4 cơ hội lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCơ hội đầu tiên của các hòa giải viên là khi bắt đầu tiến hành tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp để thực hiện công tác hòa giải. Từ hoạt động tìm hiểu, nắm rõ nguyên nhân phát sinh tranh chấp sẽ tạo điều kiện để hòa giải viên có phương pháp hòa giải đúng, vận dụng, viện dẫn, các điều luật phù hợp với nội dung tranh chấp xảy ra đồng thời có căn cứ giải thích, hướng dẫn, thuyết phục các bên tranh chấp hiểu được hành vi của mình đúng hay sai, vi phạm pháp luật hay không vi phạm pháp luật. Nếu gặp những vấn đề khó, Hòa giải viên cần hỏi ý kiến các chuyên gia, cán bộ Tư pháp… đảm bảo sao cho các quy định pháp luật, quy phạm đạo đức vận dụng vào vụ việc tranh chấp là đúng, chính xác.
Cơ hội thứ hai là sau khi nắm rõ nội dung tranh chấp rồi, hòa giải viên cần tìm hiểu xem quan hệ tranh chấp này được văn bản pháp luật nào điều chỉnh? Đây là một công việc khó, đòi hỏi hòa giải viên phải lựa chọn đúng điều luật để áp dụng vào vụ việc tranh chấp này. Nếu lựa chọn sai điều luật điều chỉnh có thể dẫn đến việc phổ biến, giáo dục pháp luật không đúng và chắc chắn là việc hòa giải các bên tranh chấp không thành công.
Trong khi tiến hành hòa giải các bên tranh chấp, hòa giải viên có rất nhiều cơ hội để lồng ghép việc phổ biến, giáo dục pháp luật |
Ở bước tiếp theo, khi đã rõ văn bản điều chỉnh cho vụ tranh chấp này, hòa giải viên có cơ hội thứ 3 để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật khi tổ chức cho các bên tranh chấp gặp nhau để thảo luận, giải quyết tranh chấp. Lúc này hòa giải viên có thể đối chiếu, phân tích các quy định của pháp luật về vấn đề mà các bên đang tranh chấp cần biết, cần hiểu để họ tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với pháp luật.
Từ việc hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của từng bên về việc giải quyết tranh chấp, hòa giải viên tổ chức cho các bên gặp nhau để thỏa thuận, thống nhất phương án giải quyết tranh chấp. Đây cũng là cơ hội thứ tư để lồng ghép phổ biến giáo dục pháp luật.
Để tạo thuận lợi cho việc hòa giải, hòa giải viên có thể nêu từng vấn đề đang tranh chấp và đề nghị từng bên cho ý kiến giải quyết. Tùy điều kiện cụ thể, Hòa giải viên có thể đối chiếu, phân tích các quy định của pháp luật về các vấn đề các bên đang tranh chấp để các bên hiểu và có thể áp dụng giải quyết tranh chấp. Trên cơ sở các quy định của pháp luật, hòa giải viên có thể nêu các phương án giải quyết của mình để các bên tham khảo. Khi các bên thống nhất được cách thức giải quyết tranh chấp, nếu cần thiết, hòa giải viên có thể giúp các bên tranh chấp lập văn bản ghi nhận sự thỏa thuận của các bên làm cơ sở cho việc thi hành sau này.
Như vậy, trong khi tiến hành hòa giải các bên tranh chấp, Hòa giải viên có rất nhiều cơ hội để lồng ghép việc phổ biến, giáo dục pháp luật, nhấn mạnh những quy định mấu chốt của pháp luật nếu các bên tranh chấp nghiêm chỉnh trong ứng xử của mình thì sẽ tránh được tranh chấp xảy ra. Đồng thời, qua đó các bên tranh chấp và những người có liên quan có thể được nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức tôn trọng pháp luật từ đó hạn chế những vi phạm pháp luật và tranh chấp xảy ra.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại