Thứ sáu 08/11/2024 12:34
1001 nỗi lo của phụ huynh khi vào năm học mới:

Bài 3: Nỗi khổ khi mẹ dạy lớp mẹ, con học lớp con khi dạy - học trực tuyến

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vốn là mẹ dạy lớp mẹ, trường mẹ, con học lớp con, trường con… thế nên mới có nhiều cảnh dở khóc dở cười khi cả hai cùng đều phải dạy - học online.

Cứ nghĩ đến học trực tuyến là chị N.T.T (quận Long Biên, Hà Nội) lại ngán ngẩm thở dài. Là giáo viên tiểu học dạy lớp 5, chị thấu hiểu lượng kiến thức mà khối học sinh cuối cấp này phải tiếp thu. Trong hơn 1 năm qua với việc học trực tuyến, chị đã cố gắng rất nhiều từ việc tăng thêm những giờ học ngoài thời khóa biểu, phân nhóm học sinh để ôn luyện cho học sinh, chị vẫn thấy có những bất ổn.

Khốn khổ nữa, khi mà con trai chị cũng đang học tiểu học. Cháu năm nay lên lớp 2, hơn một năm trời bập bõm với học online, cùng với sự cố gắng của mẹ thì con cũng đọc thông, viết thạo. Năm học mới sẽ là tiếp tục những giờ học trực tuyến, một lần nữa chị T thấy mệt mỏi. “Mỗi lần đến giờ học của con, mặc dù mình là giáo viên nhiều khi cũng không thể kiên nhẫn nổi. Con còn bé, chưa thực sự ý thức được nên chốt lát lại đòi đi vệ sinh, đi uống nước… nhấp nhổm cả buổi học.” – chị T nói.

Bài 3: Nỗi khổ khi mẹ dạy lớp mẹ, con học lớp con khi dạy - học trực tuyến
Ảnh minh hoạ

Đấy là chưa nói đến cái chuyện dở khóc dở cười khi mà mẹ có giờ lên lớp, con cũng đến giờ vào lớp. Với bọn trẻ mới bập bẹ qua lứa tuổi mẫu giáo, để các con có thể tự mình tập trung và học qua cái máy tính là chuyện rất khó. Thế nên nếu có giờ trùng, hai mẹ con cùng ngồi trong một phòng. “Vừa dạy, vừa kiểm soát học sinh lại vừa phải kiểm soát chính con mình. Vì là ngồi cùng 1 phòng nên đành phải bắt buộc cho cháu đeo tai nghe. Ấy thế nhưng khi mẹ đang bận giảng cho lớp mẹ thì con ngồi ngó nghiêng nhòm sang xem các anh chị lớp mẹ. Rồi đang học, con bị out ra khỏi lớp lại mếu máo kéo áo mẹ nhờ vào lại cho… Hoặc như có vấn đề gì không hiểu, cũng bất chấp mẹ đang giảng bài cũng nhấp nhổm mẹ ơi, mẹ ời.” – chị kể.

Học sinh lớp 1, lớp 2 khi học trực tuyến luôn cần có phụ huynh bên cạnh để kiểm soát, chị cho biết. Thế nhưng với hoàn cảnh chị, tưởng chừng như tiện lợi nhưng thực ra lại vô cùng bất tiện. Nhà có hai vợ chồng, dịch dã quanh năm thu nhập đã giảm, không thể để tiện cho vợ mà chồng ở nhà kèm cặp con học được. Thế nên lại cố gắng khắc phục. “Nhưng quả thực chưa vào năm học mà cứ nghĩ đến việc lại mẹ dạy lớp mẹ, con học lớp con lại thấy căng thẳng.” – chị T than thở.

Sự mệt mỏi từ dịch dã, cộng với nhiều vấn đề phát sinh nên việc dạy, học trực tuyến khiến đôi khi chính chị cũng không kiên nhẫn với con mình. Chị cho biết, nhiều lúc giận mẹ, “học sinh con” lì lợm không chịu đăng nhập vào zoom khi giờ học đến. Và việc ấy cũng không hiếm với những học sinh khác, thậm chí nhiều trẻ còn sợ học trực tuyến bởi cứ đến giờ là chịu áp lực từ sự thiếu kiên nhẫn của bố hoặc mẹ khi cùng con online.

Cũng còn một thực tế, với nhiều gia đình, khi học sinh nghỉ học để chống dịch, các em đã được bố, mẹ đưa về gửi ông bà để yên tâm làm việc. Đến thời gian chuẩn bị nhập học, lại học online cũng là những vấn đề không dễ giải quyết. Chị Đ.T.L (ở quận Đống Đa, Hà Nội), một bà mẹ đơn thân cho biết, vì hoàn cảnh nên chị đã gửi con về cho ông bà từ tháng 4. Con nghỉ dịch bao nhiêu ngày là bấy nhiêu ngày hai mẹ con mỗi người một nơi. Sắp đến năm học mới, giờ về đón con lên để học cũng không được, mà để ở quê thì lại càng dở.

“Chưa tính đến việc di chuyển ra ngoài tỉnh bây giờ rất hạn chế và khó khăn, việc đón con lên để con có thể nhập học bằng cách học trực tuyến cũng là cả một vấn đề. Cháu nhà tôi mới học lớp 2, giờ để con học một mình thì không được vì nhiều lý do. Các con còn quá nhỏ, chưa đủ các kỹ năng để xử lý trên máy tính hoặc việc rớt mạng hoặc out ra khỏi zoom học. Đấy là chưa nói bọn trẻ táy máy không kiểm soát được sẽ có nguy cơ điện giật hoặc những vấn đề tương tự. Còn nếu muốn kèm con thì có nghĩa mẹ nghỉ làm. Mà nghỉ làm thì thu nhập ở đâu để hai mẹ con sống…” chị L nói.

Phương án để con học tại nơi cư trú, tức là ở nhà ông bà cũng không được, chị L cho biết. Bố mẹ chị đã già, chỉ biết sử dụng chiếc điện thoại “cục gạch”, giờ phải dùng đến các thiết bị công nghệ số thì liệu có giúp cháu được hay không. Nếu phương án là học trực tuyến buổi tối, chị L cũng thở dài: “Học trường kỳ thế này thì lịch học tối là không khả thi. Mà nếu có cũng sẽ rất vất cho các gia đình…”

(Còn nữa)

Bài 2: Nặng gánh việc mua thiết bị học cho con
Bài 1: Để có thể học trực tuyến, trẻ phải có những kỹ năng nhất định
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động