50 năm Chiến thắng “Hà Nội– Điện Biên Phủ trên không”: Bản hùng ca bất tử
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác đại biểu tham dự lễ kỷ niệm. |
Tham dự Lễ kỷ niệm, về phía đại biểu T.Ư có các Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, cùng đại diện các bộ, ban, ngành T.Ư.
Đại biểu TP Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy.
Dự lễ kỷ niệm còn có các Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động, các chiến sĩ phòng không không quân trực tiếp tham gia chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội…
Chiến thắng của chính nghĩa và lòng yêu nước
Trong diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ôn lại những ngày tháng lịch sử hào hùng cách đây 50 năm.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, ngay từ những năm đầu của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, sớm nhận rõ và dự báo chính xác tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xác định quyết tâm chiến lược, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, động viên quân và dân miền Bắc chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt... Cuối năm 1967, đầu năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Sau thất bại liên tiếp tại chiến trường miền nam Việt Nam, Mỹ đơn phương tuyên bố hoãn không thời hạn Hội nghị Pari, đồng thời mở cuộc tập kích chiến lược bằng đường không vào miền Bắc nước ta tháng 12 năm 1972, với tên gọi Chiến dịch “Lai-nơ-bếch-cơ 2”. Đây là cuộc tập kích huy động lực lượng lớn nhất của Mỹ kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, với hàng trăm máy bay ném bom chiến lược B.52, được mệnh danh là “Siêu pháo đài bay” - “thần tượng bất khả chiến bại” của không lực Hòa Kỳ cùng hàng ngàn máy bay chiến thuật và nhiều tàu sân bay, tàu chiến tối tân, hiện đại.
Với sự sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, qua nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi cách đánh B.52, quân và dân ta đã tổ chức, phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, thế trận phòng không nhân dân vững chắc, hiệp đồng tác chiến hiệu quả giữa các lực lượng, với ý chí “Quyết đánh”, “Biết đánh” và “Quyết thắng”. Ngay từ trận đầu ra quân, đêm 18 tháng 12 năm 1972, quân và dân ta đã bắn rơi tại chỗ “siêu pháo đài bay B.52”, mở màn cho những thắng lợi vang dội trong những trận đánh tiếp theo.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm. |
Trong 12 ngày đêm tháng 12/1972, đế quốc Mỹ đã sử dụng 663 lượt máy bay B.52 và 3.920 lượt máy bay chiến thuật, ném hơn 100 ngàn tấn bom, đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã miền Bắc nước ta. Riêng ở Hà Nội, không lực Mỹ sử dụng 441 lượt máy bay B.52 cùng nhiều máy bay chiến thuật, trút hàng ngàn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học...; huỷ diệt nhiều phố xá, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người, hủy diệt phố Khâm Thiên - khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội vào thời điểm đó.
Với tinh thần chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo, với ý chí kiên cường, niềm tin sắt đá, nêu cao tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 chiếc B.52, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái Mỹ…
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là kỳ tích có một không hai, mang tầm vóc lịch sử ở thế kỷ 20, bản hùng ca chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó là chiến thắng của chính nghĩa, kết tinh lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là đỉnh cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam; làm sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Nhân dân ta; cổ vũ, động viên, thắp sáng niềm tin cho nhân loại tiến bộ trên thế giới đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội. Hà Nội được bạn bè quốc tế ngợi ca là: “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.
Sau thất bại này, nhà cầm quyền Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận quay trở lại bàn đàm phán. Ngày 27 tháng 01 năm 1973, Hiệp định Pari về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam” được ký kết. Cuối tháng 3/1973, quân đội Mỹ và chư hầu đã phải rút khỏi miền nam Việt Nam….
Trung tướng Phạm Tuân phát biểu tại lễ kỷ niệm. |
Vận dụng linh hoạt, sáng tạo những bài học từ lịch sử chiến đấu
Tại buổi lễ, ông lại những kỷ niệm hào hùng cách đây 50 năm, Trung tướng Phạm Tuân (Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân) cho biết, cách đây vừa tròn nửa thế kỷ, quân và dân miền Bắc, mà trực tiếp là quân dân Thủ đô Hà Nội với lực lượng nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân đã anh dũng chiến đấu đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B.52 của không lực Hoa Kỳ và làm nên chiến thắng vang dội “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris và rút quân khỏi Việt Nam, tạo bước ngoặt quan trọng cho cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo Trung tướng Phạm Tuân, với sự sáng suốt và tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ và Trung ương Đảng, chúng ta đã sớm khẳng định: Mỹ sẽ dùng B.52 đánh ra Hà Nội trước khi chịu thua ở Việt Nam. Từ nhận định này, Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo cho Quân chủng Phòng không - Không quân chuẩn bị đánh B.52 từ rất sớm, với tư tưởng chỉ đạo nếu B-52 đánh vào Hà Nội phải bắn rơi tại chỗ, tiêu diệt và bắt sống giặc lái, đánh vào tinh thần của đội ngũ phi công, làm rung chuyển Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Tư tưởng đó được quán triệt xuyên suốt trong quá trình chuẩn bị và chiến đấu của quân và dân ta.
Đêm 18/12/1972 - đêm mở đầu của Chiến dịch đã diễn ra như phương án chúng ta đã dự kiến. Các trận địa ra đa đã sớm phát hiện B.52 thông báo để Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân báo động chiến đấu kịp thời. Sau khi máy bay cường kích đánh vào các trận địa tên lửa, ra đa, đặc biệt đánh phủ ác liệt các sân bay thì B.52 tiến vào các mục tiêu và tập trung là Hà Nội.
Sau 12 ngày đêm chiến đấu, chúng ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại; trong đó có 34 máy bay B.52. Bị thiệt hại nặng nề, đế quốc Mỹ buộc phải kết thúc chiến dịch tập kích đường không, tiếp tục ngồi vào bàn đám phán và ký kết Hiệp định hòa bình về Việt Nam. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm của quân và dân Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận, mà lực lượng Phòng không - Không quân làm nòng cốt đã thực hiện thắng lợi quyết tâm của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trung tướng Phạm Tuân cho biết, là những người cựu chiến binh đã từng tham gia vào Chiến dịch lịch sử Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Trung tướng rất tin tưởng vào sự phát triển đi lên của Quân chủng Phòng không – không quân. Đồng thời mong muốn lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ toàn Quân chủng tiếp tục quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; cụ thể hóa và vận dụng linh hoạt, sáng tạo những bài học quý báu từ Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” để tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Tăng cường nghiên cứu tình hình thế giới, khu vực và trong nước làm tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xác định đối tượng tác chiến cả về âm mưu, thủ đoạn, chiến dịch, chiến thuật và cách đánh cụ thể; xây dựng các phương án tác chiến đường không, luôn luôn chủ động, sẵn sàng chiến đấu, không để bị bất ngờ trong mọi tình huống.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội cùng các đại biểu tại lễ kỷ niệm. |
Đặc biệt, phát huy tinh thần sáng tạo trong xây dựng phương án, cách đánh phù hợp với vũ khí trang bị hiện có, nghiên cứu tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong mua, sắm trang bị, vũ khí, khí tài, cải tiến và tiến tới sản xuất các loại vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại. Tập trung xây dựng bản lĩnh chính trị của người chiến sĩ Phòng không - Không quân. Đó là người chiến sĩ có lòng yêu nước nồng nàn, sẵn sàng chiến đấu hy sinh khi Tổ quốc cần. Đồng thời cũng là người cán bộ, chiến sĩ có năng lực quản lý, điều hành và làm chủ vũ khí trang bị, có tư duy sáng tạo để bất cứ trong tình huống khó khăn, gian khổ nào cũng vượt qua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Quyết tâm viết tiếp những trang sử vẻ vang
Vinh dự, xúc động và tự hào khi được đại diện cho thế hệ trẻ phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thiếu tá Bùi Thanh Bình - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 77, Trung đoàn tên lửa 257, Sư đoàn Phòng không 361, Quân chủng Phòng không - Không quân bày tỏ: "Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhìn lại Chiến thắng lịch sử “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, đặc biệt là qua những thước phim tư liệu, những câu chuyện kể xúc động của các bác, các chú cựu chiến binh, những người đã từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong 12 ngày đêm lịch sử đó, chúng tôi càng thêm thấm thía và cảm nhận sâu sắc rằng: Để có được những ngày hòa bình, tươi đẹp như hôm nay, đất nước ta đã phải trải qua những cuộc đấu tranh trường kỳ, gian khổ, đầy máu và nước mắt, nhưng rất đỗi tự hào và vẻ vang".
Trong đó, Bản hùng ca bất diệt “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta như một “Bạch Đằng”, “Chi Lăng”, “Đống Đa” của thế kỷ 20… trở thành biểu tượng của ý chí, trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, là thắng lợi của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tư do”. Chiến thắng đó đã góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Quang cảnh lễ kỷ niệm. |
Kế thừa và phát huy tinh thần chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, thế hệ trẻ nguyện quyết tâm viết tiếp những trang sử vẻ vang, tiếp nối truyền thống cha ông, lấy đó làm lý tưởng sống, làm động lực để phát huy trí tuệ, lòng nhiệt huyết, ra sức xây dựng Quân đội, Quân chủng Phòng không - Không quân “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc, góp phần xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “Giàu mạnh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong ước.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại