Bài 2: Không chỉ riêng chung cư 87 Lĩnh Nam dân cư phải chờ sổ...
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐể sở hữu một căn chung cư nho nhỏ, đối với nhiều gia đình đó thực sự là một sự cố gắng rất lớn lao. Không phải chủ sở hữu nào cũng đủ tiền để trả cả cho chủ đầu tư, mà trong vô vàn những căn chung cư hiện nay đang tồn tại ở Hà Nội, rất nhiều gia đình đã phải nhờ cậy đến ngân hàng để hàng tháng nai lưng ra “cày” tiền trả nợ mua nhà.
Giấc mơ an cư tưởng chừng đã thỏa, nhưng khi mua được rồi, tiền đã trả đủ cho chủ đầu tư nhưng để sở hữu cái mảnh sổ hồng nhỏ xinh ấy vẫn xa vời.
Không biết đã bao nhiêu lần người dân khu đô thị HH Linh Đàm căng băng rôn, khẩu hiệu yêu cầu chủ đầu tư trả sổ hồng. Theo phản ánh của người dân, họ đã dọn về chung cư ở đã 5, 6 năm nhưng đến nay vẫn chưa được bàn giao giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ.
“Trước đó CĐT đã có văn bản cam kết quý IV-2019 sẽ bàn giao sổ hồng nhưng đến giờ vẫn chưa có động tĩnh, chúng tôi chẳng biết phải đợi tới bao giờ nữa”, N.H.L, một cư dân của khu HH Linh Đàm cho biết.
Không chỉ riêng chung cư 87 Lĩnh Nam dân cư phải chờ sổ... Ảnh minh họa |
Có chăng chỉ khác lý do không được cấp sổ, cả trăm cư dân mua nhà ở xã hội tại chung cư An Bình Tower (Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm) do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Tây Hồ (Công ty Tây Hồ) làm chủ đầu tư cũng không biết đến bao giờ sổ hồng mới được cấp.
Lý giải việc này, đại diện Công ty Tây Hồ đã có lần thừa nhận, dự án chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa có đủ căn cứ để xác định thuế đất nên vướng về cấp sổ hồng cho cư dân. Dự án An Bình Tower cũng chưa có quyết định giao đất, chưa hoàn thành thủ tục chuyển mục đích từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.
Cũng chung tình trạng, chung cư Hòa Bình Green City (505 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) do Công ty TNHH Hòa Bình làm chủ đầu tư đã bắt đầu bàn giao cho cư dân về ở từ năm 2014. Dự án được thiết kế với 2 tòa tháp cao 27 tầng, xây dựng trên diện tích đất 1,7ha. Theo đại diện Ban quản trị của chung cư thì hiện toàn bộ cư dân đã đóng hết 99% giá trị căn hộ và nghĩa vụ với nhà nước. Tuy nhiên, sau 5, 6 năm về ở cư dân vẫn chưa một lần “biết mặt” cái sổ hồng nó ra sao.
Và có thể kể đến hàng chục những dự án, chung cư đang trong tình trạng chậm sổ hồng mặc dù dân đã sinh sống ổn định 4, 5 năm. Đó là chung cư Star City (số 81, đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân), chung cư Westa (quận Hà Đông)... Lý do chậm hay chưa cấp sổ hồng có nhiều, nhưng chủ yếu là do CĐT vi phạm trật tự xây dựng (xây vượt tầng, phá vỡ quy hoạch, sai thiết kế…), chưa nộp thuế đất cho nhà nước hoặc đang cầm cố dự án tại ngân hàng.
Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 5-1-2020 đã nêu rõ, nếu chủ đầu tư nhà chung cư chậm làm thủ tục cấp sổ hồng cho cư dân có thể bị phạt lên tới 1 tỷ đồng.
Cụ thể, chậm từ 50 ngày đến 6 tháng sẽ bị xử phạt từ 10 - 100 triệu đồng; từ 6 - 9 tháng sẽ bị xử phạt từ 30 - 300 triệu đồng; từ 9 - 12 tháng sẽ bị xử phạt từ 50 - 500 triệu đồng; từ 12 tháng trở lên sẽ bị xử phạt từ 100 triệu - 1 tỷ đồng với những vi phạm từ 30 - 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất. Mức phạt này cao hơn gấp 3 lần mức phạt với hành vi tương tự được quy định trước đó tối đa 300 triệu đồng (theo Nghị định 139 năm 2014).
Rõ ràng, việc mạnh tay xử lý các chủ đầu tư chây ỳ làm thủ tục cấp sổ đỏ cho người mua căn hộ là cần thiết. Tuy nhiên, kể từ thời điểm Nghị định có hiệu lực tới nay, dường như chưa có trường hợp nào bị xử phạt liên quan đến chậm cấp sổ. Cư dân có đòi được nhà, có đòi được sổ hồng hay không, phần lớn vẫn do họ tự đấu tranh, khiếu nại…
(Còn nữa)
Bài 1: Sai phạm của chủ đầu tư khiến gần 1.000 hộ dân không được cấp "sổ đỏ" |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại