Bài 2: Tận dụng nguồn lực, sáng tạo không ngừng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChẳng thế mà nhiều khách Việt từng xúc động rưng rưng khi lần đầu được tham gia các sản phẩm tour du lịch đêm như: Du lịch trải nghiệm “Đêm thiêng liêng” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long; sản phẩm du lịch trải nghiệm dân gian tại Bảo tàng Dân tộc học...
Mặc dù đang phải gồng mình chống dịch nhưng để phục vụ hoạt động du lịch dài hạn, TP cũng đang lên ý tưởng, thiết kế hệ thống biển chỉ dẫn du lịch, bộ nhận diện thương hiệu logo du lịch làng nghề và quà tặng lưu niệm du lịch Hà Nội đồng thời xây dựng bộ tiêu chí đánh giá điểm du lịch, khu du lịch chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025.
Lễ hội đường phố Hà Nội tổ chức năm 2018. Ảnh: Khánh Huy |
Bên cạnh đó, địa phương đang xây dựng kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Hiện Sở Du lịch Hà Nội hiện đã lên kế hoạch hoạt động cho 6 tháng cuối năm 2021.
Theo đó, Sở đã tham mưu UBND TP triển khai thực hiện chương trình tuyên truyền quảng bá du lịch Thủ đô trên kênh truyền hình quốc gia VTV (VTV Travel, S Vietnam; Ẩm thực đường phố; chương trình V Việt Nam; Chuyển động 24h) và trên kênh truyền hình HTV; tích cực tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội trên các màn hình LED tại khu vực sân bay Nội Bài, khu vực hồ Hoàn Kiếm, tượng đài Lý Thái Tổ…
Ông Nguyễn Phương Hùng (61 tuổi) được xem là người cuối cùng còn giữ được nghề truyền thống của phố cổ Lò Rèn. Ảnh: Khánh Huy |
Các hoạt động này giúp lan tỏa hình ảnh đẹp, đặc trưng của Thủ đô đến du khách cả nước, trong đó chính những người đang làm việc và sinh sống tại Hà Nội cũng có cơ hội được tiếp cận.
Đặc biệt, Sở Du lịch Hà Nội đang đàm phán, thống nhất các điều khoản để tham mưu UBND TP ký bổ sung chương trình ghi nhớ hợp tác giai đoạn mới với kênh truyền hình quốc tế CNN năm 2021.
Cùng với 2 tour đêm tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng thời gian qua là “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt” và "Đêm thiêng liêng 2 - Sống như những đóa hoa”, những ngày này, cán bộ, nhân viên di tích Nhà tù Hỏa Lò đang tập trung hoàn thiện sản phẩm tham quan mới, với chủ đề “Đêm thiêng liêng 3 - Lửa thanh xuân”, nhằm kịp thời ra mắt công chúng ngay khi hoạt động tham quan được khởi động trở lại.
Chương trình tour “Đêm thiêng liêng – Sáng ngời tinh thần Việt” được Ban quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò phối hợp với Công ty Lữ Hành Hanoitourist tổ chức. Ảnh: Khánh Huy |
Theo Phó Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Đặng Văn Biểu, tour tham quan mới được xây dựng dựa trên những câu chuyện có thật về các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Nhà tù Hỏa Lò sẵn sàng mang đến những trải nghiệm chân thực, hấp dẫn cho du khách. Cũng tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, sau một thời gian ấp ủ, với mục tiêu đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng thông qua mạng xã hội, di tích đã cho ra mắt kênh phát thanh độc quyền trên Spotify. Đây là nền tảng phát nhạc, podcast và video trực tuyến cho phép nghe nhạc và nội dung khác từ các nghệ sĩ trên khắp thế giới với hàng triệu lượt truy cập mỗi ngày. Kênh phát của di tích gồm các podcast được ekip dày công sáng tạo, tự tay thực hiện các công đoạn từ sản xuất nội dung đến hậu kỳ sản phẩm.
Giải chạy đêm qua các miền di sản lần đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2020. Ảnh: Khánh Huy |
Trong thời gian tạm dừng đón khách này, nhiều bảo tàng, di tích đang tích cực xây dựng, phát triển những nội dung tham quan giàu tính trải nghiệm, nhằm làm mới điểm đến di sản, tăng sức hấp dẫn với công chúng.
Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tập trung nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên; xây dựng kịch bản tái hiện lễ hội đèn Quảng Chiếu; bổ sung, hoàn thiện tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”. Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đẩy nhanh kế hoạch tái hiện Trường Quốc Tử Giám tại khu vực Nhà Thái học để du khách có những hình dung rõ nét hơn về đời sống học tập của sĩ tử và các hoạt động khoa cử thời xưa…
Trình diễn văn hóa truyền thống tại phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Khánh Huy |
Cùng với việc xây dựng, phát triển các chương trình tham quan độc đáo, hấp dẫn, các bảo tàng, di tích trên địa bàn Thủ đô cũng chú trọng chỉnh trang cơ sở vật chất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên; tăng cường giải pháp phòng, chống dịch… nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ tại điểm đến.
Trưởng ban Quản lý di tích, danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho biết, di tích Nhà 48 Hàng Ngang đang được xử lý ẩm mốc, cải tạo các hạng mục xuống cấp. Trước đó, Nhà lưu niệm Bác Hồ tại phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) cũng đã hoàn thiện việc tu bổ, tôn tạo, sẵn sàng đón khách tham quan ngay khi được mở cửa trở lại. Đơn vị cũng tập trung bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên, nhất là công tác hướng dẫn, thuyết minh, bảo đảm các điều kiện phục vụ du khách.
Còn theo Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam Trần Hồng Hạnh, bên cạnh công tác chuyên môn, cán bộ, nhân viên của bảo tàng còn được tập huấn các kỹ năng hướng dẫn du khách tuân thủ quy định về phòng, chống dịch, như: Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt... Ngoài ra, đơn vị sẽ duy trì việc phun khử khuẩn định kỳ; tổ chức các chương trình tham quan, trải nghiệm trong không gian giãn cách…
Khung cảnh ở làng bích họa Chử Xá, Văn Đức, Gia Lâm. Ảnh: Khánh Huy |
Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh, ngành du lịch Hà Nội cũng đã xây dựng ba kịch bản phát triển du lịch Thủ đô trong năm 2021 với mục tiêu mũi nhọn là khách nội địa. Theo đó, ngành du lịch Hà Nội đặt kế hoạch đón lượng khách nội địa đạt từ 50-70% so với năm 2019, tương ứng đạt từ 11-15 triệu lượt khách. Tập trung chỉnh trang cơ sở vật chất; tăng cường giải pháp phòng, chống dịch Covid-19; xây dựng, phát triển các chương trình tham quan mới lạ, hấp dẫn… là những nội dung đang được triển khai những ngày này tại nhiều bảo tàng, di tích trên địa bàn TP Hà Nội. Việc làm này nhằm chuẩn bị chu đáo các điều kiện, sẵn sàng đón khách trở lại cho các điểm đến, sau thời gian dài tạm đóng cửa để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Thời gian tới, Sở Du lịch cũng sẽ tập trung nghiên cứu tham mưu xây dựng Nghị quyết mới của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo trong đó tập trung thực hiện cơ cấu lại toàn diện ngành du lịch cả về hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch, doanh nghiệp du lịch, môi trường du lịch; đáp ứng những thay đổi căn bản của thị trường du lịch trong tương lai.
Bài 1: Cái khó có ló cái khôn? Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá gắn với phát triển du lịch là một trong những định hướng phát triển của ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại