Bài 1: nhiều năm loay hoay trong việc thu gom, xử lý rác thải nhựa
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Xử lý rác thải nhựa vẫn là bài toán khó tại các thành phố lớn. Ảnh: URENCO |
Năm 2006, Hà Nội bắt đầu triển khai việc phân loại rác thải tại nguồn (mô hình 3R), đây là chương trình do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Dự án thí điểm tại 4 phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm), Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng), Thành Công (quận Ba Đình), Láng Hạ (quận Đống Đa), người dân tại các phường này được hướng dẫn phân loại rác thành: rác hữu cơ (rau, củ...), rác vô cơ (xương, thủy tinh...), rác tái chế (giấy, túi nilon, kim loại…).
Năm 2007, tiếp tục thí điểm tại 4 quận: Ba Ðình, Hoàn Kiếm, Ðống Ða, Hai Bà Trưng, đồng thời triển khai các hoạt động tuyên truyền về giữ gìn môi trường TP. Năm 2008, 2009 nhân rộng chương trình ra nhiều quận của TP.
Thời điểm đó, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) là đơn vị phối hợp để thực hiện chương trình. Các xe thu gom rác của công ty sẽ mang rác vô cơ đến bãi rác Nam Sơn; rác hữu cơ đưa đến Nhà máy Chế biến phân hữu cơ Cầu Diễn để sản xuất phân bón; rác tái chế dành cho người thu gom phế liệu.
Tuy nhiên, khi rác hữu cơ được đưa đi sản xuất phân bón, công nhân phải phân loại thêm, sau đó vận chuyển lên bãi rác Nam Sơn, tốn kém chi phí. Giá thành phân hữu cơ bán ra lại không bù đắp được chi phí đầu vào nên càng làm càng lỗ. Vì thế, đến nay Nhà máy Chế biến phân hữu cơ Cầu Diễn vẫn đang tạm dừng hoạt động vô thời hạn, trang thiết bị máy móc có thể trở thành một đống sắt vụn.
Triển khai thí điểm năm 2006 và dừng lại vào năm 2009, dự án không được đánh giá cao do những giải pháp không đồng bộ. Dự án dừng lại đến nay đã được 15 năm và chưa có dấu hiệu khởi động lại.
Những tác động của rác thải nói riêng và rác thải nhựa luôn là thách thức đối với bất cứ quốc gia nào. Đến năm 2015, nhiều giải pháp cấp bách nhằm bảo vệ môi trường đã được triển khai. Cụ thể, tại Điều 4, Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ quy định các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện việc phân loại chất thải tại nguồn để xử lý, tái sử dụng. Nghị định quy định nếu không phân loại rác và chuyển giao theo nhóm chất thải, đơn vị thu gom sẽ nhắc nhở. Nếu tái phạm nhiều lần, người dân có thể bị phạt đến 20 triệu đồng, theo quy định tại Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Tại diễn đàn công nhân lao động vì môi trường diễn ra vào ngày 29/3 vừa qua, bà Hoàng Thị Bích Hạnh - Phó Chủ tịch Công đoàn URENCO cho biết, hiện TP Hà Nội có dân số hơn 8 triệu người. Với lượng rác thải trung bình từ 7.000 – 7.500 tấn rác thải/ngày, tương đương 0,75-0,95kg/ người. Trong rác thải ra hiện nay theo URENCO phân tích thì có 52% chất hữu cơ, 38% chất xơ, 8-12% nhựa, giấy, còn lại là kim loại, thủy tinh, nguyên liệu khác,…
Theo bà Hoàng Thị Bích Hạnh, dù đã 18 năm tính từ ngày thực hiện thí điểm phân loại rác thải đầu nguồn, URENCO cũng là đơn vị đồng hành từ thời điểm đó nhưng trên thực tế thì đây vẫn là một thực trạng nhức nhối, là bài toán chưa có lời giải trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Được biết, chi phí thu gom, vận chuyển và chôn lấp một tấn rác là 879.028 đồng. Trong khi đó, mức phí do người dân chi trả chỉ khoảng 218.630 đồng/tấn (con số năm 2022). Mỗi ngày Hà Nội có khoảng 7.500 tấn rác được thu gom, trong đó khoảng 63% được xử lý bằng cách chôn lấp; 14% rác được đốt, gây ô nhiễm không khí và chỉ 10% rác được tái chế.
Việc xử lý rác thải bằng cách chôn lấp tại các bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn), Xuân Sơn (Sơn Tây)... khiến khu vực này luôn trong tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thậm chí, người dân sống gần bãi rác Nam Sơn đã nhiều lần chặn đường xe vào bãi rác để yêu cầu đối thoại vì không thể chịu được sự ô nhiễm ở đây.
Thế nên, những năm qua thì việc phân loại và xử lý rác là một yêu cầu cấp bách, một việc làm căn cơ mà Hà Nội cần có giải pháp hiệu quả và thực hiện gấp. Vậy nhưng, dù đã có những hội thảo, hội nghị về vấn đề rác thải; biến đổi khí hậu hay các dự án phân loại rác thí điểm… nhưng trên thực tế thì chưa có bất cứ giải pháp đồng bộ nào mang lại hiệu quả. Những bãi tập kết rác vẫn nhếch nhác, rác thải hữu cơ (rau, thực phẩm thừa, hoa quả...) trộn lẫn với rác thải vô cơ (túi bóng, hộp xốp, ống hút nhựa, thủy tinh…) hòa lẫn với mùi hôi khiến ai đi ngang cũng ái ngại.
(Còn nữa)
Những chính sách kinh tế nổi bật hiệu lực từ tháng 4/2024 |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại