địa điểm. Cô ta cũng sở hữu một chiếc xế hộp dòng Mercedes trị giá nhiều tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong thời gian trốn thi hành án, Tùng chỉ đi xe máy cà tàng, sống chui lủi ở những căn phòng trọ tồi tàn và liên tục di chuyển qua lại nhiều tỉnh, thành khác nhau. Cứ mỗi lần ra khỏi nhà là cô ả bịt khẩu trang, áo chống nắng, mũ bảo hiểm trùm kín mít. Không ít lần trinh sát tìm được nơi ở của Tùng nhưng khi tiếp cận thì phát hiện ả đã rời đi.
Đối tượng Trần Thị Tùng tại CQĐT. |
Đến tá túc ở đâu Tùng cũng sử dụng tên giả, dù đang trốn nã vẫn “chém gió” mình là cán bộ ngân hàng để lừa đảo. Tùng luôn tỏ ra rất tốt bụng với những người xung quanh để được mọi người quý mến, không nghi ngờ về thân thế của ả. Vì thế, các trinh sát liên tiếp có mặt ở các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, TP HCM… truy lùng đối tượng nhưng vẫn “bặt vô âm tín”.
Đến cuối tháng 4-2018, sau hàng tháng trời kiên trì truy tìm tung tích đối tượng, trinh sát Đội 2 – Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm CATP Hà Nội có được thông tin Tùng đang lẩn trốn tại một phòng trọ nằm sâu trong con ngõ nhỏ của quận Cầu Giấy. Chiều 24-4, khi Tùng vừa về đến nhà trọ, các trinh sát đã ập vào bắt giữ đối tượng.
Nói về bị hại của Tùng, người bị cô ả này lừa hàng chục tỷ đồng là bà Trương Thị N, trú tại Keangnam, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Trước đây, vợ chồng bà N có thời gian sinh sống và làm việc tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa cũng là quê của Tùng. Chồng bà N là bác sỹ, từng tận tình điều trị bệnh cho Tùng khi cô ta bị chứng đau chân kinh niên. Sau này, gia đình bà N chuyển về Hà Nội sinh sống nhưng vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết với bố mẹ Tùng ở Thanh Hóa.
Năm 2000, Tùng ra Hà Nội theo học hệ tại chức một trường ĐH chuyên ngành thương mại. Ra trường, Tùng về quê xin việc nhưng không được, năm 2006 Tùng cùng chồng con dắt díu ra Hà Nội tìm việc làm. Cả hai vợ chồng không có công việc ổn định, cuộc sống chật vật, phải ở nhà thuê.
Năm 2010, vợ chồng Tùng xin nhập khẩu nhờ vào một hộ trên địa bàn quận Đống Đa nhưng không ở tại địa chỉ này. Mục đích của Tùng là nhập khẩu để tách khẩu riêng rồi dùng cuốn sổ hộ khẩu đó để lừa đảo. Cô ta tự tay viết nghề nghiệp là cán bộ ngân hàng vào phần trống trong sổ hộ khẩu.
Với mác cán bộ ngân hàng, Tùng nói với bà N rằng mình làm ở bộ phận thẩm định dự án, có khả năng mua được các bất động sản với giá gốc của các doanh nghiệp và tài sản do ngân hàng phát mại. Thời gian đó, bà N có cậu con trai đang ở nước ngoài có nhu cầu mua nhà đất ở Việt Nam nên nhờ Tùng mua hộ.
Cuối năm 2010, Tùng đưa bà N đi xem mảnh đất 200m2 ở khu Bắc An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội và nói vì có quan hệ với chủ dự án nên sẽ được mua giá gốc là 35 triệu đồng/m2. Trong khi đó giá giao dịch trên thị trường cao hơn nhiều lần vì đất Bắc An Khánh thời điểm đó đang lên cơn “sốt”. Nếu đồng ý mua thì sau 3 tháng sẽ làm xong thủ tục ký hợp đồng giao đất.
Thấy vậy, bà N chấp nhận và đưa cho Tùng 2,2 tỷ đồng để nộp trước làm thủ tục với chủ dự án. Song, sau 3 tháng không thấy được ký hợp đồng, bà N hỏi thì Tùng trả lời phải chờ một thời gian vì chủ dự án đang vướng mắc về thủ tục. Là chỗ thân quen, bà N coi Tùng như người nhà nên rất tin tưởng, không một chút nghi ngờ.
Giữa năm 2011, Tùng lại “nổ” thông tin, ngân hàng đang nhận thế chấp tài sản là bất động sản của các cá nhân và tổ chức để cho vay, hiện đã quá hạn nên ngân hàng đang làm thủ tục phát mại. Tùng lại làm ở đúng bộ phận thẩm định nên có khả năng giúp bà N mua được bất động sản giá hời, rồi dụ bà N đi xem một ngôi nhà trong số đó tại xóm Chùa, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Sau khi xem nhà, bà N rất ưng ý vì ngôi nhà có vị trí đắc địa, nằm ở khu vực ven hồ Tây và cũng là khu vực đang “sốt”, nhiều người tìm mua. Tùng nói giá ngân hàng đưa ra là 14,5 tỷ đồng, nếu không đủ tiền trả thẳng một lần có thể trả dần thành nhiều đợt. Đến khi đóng đủ tiền, ngân hàng sẽ làm thủ tục sang tên.
Từ tháng 3-2012 đến tháng 2-2013, bà N đã đưa cho Tùng 12,85 tỷ đồng để mua các dự án bất động sản nhưng khi hỏi việc sang tên nhà đất, Tùng lấy lý do ngân hàng đang làm mất phôi sổ đỏ và thuyết phục bà N chờ đợi ngân hàng làm thủ tục.
Cùng thời gian này, tháng 7-2012, biết bà N vào TP HCM có việc, Tùng lại tỉ tê ngân hàng tiếp tục phát mại bất động sản là nhà và đất diện tích 200m2 của Tổng Cty Dệt may tại 12A phố Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM, nếu bà N muốn mua thì cô ta sẽ bay vào cùng và đưa đi xem.
Một công đôi việc nên bà N đồng ý, quá trình dẫn bà N đi xem đất, với chiêu thức cũ, rằng đây là suất ưu tiên nên mảnh đất trên chỉ có giá 26 tỷ đồng. Thấy giá mảnh đất quá hấp dẫn nên bà N đồng ý mua và đưa trước cho Tùng 6,4 tỷ đồng.
Tổng số tiền mà bà N đã giao cho Tùng là 21 tỷ 45 triệu đồng nhưng đợi mãi không thấy Tùng đả động đến việc mua bán, sang tên nhà đất mà bà đã mua. Bà N yêu cầu Tùng trả lại tiền thì cô ta lấy nhiều lý do để khất lần không trả. Sau tất cả bà N mới ngã ngũ khi biết mình bị lừa và làm đơn tố cáo gửi đến CQĐT.
Vào cuộc xác minh, CQĐT đã làm sáng tỏ, Tùng không phải là nhân viên ngân hàng. Các bất động sản mà Tùng đưa bà N đi xem không phải là tài sản thế chấp của khách hàng tại ngân hàng, chủ sở hữu cũng không hề rao bán. Chữ viết trong sổ hộ khẩu mục nghề nghiệp, nơi làm việc của Trần Thị Tùng “Cán bộ ngân hàng ở Hà Nội” không phải là thật.
Tại CQCA, Tùng khai nhận trong quá trình làm “cò” bất động sản, cô ta quen một số đối tượng cùng làm “cò” và được giới thiệu các địa chỉ nhà đất trên. Tùng thừa nhận việc giả danh là cán bộ ngân hàng để lừa bà N nhưng khai thực tế chỉ nhận của bà N 16,4 tỷ đồng.
Ngoài việc lừa mua bán đất đai, tài sản phát mãi của ngân hàng, Tùng còn lừa đảo chạy việc cho một số người dân. Thị đã lừa trót lọt, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của bị hại.
Hiện Tùng đã được bàn giao cho cơ quan thi hành án hình sự để làm thủ tục đưa thị nhập trại.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại