Thứ năm 02/05/2024 12:47
Hà Nội đi tìm lời giải bài toán giảm rác thải nhựa:

Bài cuối: những khó khăn khiến bài toán phân loại rác chưa có đáp án đúng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trên thực tế, chúng ta đều hiểu rằng phân loại rác thải tại nguồn là việc làm mang lại nhiều lợi ích cả trước mắt và lâu dài cho môi trường, xã hội, kinh tế... Thế nhưng, đó không phải là một việc dễ dàng và không thể “nói làm là làm được ngay”.
Bài cuối: những khó khăn khiến bài toán phân loại rác chưa có đáp án đúng

Nhiều điểm thu gom rác tái chế được triển khai trên nhiều địa bàn của TP Hà Nội. Ảnh: URENCO

Những khó khăn trong việc triển khai thói quen phân loại rác

Với kinh nghiệm của mình, bà Hoàng Thị Bích Hạnh - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) đã chỉ ra những khó khăn trong việc triển khai thói quen phân loại rác thải đầu nguồn cũng như những khó khăn đối với các đơn vị thu gom rác thải trên địa bàn Hà Nội như URENCO. Theo đó, những khó khăn lớn nhất là:

Ý thức của người dân trong vấn đề phân loại rác tại nguồn chưa cao. Việc này gây khó khăn cho nhân viên môi trường khi thu gom rác thải nhựa, gây tốn kém thêm thời gian cho việc phân loại rác trước khi xử lý.

Chính việc chưa phân loại khiến rác thải nhựa bị lẫn, bị bẩn, gây tốn kém cho quá trình xử lý. Nhiều loại không xử lý được nên phải chọn giải pháp chôn hoặc đốt gây nên những tác động xấu đến môi trường.

URENCO đã thu gom rác bằng xe cơ giới nhưng có nhiều ngõ nhỏ, công nhân của công ty phải đẩy xe rác đi thu gom. Vừa bất tiện, vừa mất thời gian, công nhân thêm vất vả trong quá trình thu gom rác.

Điểm tập kết rác còn nhiều khó khăn khi mà TP đang trong quá trình đô thị hóa thì những điểm tập kết này đều bị người dân phản đối. Hơn nữa, khi công nhân tập kết rác thải, nước rác thải chảy ra rất nhiều, gây ô nhiễm môi trường, gây mùi khó chịu trong TP.

“Chính vì thế, khi chúng tôi xin UBND phường các điểm tập kết rác, rất khó có điểm cẩu để đảm bảo quy trình nhanh gọn. Nhiều hộ dân kinh doanh, họ ko muốn trước cửa nhà mình có các điểm tập kết rác” - bà Hạnh chia sẻ trong Diễn đàn công nhân lao động vì môi trường.

Một khó khăn nữa mà bà Hạnh nêu ra đó là thói quen đổ rác của người dân trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, hiện URENCO đang thực hiện chương trình phân loại rác và thu gom rác, phấn đấu thời gian thu gom rác sẽ chuyển đến khung giờ 18h-20h mỗi ngày để người dân hình thành thói quen đổ rác đúng giờ, nhưng hiện nay lượng rác người dân vẫn đổ ra ban ngày rất nhiều. Dù có nhiều vị trí được Công ty bố trí thùng rác để người dân đổ vào nhưng cũng có những vị trí Công ty không thể đặt được. Và người dân cứ vô tư để rác khiến Công ty gặp nhều khó khăn trong việc thu gom rác và tuyên truyền với người dân trong việc phân loại rác.

Riêng với rác thải nhựa, theo thống kê hiện rác thải nhựa phát sinh tại Việt Nam hiện là 3,7 triệu tấn, đây là con số của năm 2018 và hiện có 42% rác thải nhựa chưa được quản lý đúng quy định. Khó khăn là rác thải nhựa cồng kềnh, khó vận chuyển và lưu kho. Không chỉ vậy, chi phí rác thải nhựa cao hơn chi phí sản xuất nhựa nguyên sinh, cùng với đó, các loại nhựa chất lượng thấp như bao bì nilon không được thu gom, khó khăn trong công tác làm sạch phân loại tái chế.

“Tất cả những khó khăn đó khiến suốt thời gian qua, chúng ta vẫn chưa có được một giải pháp đồng bộ, hiệu quả cho mục tiêu phân loại rác đầu nguồn, xử lý rác và sử dụng các sản phẩm tái chế” - bà Hạnh nêu ý kiến.

Tuyên truyền và chế tài có thể là giải pháp hiệu quả

Với những trăn trở và kinh nghiệm của mình, vị đại diện của URENCO đã chia sẻ các giải pháp mà Công ty đang áp dụng để giúp thay đổi thói quen của người dân trong vấn đề phân loại rác thải đầu nguồn, rác thải nhựa.

Đại diện URENCO khẳng định rằng, việc phân loại rác thải tại nguồn là việc làm mang lại nhiều lợi ích cả trước mắt và lâu dài cho môi trường, xã hội, kinh tế... Hiệu quả ngay trước mắt đó là giúp giảm độc hại do các loại vật liệu khó phân hủy tồn dư trong môi trường đất, giảm ô nhiễm về mùi hôi, nước rỉ rác, đặc biệt sẽ tiết kiệm diện tích đất dùng để chôn lấp rác.

Khi rác được phân loại sẽ giúp cho công nhân thu gom đỡ vất vả, không những vậy, thời gian xử lý cũng nhanh hơn và nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy xử lý rác cũng không phải tốn chi phí xử lý.

Chia sẻ về các giải pháp mà URENCO đang áp dụng được xem là hiệu quả, bà Hạnh cho biết không gì khác ngoài công tác tuyên truyền; có chính sách về kinh tế để người dân tham gia tái chế nhựa một cách bền vững; hỗ trợ cho các doanh nghiệp tái chế.

Hiện tại, Ban lãnh đạo URENCO luôn nâng cao kiến thức về phân loại rác cho công nhân thu gom rác của công ty. Đồng thời, các công nhân cũng chính là các tuyên truyền viên trong việc tiếp cận và chia sẻ kinh nghiệm phân loại rác cho người dân. Khuyến khích người dân hạn chế thói quen sử dụng các sản phẩm từ nhựa, tái dử dụng các sản phẩm từ nhựa…

Bà Hạnh cho biết: “Từ tháng 8/2020, Công ty đã thực hiện thí điểm thu gom phân loại rác tái chế tại 5 quận là: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Nam Từ Liêm. Mỗi thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần chúng tôi có thực hiện chương trình “Đổi rác lấy quà”, chúng tôi liên kết với các tập đoàn, dùng các sản phẩm tái chế để đổi rác thải nhựa”.

“Chúng tôi cũng đang thực hiện thí điểm ở các trường học, thông qua đó giáo dục cho các con ý thức phân loại rác, giúp các con hình thành nên ý thức và thói quen bảo vệ môi trường ngay từ trên ghế nhà trường. Trong tương lai gần, Công ty sẽ triển khai ra các quận nội thành khác” - bà Hạnh chia sẻ.

Phó Chủ tịch Công đoàn URENCO cũng hy vọng Nhà nước có những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tái chế để giúp cho việc xử lý rác thải nhựa đạt hiệu quả cao. Đồng thời sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp sẽ sớm tham gia vào lĩnh vực này trong tương lai.

Ngoài các giải pháp tuyên truyền, bà Hạnh cũng mong các cơ quan quản lý có những chế tài để xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm về hành vi phân loại ra và xử lý rác. “Giống như nồng độ cồn, chúng ta cần có các chế tài nghiêm, đánh mạnh vào kinh tế mới đủ sức răn đe. Từ đó mới có thể thay đổi được thói quen phân loại rác của người dân, có như vậy thì các giải pháp của chúng ta đưa ra mới có hiệu quả” - bà Hạnh nêu ý kiến.

Như vậy, có thể thấy việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa là điều cần thiết. Tái sử dụng các loại chai lọ, sử dụng các dụng cụ ăn uống (bát, đũa, thìa, muỗng) bằng gỗ, sứ… hạn chế sử dụng túi nilon nếu không cần thiết, sử dụng bình thủy tinh đựng nước thay chai nhựa, bỏ rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi, chủ động phân loại rác thải, hạn chế tối đa việc sử dụng đồ nhựa một lần.

Bài 1: nhiều năm loay hoay trong việc thu gom, xử lý rác thải nhựa
Khẩn trương khắc phục hậu quả, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn hầm lò tại Quảng Ninh Khẩn trương khắc phục hậu quả, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn hầm lò tại Quảng Ninh
Thái Phương - Hải Yến
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động