Thứ tư 22/01/2025 09:35

Bác sĩ cảnh báo nguyên nhân gây đột quỵ hàng đầu ở người trẻ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo thống kê của Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai, số lượng bệnh nhân đột quỵ dưới 45 tuổi đang có xu hướng tăng đáng kể, chiếm tới 15% tổng số ca bệnh. Đây là một con số đáng báo động cho thấy đột quỵ không còn là căn bệnh chỉ gặp ở người cao tuổi.
Bác sĩ cảnh báo nguyên nhân gây đột quỵ hàng đầu ở người trẻ
Nhiều ca đột quỵ có tuổi đời rất trẻ. Ảnh: BVCC

Một trường hợp điển hình được ghi nhận tại Trung tâm là bệnh nhân nam 31 tuổi, nhập viện trong tình trạng hôn mê và huyết áp tăng cao 180/100 mmHg. Tình trạng huyết áp không giảm ngay cả khi đã được sử dụng thuốc truyền tĩnh mạch. Đáng chú ý, bệnh nhân này đã từng bị chảy máu não năm 2020 do tăng huyết áp, nhưng đã tự ý ngưng thuốc khi thấy huyết áp ổn định. Bệnh nhân có tiền sử sử dụng thuốc lá, bia, rượu.

BSCKII Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ cho biết, tình trạng của bệnh nhân đặc biệt nghiêm trọng với chảy máu não cả hai bên, kèm theo máu trong não thất. Với tình trạng này, việc phẫu thuật gần như không khả thi, và tiên lượng của bệnh nhân rất nặng.

Theo các chuyên gia, tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây chảy máu não, chiếm 80-85% các trường hợp. Tỷ lệ mắc đột quỵ ở người trẻ (dưới 45 tuổi) chiếm khoảng 10-15%, dưới 50 tuổi là 15 - 20% trên tổng số các ca bệnh đột quỵ. Trên thế giới cứ 100.000 người dưới 50 tuổi thì có 15 người bị chảy máu não ít nhất 1 lần.

Việt Nam hiện nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất thế giới. Đột quỵ có thể xuất hiện dưới hai hình thức: nhồi máu não (80%) và chảy máu não (20%), trong đó chảy máu não tuy ít gặp hơn nhưng có tỷ lệ tử vong và di chứng cao hơn.

Để phát hiện sớm dấu hiệu đột quỵ, người dân cần nhớ nguyên tắc FAST: F (Face) - méo miệng, A (Arm) - yếu liệt tay chân, S (Speech) - nói khó, và T (Time) - thời gian là vàng. Khi phát hiện các dấu hiệu này, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Các chuyên gia khuyến cáo mọi người, kể cả người trẻ cũng nên đi tầm soát đột quỵ não do tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ đã và đang gia tăng. Bởi, người trẻ thường chủ quan, ít khi theo dõi chỉ số huyết áp, ít tập luyện, chế độ ăn uống thừa cân, béo phì và không đi khám sức khỏe định kỳ, chỉ đến khi có bệnh, hoặc đột quỵ phải nhập viện mới ngã ngửa có mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp …

Đối với những người đã được chẩn đoán tăng huyết áp, việc tuân thủ điều trị và duy trì thuốc đều đặn là vô cùng quan trọng để phòng ngừa biến chứng đột quỵ nguy hiểm.

Đắp lá chữa trật khớp gối, người đàn ông phải cắt cụt chân
Cứu sống người đàn ông nguy kịch vì chủ quan với sốt virus
Bảo Long
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động