Bác kháng cáo của Đường “Nhuệ”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBị cáo Đường, Nin tại phiên tòa phúc thẩm |
Tại tòa, nhiều bị hại vắng mặt. Luật sư của các bị cáo đề nghị hoãn phiên tòa. Tuy nhiên, đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội cho rằng, vụ án này có 25 bị hại, quá trình tố tụng, CQĐT đã lấy lời khai của các bị hại. Đến nay, các bị hại chưa có quan điểm trái chiều với những gì họ đã trình bày với CQĐT nên đề nghị tòa tiếp tục xét xử. Đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội cũng cho rằng, bản án của TAND tỉnh Thái Bình đưa ra là có cơ sở, phù hợp với hồ sơ vụ án, lời khai của những người có liên quan.
HĐXX nhận định, trong 7 bị cáo chỉ có bị cáo Nguyễn Xuân Đường không thừa nhận hành vi phạm tội, 6 bị cáo khác, trong đó có Nguyễn Thị Dương (vợ của Đường) trong quá trình điều tra đã nhận tội. Bị cáo Dương lúc đầu cũng có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Thái Bình nhưng sau đó đã tự nguyện rút đơn và khắc phục hậu quả.
Căn cứ diễn biến phiên tòa và lời khai của các bị cáo, TAND cấp cao tại Hà Nội không chấp nhận nội dung kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Xuân Đường cũng như đơn kháng cáo xin giảm nhẹ mức án của bị cáo Nguyễn Khắc Nin.
HĐXX của TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên giữ nguyên mức án đối với Đường, Nin như mức án TAND tỉnh Thái Bình đã tuyên. Cụ thể, Nguyễn Xuân Đường 15 năm tù; Nguyễn Khắc Nin 12 năm tù cùng về tội "Cưỡng đoạt tài sản", Điều 170 Bộ luật Hình sự
Tại phiên phúc thẩm, về lý do kháng cáo, bị cáo Đường trình bày, muốn đưa thêm một số bằng chứng liên quan tới vụ án. Bị cáo thấy mình không vi phạm pháp luật. Bị cáo được các cơ sở dịch vụ mời vào hiệp hội tang lễ làm. Về số tiền nhận từ các chủ cơ sở dịch vụ tang lễ, bị cáo chi trả cho việc ăn uống chung, việc ma chay, hiếu hỉ và cả từ thiện. "Bị cáo phải ngồi tù lâu, bị cáo sẽ chấp nhận nhưng mong HĐXX làm rõ tình tiết để bị cáo có thể tâm phục, khẩu phục" - lời bị cáo Đường.
Trong khi đó, bị cáo Nin cho rằng, mức án bản án sơ thẩm với mình "hơi cao". Bị cáo giãi bày, nếu biết dính vào pháp luật, bị cáo chắc chắn đã không làm như thế. Bị cáo mong tòa xem xét lại bản án và tuyên bị cáo mức án nhẹ nhất để bị cáo cải tạo, sớm trở về với gia đình và cộng đồng.
Theo bản án sơ thẩm, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2017 đến tháng 4/2020, Đường dùng nhiều thủ đoạn đe dọa trực tiếp hoặc gián tiếp để cưỡng đoạt tiền của 25 chủ cơ sở dịch vụ tang lễ tại tỉnh Thái Bình.
Cụ thể, bị cáo lợi dụng danh nghĩa và núp bóng Cty TNHH Đường Dương (vợ Đường là Nguyễn Thị Dương làm GĐ) để ép buộc các cơ sở dịch vụ tang lễ tại tỉnh Thái Bình phải hoạt động và nộp tiền theo yêu cầu của Đường, mặc dù Cty không có chức năng hoạt động trong lĩnh vực hỏa táng, không đầu tư cơ sở vật chất và không được Cty Hoàng Long ủy quyền.
Đường tự xưng là Chủ tịch Hiệp hội tang lễ Thái Bình, tự ban hành Quy chế hoạt động của Hiệp hội và Hợp đồng nguyên tắc giữa Cty Đường Dương với các dịch vụ tang lễ Thái Bình. Đường cùng một số người khác đe dọa, đánh anh Nguyễn Thế Việt để ép đại lý phải dừng hoạt động; cấm các cơ sở dịch vụ tang lễ được đi hỏa táng tại Nam Định mà phải sang Hải Phòng hỏa táng để gây sức ép với Cty Hoàng Long.
Sau khi đại lý của anh Việt phải dừng hoạt động, Đường tổ chức các cuộc họp, chửi và đe dọa để ép chủ các cơ sở dịch vụ tang lễ phải ký vào bản Hợp đồng nguyên tắc giữa Cty Đường Dương với các dịch vụ tang lễ Thái Bình. Đồng thời, Đường ép buộc các chủ dịch vụ tang lễ phải báo ca hỏa táng cho người của mình qua điện thoại, phải nộp số tiền 500 nghìn đồng/ca hỏa táng.
Trong thời gian trên, Đường tiếp tục có hành vi chặn xe tang lễ của cơ sở dịch vụ tang lễ tỉnh Hải Dương không cho sang tỉnh Thái Bình thực hiện hợp đồng tang lễ; phân chia địa bàn cho các cơ sở dịch vụ tang lễ.
CQCA làm rõ, Quách Việt Cường giúp Đường nhận báo ca và thu tiền báo ca 288,5 triệu đồng; Ninh Đức Lợi giúp Đường nhận báo ca và thu tiền báo ca gần 2 tỷ đồng; Lương Trung Thái không biết nội dung Đường cưỡng đoạt tiền của các chủ cơ sở dịch vụ nên giúp Đường nhận báo ca và thu tiền báo ca 339 triệu đồng.
Số tiền trên, Cường, Lợi, Thái đều giao lại cho Phạm Văn Úy. Úy kiểm đếm và mang về cho Đường. Nguyễn Thị Dương giúp Đường ký vào các bản hợp đồng nguyên tắc và quy chế hoạt động với tư cách GĐ Cty Đường Dương, trực tiếp nhận từ Đỗ Văn Nhật (dịch vụ tang lễ Tâm Đức) số tiền 43 triệu đồng, nhận qua Phạm Văn Úy số tiền 64,5 triệu đồng, sau đó đưa cho Đường.
Tổng số tiền Nguyễn Xuân Đường chiếm đoạt của 25 bị hại là 2,469 tỷ đồng. Số tiền này, Nguyễn Xuân Đường sử dụng để chi tiêu cá nhân.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại