Thứ sáu 22/11/2024 20:32
Nỗi khốn khổ của người dân trong các dự án sai phạm:

Bài 4: Lo lắng bởi chốn an cư… không sổ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vất vả kiếm trường học cho con hay câu chuyện lo lắng, chênh vênh vì căn hộ đã an cư cả chục năm vẫn không được cấp sổ hồng tiếp tục là nỗi khổ của người dân trong các dự án sai phạm…
Năm 2019, chung cư HH Linh Đàm nổi lên làn sóng treo băng rôn yêu cầu chủ đầu tư trả sổ hồng cho dân. Ảnh: Group Cộng đồng cư dân HH Linh Đàm
Năm 2019, chung cư HH Linh Đàm nổi lên làn sóng treo băng rôn yêu cầu chủ đầu tư trả sổ hồng cho dân. Ảnh: Group Cộng đồng cư dân HH Linh Đàm

Bốc thăm may rủi để con có thể… đi học

Năm 2022, một câu chuyện “vô tiền khoáng hậu” xảy ra ở phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Theo đó, trong hai ngày 27 và 28/8, tại UBND phường, hàng trăm phụ huynh tham gia cuộc bốc thăm may rủi để có suất cho con gửi vào trường Mầm non Hoàng Liệt.

Theo chủ trương, năm học 2022-2023, UBND quận Hoàng Mai đã phê duyệt cho trường Mầm non Hoàng Liệt tổng số 459 chỉ tiêu tuyển sinh cho cả 3 lứa tuổi. Tuy nhiên, số hồ sơ đăng ký tuyển sinh đã vượt xa khả năng tiếp nhận của nhà trường. Cụ thể, trường nhận được 226 hồ sơ của trẻ 5 tuổi, tăng 100 so với dự kiến; trẻ 4 tuổi có 290 hồ sơ đăng ký trong khi dự kiến tuyển sinh là 88 trẻ, trẻ 3 tuổi có 423 hồ sơ đăng ký trong khi dự kiến tuyển sinh là 245 trẻ.

Với các điều kiện phòng lớp, cơ sở vật chất, thiết bị và giáo viên hiện có, trường Mầm non Hoàng Liệt chỉ có thể tuyển sinh 559 trẻ độ tuổi từ 3 tuổi đến 5 tuổi vào trường; trong đó sẽ sử dụng phòng chức năng mở thêm 3 lớp mẫu giáo lớn để tuyển hết 226 trẻ đảm bảo 100% trẻ 5 tuổi. Đối với trẻ 3 tuổi và 4 tuổi, nhà trường chỉ tuyển thêm được 333 trẻ/713 hồ sơ đăng ký tuyển sinh cho năm học mới, như vậy vẫn còn dư 380 hồ sơ.

Sau rất nhiều cuộc họp cùng phụ huynh học sinh để đi đến thống nhất phương án tuyển sinh năm học 2022-2023, cuối cùng UBND phường Hoàng Liệt đã tổ chức cho phụ huynh bốc thăm suất học cho trẻ 3 tuổi và 4 tuổi để vào trường ngay tại trụ sở ủy ban.

Câu chuyện bốc thăm để con được vào học là câu chuyện chưa từng có tiền lệ ở Hoàng Liệt. Câu chuyện này đã từng gây xôn xao dư luận, việc khủng hoảng thiếu trường, thiếu lớp một lần nữa được đặt ra. Đành rằng, việc bốc thăm may rủi là phương án công khai minh bạch, nhưng vẫn thấy ngậm ngùi. Nguyên do vì đâu mà người lớn phải đặt các con vào trò chơi may rủi, mà lẽ ra ở tuổi này, có hộ khẩu đúng tuyến, các con nghiễm nhiên phải được tuyển chọn vào trường.

Và năm 2022 đã thế, các năm sau, liệu cơ sở hạ tầng có đáp ứng được khi chỉ có “người đẻ chứ đất không đẻ”. Mười mấy năm trước, những người dân sống ở khu đô thị Linh Đàm tự hào khi được ở một khu đô thị kiểu mẫu với thiết kế, quy hoạch đồng bộ, rất đẹp, rất đáng sống. Nhưng sau mười mấy năm, tất cả đã bị băm nát bằng những tòa nhà chung cư cao tầng với mật độ dày đặc, đưa Hoàng Liệt trở thành “siêu phường”, có số dân thuộc hàng đông nhất, nhì cả nước. Cũng vì thế, nơi đây hàng năm sẽ có thêm khoảng 2.000 trẻ trong độ tuổi mầm non.

Vậy, giải pháp nào cho công cuộc tìm trường, tìm lớp cho học sinh không chỉ là nỗi niềm nhức nhối cho các phụ huynh học sinh?!

Mòn mỏi chờ sổ hồng

Trước phiên tòa 10/8 xét xử ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch kiêm Tổng GĐ Cty Bermes, hàng trăm hộ dân tại dự án CT6 Kiến Hưng đã đồng loạt làm đơn kêu cứu.

Trước quan điểm truy tố của VKS, cư dân Kiến Hưng cho biết, các hộ dân ở đây đã thống nhất mong muốn giải quyết quyền lợi cùng với vụ án của ông Thản mà không phải để lại giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự khi có yêu cầu. Họ mong muốn có chỗ ở ổn định và không hề mong muốn nhận lại tiền từ ông Thản.

Giải thích câu chuyện này, họ cho rằng, nếu cư dân phải trả lại căn hộ mà chỉ được ông Thản trả lại số tiền theo hợp đồng thì đây là thiệt hại rất lớn cho họ. Vì bây giờ không thể mua được căn hộ tương đương với giá đó, chưa kể các khó khăn khác.

Từ lý do đó, các cư dân có nguyện vọng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền với đất. Trong trường hợp cư dân không được cấp thì ông Thản phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thỏa đáng. Cũng trong nỗi khổ chưa có sổ hồng mặc dù đã hoàn thành tài chính, không còn nợ tiền nhà, nhiều người dân mua nhà tại chung cư HH Linh Đàm cũng vô cùng trăn trở.

“An cư mới lạc nghiệp, người dân Việt Nam ta có câu vậy. Để ổn định cuộc sống rồi tập trung vào làm ăn, gia đình chúng tôi đã dốc hết vốn liếng, vay đông vay tây để có tiền lấy căn chung cư đang ở. Và khi có nhà ở rồi, muốn đem chính căn hộ mình ở ra thế chấp để vay ngân hàng hòng mong có chút vốn để làm ăn thì không thể do căn hộ không có sổ hồng.” - chị H.T.H cư dân tòa HH2A, khu chung cư Linh Đàm chia sẻ về câu chuyện chậm cấp sổ hồng tại khu dân cư đang sinh sống.

Chị H cũng cho biết, các vấn đề về vay tiền hay thế chấp căn hộ khi chưa có sổ là câu chuyện nan giải không chỉ của gia đình chị, mà là vấn đề chung của rất nhiều người dân sống tại các căn hộ tại dự án HH Linh Đàm.

Bác D.H.G – cư dân sinh sống tại tòa HH4A Linh Đàm cũng chia sẻ, vợ chồng bác vốn là cán bộ về hưu, tích cóp và bán căn nhà ở quê đi được ít tiền vừa đủ chia cho con út và mua được căn hộ ở khu này để hai vợ chồng cùng cậu con trai cả sinh sống. Bác cho biết, mua được nhà ở Hà Nội để gần gũi con cháu là niềm hạnh phúc rất lớn với hai bác.

Tuy nhiên, việc CQCA khởi tố đồng thời chủ đầu tư ra tòa khiến bác cùng hàng chục nghìn người sinh sống tại chung cư HH Linh Đàm hết sức hoang mang, lo lắng. Theo bác, nếu chủ đầu tư bị xử lý thì ai sẽ lo làm thủ tục cấp sổ hồng cho họ.

"Chúng tôi mua nhà để ở. Khi già yếu thì đều có nguyện vọng chia cho con cháu. Nhưng đã bao nhiêu năm nay, cơ quan chức năng chưa cấp sổ cho tôi. Trong khu chung cư này, nhiều người đã qua đời mà chưa nhận được sổ, chưa sang tên được cho các con”, bác G cho hay.

Và không chỉ tại các khu HH Linh Đàm hay Kiến Hưng, hàng loạt các dự án của Tập đoàn Mường Thanh như VP6 Linh Đàm, khu đô thị Thanh Hà, khu đô thị Đại Thanh, Kim Văn – Kim Lũ… đều là những dự án vi phạm trật tự xây dựng, xây quá số tầng cho phép, không tuân thủ mật độ dân cư, sử dụng đất sai mục đích… Và những người dân nơi này cũng đều đang mòn mỏi chờ những khắc phục từ chủ đầu tư, giải pháp từ các cơ quan chức năng để nơi ở của họ thực sự là chốn an cư…

(Còn nữa)

Bài 3: Thiếu điện nước và các nguy cơ về cháy nổ
Bài 2: Khủng hoảng chỗ để xe – thiếu sân chơi
Bài 1: Ở đâu có “rắc rối”, ở đó có cán bộ hoà giải
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động