Thứ năm 25/04/2024 18:13
Những cảnh nghèo trong dịch Covid-19:

Bài 1: Gia đình nghèo 6 người không ai có thu nhập

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ở cái ngách 26/99 Định Công Hạ (Hoàng Mai, Hà Nội) ấy, ai cũng biết rõ hoàn cảnh gia đình nhà bà Nguyễn Thị Hương. Vốn chẳng có dịch Covid-19, gia đình 6 người nhà bà Hương đã ăn bữa nay, lo bữa ngày mai, nói chi đến dịch bệnh diễn biến phức tạp, người lao động duy nhất cũng phải chịu cảnh thất nghiệp.

Nếu không để ý, sẽ dễ dàng đi qua căn nhà của bà Hương, bởi lẽ nó quá nhỏ. Người ta dễ nhầm lẫn nó chỉ là một cái bếp, hoặc một lối sau của một gia đình nào đấy trong ngõ. Căn nhà vẻn vẹn 12m2 ấy hiện đang là nơi sinh sống của 6 người, 3 thế hệ của một gia đình.

Bà Hương (sinh năm 1949), chủ của căn nhà cho biết, cách đây 15, 20 năm bà còn khỏe, bà và ông đã chắt chiu dành dụm và mua mảnh đất này với số tiền 130 triệu, thế rồi vun vén để thành một mái nhà nho nhỏ, vỏn vẹn sinh hoạt ở 1 sàn.

Con gái lấy chồng, gia cảnh cũng khó khăn, thế nên hai ông bà xuống dưới sàn, để nhường cái gác xép cho cặp vợ chồng trẻ. Và rồi hai đứa trẻ lần lượt ra đời. 6 người, 3 thế hệ chen chúc nhau tiếp tục sinh sống ở dưới mái nhà nhỏ hẹp ấy.

Bài 1: Gia đình nghèo 6 người không ai có thu nhập
Vỏn vẹn chiếc chiếu là chỗ ăn, chỗ ngủ của gia đình cũng như chỗ học của hai đứa trẻ.

“Mấy năm trước, ông ấy (chồng bà Hương) còn hàng ngày đi mua – bán quạt điện cũ, sửa chữa máy bơm cũ hỏng, còn tôi thì đi làm giúp việc cho nhà người ta. Công việc của tôi là lau dọn nhà cửa, công là 100 nghìn/ngày. Cứ dọn dẹp cho đến khi nào hết việc thì về. Ông ấy cũng không kiếm được nhiều, nhưng cũng đủ tiền mua rau, mua gạo. Nhưng rồi ông già cả, ốm yếu ở nhà vì mất sức lao động, còn tôi thì bị thoát vị đĩa đệm, đi đứng khó khăn nên không làm giúp được người ta nữa nên cũng thất nghiệp.”- bà Hương kể.

Ngày kiếm được hơn 100 nghìn, dù ít dù nhiều cũng có thể chủ động được cuộc sống. Thế nhưng dừng làm, có nghĩa là đến cân gạo cũng chẳng có đồng nào mà mua. Bà cho biết, nhiều lúc bà cũng muốn đi làm lại, thế nhưng muốn làm được việc thì phải chữa cái lưng đau. “Bác sỹ bảo bệnh của tôi chỉ có thể phẫu thuật mới giải quyết được. Mà phẫu thuật thì lấy đâu ra tiền…”

Vợ chồng con gái cũng chẳng dư dả gì. Bởi vốn trước chị Nguyễn Hồng May (con gái bà Hương), cũng không có công ăn việc làm ổn định. Lấy chồng thì chồng cũng chỉ là lao động tự do, ngày ngày xách chiếc hòm đi các phố để đánh giày kiếm ăn nuôi vợ con.

Đã vậy, khi sinh xong đứa thứ 2, chị May phát hiện mình bị ung thư tử cung, và đến giờ, đồng thời với việc cắt tử cung, cơ thể chị cũng ngày một yếu đi. Nhiều lúc, đến nấu bữa cơm cũng không nổi, nói gì đến làm những việc khác.

“Vợ chồng nó cũng khó khăn, thế nên hai ông bà già cũng không muốn ăn chung với chúng nó. Nhà có chừng ấy diện tích, nhưng nấu 2 nồi cơm, 2 mâm bát… Chúng tôi già rồi, có bát cơm với mớ rau cũng xong bữa, vợ chồng chúng nó còn hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, giờ mà bám vào chúng nó thì sức đâu chúng nó nuôi.” – bà Hương cho biết.

Và theo bà kể, hai vợ chồng bà lay lắt như thế dưới sự giúp đỡ của họ hàng, bà con lối xóm… “Nay người này cho vài chục nghìn, mai người kia cho cân gạo, mớ rau. Thỉnh thoảng lại được các đoàn thể hỗ trợ ít tiền, ít lương thực. Thế cũng đủ chúng tôi sống qua ngày.”

Cũng không để việc nhận của mọi người như nhận không công, hàng ngày bà Hương vẫn cặm cụi quét dọc cái ngõ ngách nơi bà sinh sống ấy. Dù sao chút việc nhỏ ấy cũng khiến cho bà cảm thấy mình có ích.

Chị May cũng tham gia câu chuyện, hai đứa con của chị một đứa 10 tuổi, 1 đứa năm nay vào lớp 1. Bởi thuộc hộ nghèo, nên đứa lớn được miễn học phí.

“Nhưng tháng nào tôi cũng phải duy trì uống thuốc. Bác sỹ thường kê cho 2 đợt, mỗi đợt thuốc mua hết khoảng 700 nghìn.” – chị May buồn bã nói. Ở nhà, chồng hàng ngày nắng nôi ngoài đường phố nhặt từng đồng để về nuôi 3 miệng ăn, lại thuốc thang chị cũng xót xa lắm. Nhưng với cơ thể chỉ còn 37kg, chị biết, chị có muốn làm cũng không ai dám thuê.

Khi thành phố ở trạng thái bình thường với gia đình nhỏ của chị đã rất khó khăn. Thường xuyên để đủ tiền mua thuốc cho chị, chồng chị phải vay mượn khắp nơi… Huống hồ đã vài tuần qua cả thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CP.

“Chồng tôi giờ cũng ngồi ở nhà, thỉnh thoảng đến ngày đi chợ, anh tranh thủ đến chợ đầu mối nhặt nhạnh rau củ về bán lại cho mọi người, mong thêm thắt chút ít tiền…” Chị May cho biết, mỗi lần như thế cũng kiếm được vài chục nghìn đồng. Dù ít, cũng còn hơn không.

Bởi lẽ trong thời gian này, dù có khó khăn, thiếu thốn thế nào, thì gia đình chị vẫn còn may mắn vì còn được Chính quyền, bà con hàng xóm… hỗ trợ để không phải đói ăn!

“Không biết dịch giã đến bao giờ…”- chị May thổn thức.

(Còn nữa)

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động