Thứ năm 18/04/2024 14:26
Tự chọn môn học ở lớp 10 trước giờ G

Bài 1: Học sinh bối rối, thầy cô băn khoăn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Từ năm học tới đây, học sinh lớp 10 sẽ học 7 môn bắt buộc, còn lại các em sẽ tự chọn 5 môn trong 3 nhóm môn học cho phép học sinh lựa chọn. Thay vì 13 môn bắt buộc như bao năm, giờ các cô cậu học sinh phải tự lựa chọn 5 môn. Đây được cho là một hình thức phân luồng năng lực, hướng nghiệp ngay từ đầu cấp THPT. Tuy nhiên, đã là lựa chọn thì sẽ có đúng đắn và sai lầm. Cùng với đó là quá nhiều vấn đề nảy sinh do các trường chưa chuẩn bị kịp, thầy cô còn quá nhiều băn khoăn…
Bài 1: Học sinh bối rối, thầy cô băn khoăn
Chỉ còn ít tháng nữa sẽ thực hiện chương trình lựa chọn môn học lớp 10, tuy nhiên, đến nay, học sinh, phụ huynh và các trường THPT vẫn như đang “ngồi trên lửa” vì sự thay đổi quá lớn trong 3 năm học cuối cấp này. Ảnh: Khánh Huy

Trường trông chờ Bộ, Bộ nói đã phân cấp các trường nên chủ động

Cụ thể, thay vì học 13 môn học bắt buộc như chương trình hiện hành, chương trình mới ở cấp THPT chỉ còn 7 môn học và hoạt động bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương. Sẽ có 3 nhóm môn học cho phép học sinh lựa chọn (mỗi em chọn 5 môn trong 3 nhóm này) gồm: nhóm môn khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật); khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học); công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, nghệ thuật).

Chỉ còn ít tháng nữa sẽ thực hiện chương trình này, tuy nhiên, đến nay, học sinh, phụ huynh và các trường THPT vẫn như đang “ngồi trên lửa” vì sự thay đổi quá lớn trong 3 năm học cuối cấp này.

Theo thông tin từ cụm các trường THPT quận Đống Đa, Hà Nội, với 108 tổ hợp tự chọn ở lớp 10 theo chương trình mới, các trường đã xây dựng tổ hợp tối ưu, thế mạnh của nhà trường để đưa ra phương án phù hợp với điều kiện của nhà trường để phụ huynh và học sinh nghiên cứu, lựa chọn. Cụ thể, các trường sẽ xây dựng thành 3 nhóm tổ hợp các môn học lựa chọn lớn theo 3 lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và năng khiếu nghệ thuật. Mỗi nhóm tổ hợp có 3 lựa chọn, do vậy, tối thiểu mỗi học sinh có 6 lựa chọn.

Kế hoạch là vậy, nhưng đã rất nhiều vấn đề bất cập đã nảy sinh, tại trường THPT Kim Liên, giáo viên các môn khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) đang nhiều gấp đôi số lượng giáo viên các môn khoa học xã hội. Nếu học sinh lựa chọn cân bằng các môn của cả hai lĩnh vực thì sẽ khó khăn trong việc sắp xếp giáo viên.

Vì thế, có thể trong năm đầu tiên áp dụng lựa chọn môn học, nhà trường sẽ cố định số lớp dạy tự chọn khoa học tự nhiên và số lớp tự chọn khoa học xã hội căn cứ vào điều kiện thực tế của nhà trường. Trên cơ sở số lớp như vậy, học sinh sẽ lựa chọn. Một khó khăn nữa là nhóm thứ 3 về lĩnh vực nghệ thuật khả năng cao năm nay trường chưa thực hiện được do chưa có giáo viên âm nhạc và mỹ thuật.

Dĩ nhiên, để có giáo viên nghệ thuật, nhà trường có thể hợp đồng thuê giáo viên nhưng không biết học sinh có học không để mà thuê.

Bài 1: Học sinh bối rối, thầy cô băn khoăn
Để có giáo viên nghệ thuật, các nhà trường có thể hợp đồng thuê giáo viên nhưng không biết học sinh có học không để mà thuê. Ảnh: Khánh Huy

Được biết, đến giờ cũng chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Giáo dục & Đào tạo cho các trường trong việc thiết kế các tổ hợp lựa chọn; hướng dẫn các trường xây dựng cấu trúc chương trình, đưa ra các phương án tổ hợp môn học tự chọn sao cho tối ưu nhất, vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh, vừa phù hợp với điều kiện thực tế của các trường.

Tuy nhiên, về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ trong buổi làm việc với Sở GD&ĐT Hà Nội đã cho rằng, hiện nay việc quản lý giáo dục đã chuyển từ bao cấp sang phân cấp, việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, phân phối chương trình và sắp tới là xây dựng các tổ hợp môn học thế nào, bố trí sắp xếp ra sao là quyền của các nhà trường.

Trước đây, thời khóa biểu xếp một lần và thực hiện theo nửa hoặc hết một học kỳ thì nay sẽ xếp theo tuần để đảm bảo tối đa sự linh hoạt trong bố trí giáo viên và tính liền mạch trong nội dung kiến thức của các môn học. Bộ chỉ quy định số tiết cho cả năm, còn phân chia như thế nào là quyền của hiệu trưởng, của tổ chuyên môn.

Không nên chờ học sinh đăng ký vào 10 rồi mới tiến hành khảo sát

Được biết, đến thời điểm này, hầu hết các trường THPT ở Hà Nội mới xây dựng xong phương án tổ hợp môn tự chọn và đang chờ Sở GD&ĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học tới để công bố phương án này cho người dân và học sinh biết trước khi đăng ký dự thi. Còn việc tiến hành khảo sát nguyện vọng về môn học tự chọn của học sinh khi lên lớp 10 chưa được triển khai.

Bài 1: Học sinh bối rối, thầy cô băn khoăn
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã đề nghị các trường THPT phải thực hiện ngay bước 1 và 2, đó là phải khảo sát nguyện vọng về môn học tự chọn khi lên lớp 10 ngay từ bây giờ với học sinh lớp 9 bằng cách gửi phiếu hỏi đến các trường THCS chứ không chờ đến lúc học sinh vào lớp 10 rồi mới khảo sát. Ảnh: Khánh Huy

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã đề nghị các trường THPT phải thực hiện ngay bước 1 và 2, đó là phải khảo sát nguyện vọng về môn học tự chọn khi lên lớp 10 ngay từ bây giờ với học sinh lớp 9 bằng cách gửi phiếu hỏi đến các trường THCS chứ không chờ đến lúc học sinh vào lớp 10 rồi mới khảo sát.

Dựa trên kết quả khảo sát ấy, các trường căn cứ vào điều kiện thực tế của trường mình, xây dựng các tổ hợp tự chọn, vừa đáp ứng tối đa nhu cầu của người học, vừa không vượt quá xa về khả năng, điều kiện tổ chức của các trường. Quan trọng nhất là các trường THPT cần thành lập các tổ tư vấn hướng nghiệp, giúp tư vấn cho học sinh lựa chọn cho phù hợp năng lực, sở trường của mình, tránh chọn môn học chỉ theo cảm tính.

Nhấn mạnh yêu cầu các trường có trách nhiệm công khai cho phụ huynh, học sinh biết thông tin về tổ chức dạy học lớp 10 trong năm học tới của trường mình ra sao, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đề nghị thời gian công bố nên thực hiện từ đầu tháng 5 tới, trước khi học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10.

Không phải chỉ thăm dò, phán đoán chung chung, mà phải có khảo sát qua phiếu câu hỏi rõ ràng để nắm xu hướng lựa chọn của học sinh. Căn cứ vào nhu cầu đó và điều kiện thực tế của nhà trường (giáo viên, cơ sở vật chất), các trường xây dựng các tổ hợp môn học, làm sao phát huy được tối đa năng lực của nhà trường và đáp ứng được nhiều nhất có thể nhu cầu của người học.

(Còn nữa)

Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động