Bài 1: Gần 45 năm, ba thế hệ đi… đòi nhà
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChủ tịch Trịnh Đình Thảo (thứ 2 từ phải qua, hàng trên) và các thành viên trong Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam |
Cố luật sư, nhà cách mạng Trịnh Đình Thảo (1901-1986) nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Sài Gòn. Tên ông được đặt cho một con đường ở quận Tân Phú, TP HCM, ngày nay.
Đến năm 1965, luật sư Trịnh Đình Thảo đi hoạt động cách mạng, bí mật ra vùng kiểm soát của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và làm Chủ tịch Liên minh các Lực lượng Dân tộc - Dân chủ Hòa bình Việt Nam. Trước khi ra chiến khu, luật sư Trịnh Đình Thảo đã cho vợ chồng tư sản mại bản Trương Hy thuê căn nhà số 391 khu Sài Gòn - Độc lập do ông mua và sở hữu hợp pháp từ năm 1939, với thời gian cho thuê là 12 năm (1965 – 1973). Sau thời gian thuê này, ông Trương Huy phải bàn giao lại tài sản cho ông Trịnh Đình Thảo.
Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, ngày 12/7/1968, Tòa án Quân sự Chính quyền Sài Gòn đã mở phiên tòa đặc biệt, xét xử và đưa ra Bản án số 069/MT/LĐ/V3CT tuyên án xử tử hình vắng mặt luật sư Trịnh Đình Thảo và tịch thu toàn bộ tài sản, trong đó có bất động sản số 391 khu Sài Gòn - Độc Lập (nay chính là ngôi nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM). Sau năm 1975 vợ chồng ông Trương Huy trốn ra nước ngoài. Căn nhà trên được Nhà nước quản lý.
Đến năm 1977, UBND TP HCM ra Quyết định số 1701/QĐ-UB “tịch thu tài sản của ông Trương Hy” (trong đó có ngôi nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa - đến nay TP HCM vẫn không “tìm thấy” quyết định tịch thu ngôi nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa).
Năm 1992, UBND TP HCM ra quyết định chuyển giao quyền quản lý sử dụng căn nhà thuộc quận 3 cho UBND quận 5 quản lý. Năm 1998, khu nhà tiếp tục được giao cho Công ty Xây dựng - Thương mại Sài Gòn 5 “lập dự án đầu tư và đưa vào khai thác sử dụng”.
Hiện nay, ngôi nhà lại do Công ty Cổ phần Địa ốc Kỷ Nguyên làm chủ đầu tư, thực hiện dự án “Khu chung cư cao tầng kết hợp dịch vụ”.
Sau khi UBND TP HCM ra quyết định tịch thu tài sản nhà đất của nhà tư sản Trương Hy (thực chất là căn nhà của cố luật sư Trịnh Đình Thảo), cố luật sư Trịnh Đình Thảo đã nhiều lần viết đơn đề nghị chính quyền TP HCM trả lại ngôi nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa cho ông theo pháp luật. Sau đó, người thừa kế là con trai Trịnh Đình Trí, tiếp tục khiếu kiện. Ông Trí mất do tuổi cao. Hiện nay, con trai ông Trí là ông Trịnh Đình Đức (cũng là cháu nội đích tôn của cố luật sư Trịnh Đình Thảo) tiếp tục đòi lại nhà.
"Biên nhận tiền bán đấu giá" ngày 27/2/1939, thể hiện cố luật sư Trịnh Đình Thảo đã mua đấu giá thửa đất 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. |
Mới đây, ngày 10/10/2022, Đại tá – Cựu Chiến binh Quân đội Nhân dân Việt Nam Nguyễn An Giang đã có đơn gửi Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng về vụ việc.
Theo đó, trong đơn, ông Giang đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội hủy Quyết định sai luật số 1701/QĐ-UB ngày 19/12/1977 của UBND TP HCM ban hành tịch thu nhà số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa của cán bộ lão thành Cách mạng Trịnh Đình Thảo.
Đại tá Giang dẫn chứng bằng 3 văn bản, được xem là chứng cứ chứng minh Quyết định số 1701/QĐ-UB của UBND TP HCM đã áp đặt sai căn nhà trên là của tư sản mại bản Trương Hy, thuộc diện “nhà vắng chủ” và tịch thu để Nhà nước quản lý. Trong khi ông Trương Hy chỉ là người thuê căn nhà trên của luật sư Trịnh Đình Thảo để kinh doanh.
Cụ thể, thứ nhất, theo Văn bản số 1596/UB ngày 26/6/1984 của Thủ tướng Phan Văn Khải (lúc còn là Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM ký gửi báo cáo Văn phòng Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ghi rõ: “Đến nay (từ ngày 26/6/1984) vẫn chưa có văn bản chính thức quản lí nhà 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa”. Điều này, đặt ra nghi vấn vào thời điểm 26/6/1984 chưa kề có Quyết định số 1701/QĐ-UB.
Thứ hai, theo Văn bản số 4085/BXD-TTr ngày 21/8/2020 do ông Phạm Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký gửi Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ và đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, ghi rõ: “Năm 1999 đã có Quyết định xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với căn nhà số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa...”.
Thứ ba, theo Văn bản số 623-CV/BNCTU ngày 25/11/2021 của Ban Nội chính Thành ủy TP HCM về trả lời Thư yêu cầu xem xét lại Quyết định số: 1701/QĐ-UB của UBND TP HCM nêu: “Ngày 7/12/1999, UBND TP HCM đã ban hành Quyết định số 1205/QĐ-UB về việc xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với nhà số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 của cụ Trịnh Đình Thảo đứng chủ sở hữu từ năm 1939…”.
Khu nhà đất 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa do cố luật sư Trịnh Đình Thảo đứng tên chủ quyền từ năm 1939, hiện là khu “đất vàng” đắc địa ở TP HCM. Ảnh: Tiểu Thúy |
Tuy nhiên, theo hồ sơ ghi nhận, trong nhiều Văn bản báo cáo lãnh đạo Đảng và Nhà nước thời kì trước đây, UBND TP HCM lại khẳng định, Quyết định số 1701/QĐ-UB như là một bằng chứng công nhận việc cơ quan Nhà nước đã xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với nhà số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa từ năm 1977?
Trong khi đó, nếu căn cứ theo 3 văn bản nêu trên (Văn bản số 1596/UB, Văn bản số 4085/BXD-TTr, Văn bản số 623-CV/BNCTU), đến năm 1999 (sau 22 năm, khi Quyết định số 1701/QĐ-UB ban hành) khu nhà, đất số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa mới được xác lập quyền sở hữu Nhà nước.
Về Quyết định số 1701/QĐ-UB, gia đình cố luật sư băn khoăn về tính xác thực? Báo KT&ĐT sẽ tiếp tục làm rõ ở bài sau.
(Còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại