Bác kêu oan của cựu cán bộ công an
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBị cáo tại tòa |
Bản án sơ thẩm cho thấy, chiều 7/5/2015, Tổ công tác của CA quận Đống Đa, Hà Nội, kiểm tra một quán karaoke trên địa bàn, phát hiện sáu người không có giấy tờ tùy thân. Sau khi đưa nhóm này về trụ sở, CA xác định ba trong số sáu người là cán bộ thuộc Đội CSGT số 2, Phòng CSGT Hà Nội. Qua test thử ma túy, sáu người đều cho kết quả âm tính, không phát hiện vi phạm. CA quận Đống Đa liên hệ với Đội CSGT số 2 đến nhận bàn giao ba cán bộ CSGT nêu trên.
Lo sợ bị kỷ luật, ba cán bộ CSGT nhờ người tìm cách giúp mình không bị kỷ luật và điều chuyển công tác. Thông qua các mối quan hệ, họ được giới thiệu đến Nguyễn Thị Thanh Thủy. Thủy nhận lời, tiếp tục trao đổi và nhờ Phạm Hoài Nam, SN 1978, cựu cán bộ CA quận Cầu Giấy, Hà Nội, đã tìm cách lo lót.
Sau nhiều lần gặp và nói chuyện, ba cán bộ CA cùng gia đình đưa cho Thủy tổng cộng hơn 1,3 tỷ đồng. Thủy đã đưa cho Nam 30 triệu đồng và 30.000 USD, giữ lại 660 triệu đồng. Tháng 10/2015, CA TP Hà Nội quyết định điều động ba cán bộ CSGT sang công tác tại Phòng Cảnh sát bảo vệ. Nhóm này thấy Thủy đã hứa hẹn và nhận tiền nhưng không giúp được nên gửi đơn tố giác đối với Thủy và Nam.
Tháng 7/2021, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Thủy 13 năm tù, Nam 8 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thủy kháng cáo kêu oan, Nam thừa nhận việc nhận 30.000 USD từ Thủy nên chấp nhận bản án.
Tại tòa phúc thẩm, Thủy giữ nguyên kháng cáo, đề nghị thay đổi kiểm sát viên vì cho rằng không đảm bảo khách quan. Bị cáo và luật sư bào chữa còn đề nghị triệu tập bị án Phạm Hoài Nam, 3 cán bộ CA cùng nhiều người liên quan để thực hiện đối chất. HĐXX không chấp nhận việc thay đổi kiểm sát viên vì không có căn cứ; những người mà bị cáo và luật sư muốn triệu tập đều đã có lời khai trong hồ sơ, quá trình xét xử nếu thấy cần thiết thì sẽ xem xét…
Bước sang phần xét hỏi, Thủy thừa nhận có được nhờ vả để giúp cho ba cán bộ CA không bị kỷ luật nhưng khi ấy đã trả lời rằng không giúp được vì không có khả năng. Thủy sau đó cho số điện thoại của Phạm Hoài Nam để tự liên hệ. Nữ bị cáo cho rằng, không hứa hẹn, không nhận tiền, cũng không lừa đảo ba cán bộ CA cùng gia đình họ. Chỉ có chị gái của một trong ba cán bộ CA từng nhờ Thủy đưa một phong bì cho Nam. Thủy đồng ý, gặp và đưa cho Nam, không biết bên trong phong bì có gì.
Hồ sơ vụ án thể hiện, Thủy từng có bản báo cáo và cam kết về việc hứa trả tiền cho gia đình ba cán bộ CA. Được hỏi về điều này, Thủy nói bị ép buộc viết, đã kêu oan rất nhiều lần nhưng chưa giải quyết. Luật sư bào chữa cho Thủy cho rằng, nhóm gia đình ba cán bộ CA chủ động tìm đến nhờ, bị cáo không dùng thủ đoạn gian dối hay hứa hẹn gì, chỉ giới thiệu bằng việc cho số điện thoại của Nam. Hơn thế, nhóm ba cán bộ CA và gia đình đã bỏ tiền để lo lót việc không bị kỷ luật… Luật sư đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, làm rõ có việc lừa đảo hay không, có hay không dấu hiệu đưa hối lộ như đã nêu. Ngược lại, đại diện VKSND đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
HĐXX nhận định, bị cáo kêu oan nhưng không có chứng cứ gì mới, cho rằng bị ép viết bản báo cáo và cam kết nhưng không đưa ra được bằng chứng chứng minh… Do vậy, HĐXX bác kháng cáo, y án 13 năm tù.
HĐXX cho rằng, nhóm ba cán bộ CA và gia đình đã tập hợp tiền để đưa cho Thủy và Nam lo lót không bị kỷ luật và tước quân tịch. Hành vi này có dấu hiệu đưa hối lộ và môi giới hối lộ. Tuy nhiên, xét trong phạm vi vụ án đang xét xử, cũng như việc không ảnh hưởng đến bản chất hành vi lừa đảo của bị cáo, HĐXX kiến nghị VKSND và CQĐT cấp sơ thẩm xác minh, làm rõ, nếu có vi phạm cần xử lý nghiêm. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại