Thứ tư 15/05/2024 04:16
Thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội - "Hứa hẹn mùa quả ngọt"

Bài 1: Người dân phấn khởi vì bước đột phá trong cải cách hành chính

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
LTS: Sau hơn 2 năm thí điểm triển khai mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cấp phường đã chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa bàn. Việc thí điểm đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính Nhà nước. Một trong những địa phương làm tốt mô hình này là thị xã Sơn Tây. Chuyên trang Pháp luật và Xã hội có loạt bài ghi nhận.
Bài 1: Người dân phấn khởi vì bước đột phá trong cải cách hành chính
Công tác giải quyết hồ sơ hành chính được thực hiện nhanh chóng, kịp thời. Ảnh: N.D

Thực hiện mô hình chính quyền đô thị, tổ chức bộ máy của các phường thuộc thị xã Sơn Tây đã được tinh gọn hơn nhưng vẫn bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, đối với người dân, việc ủy quyền công chức Tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu UBND phường đối với bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký ở các phường được đánh giá là một bước cải cách hành chính đột phá...

Làm thủ tục hành chính không phải chờ

Có mặt tại UBND phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây, bác Nguyễn Thị Thư, SN 1947, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố số 5 vui vẻ chào các cán bộ ở bộ phận một cửa để về lo bữa cơm trưa.

Không ngại ngần chia sẻ, bác Thư cho biết, từ khi UBND phường thực hiện mô hình chính quyền đô thị, bản thân bác nhận thấy từ cơ sở hạ tầng phòng 1 cửa đến thái độ của các cán bộ cũng có thay đổi rất nhiều.

“Đến bộ phận một cửa, người dân chúng tôi không còn cảm giác đến “cửa công” mà đến nơi đây như đến gặp những người con, người cháu trong gia đình. Một phần do sự thay đổi về cách sắp xếp, bố trí khu làm việc của công chức cũng như chỗ ngồi cho người dân thông thoáng, hợp lý và khoa học. Một phần là do thái độ nhã nhặn, lịch sự và tôn trọng người dân của cán bộ nơi đây.” – bác Thư hồ hởi.

Theo bác, từ tháng 7/2021, việc lên phường thực hiện các thủ tục hành chính rất nhanh chóng và hầu như không phải chờ đợi. Mô hình ngày không giấy hẹn được triển khai khiến công tác giải quyết hồ sơ hành chính được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, tạo thuận lợi cho tổ chức và cá nhân khi đến thực hiện các thủ tục, góp phần giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí và thời gian của người dân. Chứ trước đó nhiều khi đến những người dễ tính nhất cũng ít nhiều bộc lộ sự khó chịu với chuyện mỗi khi phải… lên phường.

Vốn là cán bộ ngành bưu điện nghỉ hưu, năm 2008 bác về công tác ở tổ dân phố, các Thư được dân tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ đồng thời giữ chức trưởng ban Thanh tra Nhân dân. Chính vì vậy, trước khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên toàn thị xã, đã có rất nhiều lần bác tiếp nhận những phàn nàn, ý kiến bất bình của người dân về thái độ của công chức cũng như sự chờ đợi mỗi khi phải chứng thực hay xác thực bản sao…

“Nhiều người vừa lên phường xong họ ngay lập tức đến tận nhà tôi để phản ánh sự không hài lòng về sự phiền toái khi phải đi lại nhiều lần, sai lịch hẹn hoặc về phong cách làm việc của cán bộ UBND phường”. Bác cho biết, bởi lẽ khi lên phường thực hiện thủ tục hành chính, giải quyết được trong thời gian ngắn hầu như cực hiếm, mà hầu hết người dân phải chấp nhận để lại hồ sơ rồi lấy lịch hẹn. Điều đó vô cùng bất cập, gây ra nhiều bức xúc trong người dân khi có việc cần giải quyết ngay mà mang hồ sơ đến từ đầu giờ sáng mà có khi đến 12h trưa, thậm chí kéo đến tận chiều mới được giải quyết.

Nhưng lâu nay, khi phường triển khai mô hình chính quyền đô thị những việc đó hầu như không còn nữa. Việc ủy quyền công chức Tư pháp hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu UBND phường đối với bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký thực sự tiện lợi cho dân. Đồng thời thái độ của công chức cũng chuyển biến hết sức tích cực. Bên cạnh việc phục vụ nhân dân, nghiệp vụ của các cán bộ tư pháp phường cũng thay đổi để phù hợp với trình độ dân trí.

“Là người dân ở đây, cũng tiếp xúc nhiều với cán bộ phường, tôi chứng kiến sự thay đổi của họ. Nếu như trước kia cứ hết giờ làm việc là phòng 1 cửa đóng cửa, tắt đèn. Còn việc thì để đến ngày hôm sau. Nhưng hiện nay, nhiều hôm đã 7h tối tôi đi qua UBND phường vẫn thấy đèn phòng làm việc sáng...” – bác bảo.

Bác Thư cũng cho biết, trong hội nghị đóng góp ý kiến vừa qua, không hề có lời chê trách nào của người dân về thái độ cũng như phong cách làm việc của cán bộ phường. “5, 6 ý kiến đều khen và họ nói rằng, việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị là rất tuyệt vời” – bác Thư vui vẻ nói.

Bài 1: Người dân phấn khởi vì bước đột phá trong cải cách hành chính
Bác Nguyễn Thị Thư, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố số 5 phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây. Ảnh: N.D

Bước đột phá trong cải cách hành chính

Cũng có mặt tại UBND phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây, anh Hà Đăng Cường (thị xã Sơn Tây) cho biết, anh khá ngạc nhiên khi đến phường xin cấp bản sao giấy khai sinh cho con và chứng thực giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không cần phải hẹn.

“Trước đó mỗi lần cứ nghĩ đến chuyện lên phường làm thủ tục hành chính là tôi rất ngại. Cái suy nghĩ công chức nhà nước chỉ “hành” là “chính” ăn sâu trong não nên bấy lâu nay có việc gì cần chứng thực tôi ra phòng công chứng cho nhanh. Cũng có nhiều lần vợ tôi bảo sau cứ lên phường làm cũng được tôi gạt đi và không để tâm. Cho đến hôm nay, khi có việc cần bản sao giấy khai sinh cho trẻ thì mới bắt buộc phải lên phường và thử “vận may” bằng cách xin chứng thực quyền sử dụng đất…” – anh Cường cho biết.

Việc anh không ngờ là các công việc tưởng chừng sẽ chiếm khá nhiều thời gian của anh lại diễn ra một cách nhanh chóng, thuận lợi và suôn sẻ. Khác hẳn với việc phải chờ đợi như trước kia, anh không hề nhận được những… “lời hẹn”.

“Đã vậy phí để làm những việc này lại rất rất nhỏ. Giờ mới biết lên phường cũng tiện lợi, vui vẻ chứ không khiến người ta mệt mỏi như trước năm 2021.” – anh Cường vui vẻ nói.

Khi được hỏi có biết về mô hình chính quyền đô thị, anh Cường nói, anh không hiểu rõ lắm về mô hình chính quyền đô thị. Tuy nhiên, việc ủy quyền chứng thực cho cán bộ tư pháp là một đột phá trong cải cách hành chính của Hà Nội. Đồng thời anh cũng cho biết, việc cư xử với người dân cũng như thái độ của cán bộ công chức tại UBND hiện tại khiến anh thấy rất hài lòng.

(Còn nữa)

Là đô thị loại đặc biệt, có quy mô dân số đứng thứ hai trong cả nước, phát triển sôi động về kinh tế, xã hội, Hà Nội cần có mô hình tổ chức phù hợp với cả chính quyền đô thị và nông thôn để điều hành, lãnh đạo linh hoạt, hiệu quả, xứng với vai trò đặc biệt quan trọng là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội của cả nước.

Từ ngày 1/7/2021, thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội, Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ, thành phố Hà Nội bắt đầu triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại 12 quận và thị xã Sơn Tây.

Việc thực hiện thí điểm diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi phải thực hiện “nhiệm vụ kép” như thêm một “phép thử” với chính quyền cơ sở. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, triển khai bài bản, đồng bộ, đúng hướng dẫn của Trung ương, đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện, những đổi mới về cơ chế quản lý, phương thức hoạt động đã và đang mang lại những thay đổi đáng mừng trong điều hành, quản lý của chính quyền các quận, phường của Thủ đô.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh: Mô hình chính quyền đô thị hiện nay ở Hà Nội là phù hợp Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh: Mô hình chính quyền đô thị hiện nay ở Hà Nội là phù hợp
Hà Nội: Bộ máy chính quyền phường tinh gọn nhưng vẫn hoạt động hiệu quả Hà Nội: Bộ máy chính quyền phường tinh gọn nhưng vẫn hoạt động hiệu quả
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động