Thứ năm 25/04/2024 16:29
Từ vụ giúp việc nghi bạo hành bé gái 1 tháng tuổi:

Bao giờ giúp việc mới thực sự trở thành một nghề chuyên nghiệp?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Câu chuyện nữ giúp việc với mức lương khủng được chủ nhà thuê từ trung tâm có hành vi nghi bạo hành bé gái 1 tháng tuổi tại chung cư HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) khiến một lần nữa dư luận đặt câu hỏi, đến bao giờ giúp việc thực sự trở thành một nghề chuyên nghiệp có giá trị hơn bao giờ hết?
Bao giờ giúp việc mới thực sự trở thành một nghề chuyên nghiệp?
Bao giờ giúp việc mới thực sự trở thành một nghề chuyên nghiệp?

Mới đây, lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, cơ quan Công an đang tạm giữ hành chính nữ giúp việc nghi bạo hành bé gái 1 tháng tuổi ở chung cư HH2C Linh Đàm gây xôn xao dư luận.

Cũng theo vị này, nữ giúp việc 21 tuổi nghi bạo hành cháu bé được gia đình bỏ ra số tiền 60 triệu đồng để nhờ trông trong 1 tháng.

Bên cạnh đó, người nhà cháu bé cho biết, hiện sức khoẻ cháu bé tạm thời ổn định và đã được đưa về nhà theo dõi, chăm sóc. Trước thông tin gia đình bỏ ra số tiền thuê trông cháu bé lên đến 60 triệu/tháng, người nhà cũng xác nhận việc này.

Theo đó, người nhà cháu bé lý giải, người giúp việc này được gia đình thuê qua một trung tâm chuyên nghiệp. Sở dĩ có giá “khủng” như vậy cũng theo người nhà bé, đây là điều dưỡng của trung tâm, hàng ngày sẽ chăm sóc, massage… cho cháu.

Liên quan đến vụ việc trên, theo lãnh đạo Công an quận Hoàng Mai, bảo mẫu Ch. cũng có con nhỏ hơn 1 tuổi. Sau khi sinh, Ch. có biểu hiện trầm cảm. Người này để con ở nhà và đi trông con trai cho anh N.V.B (ở chung cư HH2C Linh Đàm).

Việc những gia đình trẻ do thiếu người chăm sóc vợ, con mới sinh nên thuê giúp việc hiện không hiếm. Công việc này được đánh giá là một việc có mức thu nhập tương đối cao so với mặt bằng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà gia đình nào cũng may mắn thuê được một giúp việc có tâm.

Cụ thể như gia đình ở câu chuyện nói trên, bỏ một số tiền lớn, bỏ cả niềm tin vào một trung tâm được gọi là “chuyên nghiệp”, tuy nhiên cái nhận được lại là “trái đắng”. Và cả khi sự việc xảy ra, vai trò, trách nhiệm của trung tâm “chuyên nghiệp” này cũng không hề thấy đề cập đến.

Bao giờ giúp việc mới thực sự trở thành một nghề chuyên nghiệp?
Hình ảnh được cắt từ clip thể hiện giúp việc được thuê từ một trung tâm "chuyên nghiệp" có hành động đáng lên án với cháu bé mình phải chăm sóc.

Vậy “chuyên nghiệp” ở đây là gì? Liệu trong các trung tâm “chuyên nghiệp” này, người giúp việc có được đào tạo, được kiểm tra sức khỏe thể chất cũng như tinh thần trước khi nhận việc hay không? Điều này hoàn toàn bị bỏ ngỏ hoặc không được các trung tâm cũng như người sử dụng lao động lưu ý.

Việc đòi hỏi người giúp việc phải thực sự là một người, một nghề chuyên nghiệp là điều cần thiết. Bởi trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, đã quy định rất rõ về nghề cũng như người làm công việc này.

Theo đó, Bộ luật Lao động năm 1994 đã chính thức thừa nhận lao động giúp việc gia đình (ghi nhận tại Điều 2, Điều 28, Điều 139). Đến năm 1998, giúp việc gia đình chính thức được thừa nhận là một nghề với mã số 9131, được xếp vào nhóm lao động giản đơn, sau đó, vào năm 2007, giúp việc gia đình được công nhận trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Việc thừa nhận lao động giúp việc gia đình là một nghề trong các văn bản này, đã tạo nền tảng quan trọng để Bộ luật Lao động năm 2012 quy định cụ thể về lao động giúp việc gia đình từ Điều 179 đến Điều 183.

Tại Điều 161 Bộ luật Lao động năm 2019, định nghĩa về lao động giúp việc gia đình được quy định như sau: “Lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại”.

Đồng thời, trong các nghị định hướng dẫn, có đề nghị đưa nghề giúp việc gia đình vào danh mục nghề nghiệp quốc gia, người giúp việc gia đình được ký hợp đồng lao động như người làm các nghề nghiệp khác, có quyền được chăm sóc y tế, được đào tạo, cung cấp kỹ năng sống...

Như thế, đồng nghĩa với người giúp việc nếu vi phạm những quy định của pháp luật sẽ bị xử lý, đơn cử như việc làm với cháu bé 1 tháng tuổi ở HH Linh Đàm. Đó không chỉ đơn giản đó là hành vi trút giận, mà là hành vi vi phạm luật pháp. Trong vấn đề này, người giúp việc cần phải hiểu rõ hơn ai cả, để điều chỉnh cũng như ý thức được mình sẽ đối diện với mức xử lý thế nào trước khi xuống tay.

Và hành lang pháp lý đã có, nhưng có làm được hay không không chỉ phụ thuộc ngưới giúp việc hay người sử dụng lao động.

Rất khó để tìm kiếm ra một trung tâm nào tổ chức lớp để đào tạo giúp việc một cách bài bản, hay cung cấp, phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật cho người lao động. Thực tế hiện nay, vai trò của các trung tâm chỉ giữ vai trò môi giới, cung cấp “dịch vụ” cho người có nhu cầu để thu tiền, chứ không hề có trách nhiệm trước, trong và sau với người lao động, người sử dụng lao động.

Trong khi đó, đa phần người giúp việc ở quê ra, trình độ văn hóa cũng như nhận thức có hạn, nhiều người còn không ý thức được để khi nhận việc, họ phải có trách nhiệm ra sao, bị ràng buộc cũng như phải tuân thủ theo những quy định pháp lý thế nào. Tư duy đơn giản, nhận thức dễ dãi và sự thiếu hiểu biết cũng như không tôn trọng chính công việc của mình khiến nhiều các chuyện đáng tiếc xảy ra.

Vậy nên, nếu vẫn còn dễ dãi với công việc này, thì sẽ e rằng, sẽ còn nhiều những câu chuyện giúp việc nhận lương “khủng” nhưng vẫn cứ… thích làm gì thì làm, bất chấp lương tâm cũng như luật pháp!

Vén màn cuộc trốn chạy của nữ giúp việc 9X sau khi vào phòng ngủ của bà chủ Vén màn cuộc trốn chạy của nữ giúp việc 9X sau khi vào phòng ngủ của bà chủ
Lý do nữ giúp việc tiệm vàng ngất xỉu khi công an đến nhà Lý do nữ giúp việc tiệm vàng ngất xỉu khi công an đến nhà
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động